Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Toàn cảnh vụ 'người hùng Olympic Đông Nam Á' tố mẹ ăn chặn tiền thưởng

Mâu thuẫn, tranh chấp tiền thưởng giữa Carlos Yulo và mẹ ruột đang làm lu mờ hai tấm huy chương vàng quý giá mà VĐV này mang về cho thể thao Philippines.

VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo (24 tuổi) đã giành hai huy chương vàng ở nội dung biểu diễn trên sàn và nhảy ngựa tại Olympic Paris 2024.

Đây là bước tiến lớn đối với thể thao Philippines, sau khi đất nước này có được huy chương vàng Olympic đầu tiên sau 97 năm chờ đợi tại Olympic Tokyo 2020, nhờ công của VĐV cử tạ Hidilyn Diaz.

Tuy nhiên, niềm vui, tự hào với những tấm huy chương vàng nhanh chóng bị thay thế bởi những cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề tiền thưởng, mâu thuẫn gia đình của Yulo và cả những vấn đề của thể thao Philippines, theo The Straits Times.

Ai là "kẻ phản diện"?

Sau khi giành được huy chương Olympic, Yulo cảm ơn tất cả mọi người, trừ mẹ ruột của anh, bà Angelica Yulo.

Nhiều người cũng nhận ra rằng thay vì chúc mừng con trai, bà Angelica lại đăng các bài viết thể hiện sự ủng hộ với một VĐV thể dục dụng cụ người Nhật Bản từng đánh bại Yulo trong quá khứ.

Nhận thấy sự kỳ lạ này, các "thám tử mạng xã hội" nhanh chóng tìm lại các bài đăng cũ trên Facebook của bà Angelica, tiết lộ một cuộc tranh cãi âm ỉ từ lâu giữa bà và con trai, chủ yếu là về vấn đề tiền bạc.

carlos yulo anh 1

Carlos Yulo tố mẹ ruột ăn chặn tiền thưởng của mình.

Có vẻ như Yulo cảm thấy bị xúc phạm khi mẹ ruột lấy số tiền thưởng mà VĐV này giành được tại Giải vô địch thế giới năm 2022 mà không nói cho anh biết. Ngược lại, bà Angelica vô cùng tức giận khi con trai cáo buộc bà "ăn cắp tiền của anh" và yêu cầu bà chỉ rút số tiền đủ để trang trải nhu cầu của gia đình.

Bà cũng chỉ trích bạn gái của Yulo - Chloe San Jose (người Australia làm nghề sáng tạo nội dung), cho rằng cô gái này đã ảnh hưởng xấu đến Yulo, cố gắng chia rẽ bà và con trai.

Mối bất hòa giữa cả hai đã diễn ra công khai trong nhiều ngày, làm giảm đi phần nào độ hào nhoáng của những tấm huy chương Yulo giành được ở Olympic. Nhiều người tham gia bắt đầu chọn phe và không còn nhận ra tầm quan trọng của những gì Yulo đã đạt được.

carlos yulo anh 2

Carlos Yulo và bạn gái Chloe San Jose.

Bà Angelica đã bị chỉ trích là "người mẹ độc hại nhất năm". Trong khi đó, một số người nhắc nhở Yulo rằng bất kể có bất bình gì, anh cũng không nên nói những lời cay nghiệt như vậy về mẹ mình. Những người khác lại chỉ trích bạn gái Yulo.

Nhà phân tích thể thao Sev Sarmenta nói với The Straits Times: "Mọi người đều tìm thấy 'kẻ phản diện' của họ trong 'bộ phim' này. Họ nghĩ đó là bạn gái hoặc bà mẹ. Vì vậy, nó tạo nên một vở kịch hoàn chỉnh. Thực tế là câu chuyện, mối bất hòa trở nên trầm trọng hơn vì số tiền khổng lồ đang đến với Carlos".

Vấn đề phía sau

Nhiều người khác lại đang nhìn thấy những vấn đề của thể thao Philippines từ mối bất hòa giữa Yulo và mẹ ruột.

Hầu hết VĐV của đất nước này sống nhờ vào khoản trợ cấp nhận được từ các hiệp hội thể thao. Số tiền không nhiều nên một số phải làm thêm các công việc khác hoặc tự tìm nhà tài trợ.

Nhà hảo tâm và tập đoàn giàu có xuất hiện, nhưng hiếm khi mở ví với những VĐV thi đấu trong các môn thể thao bị đánh giá là ít hấp dẫn như cử tạ, quyền anh, thể dục dụng cụ, trượt băng nghệ thuật, cho dù những người này đủ tiềm năng bước lên bục vinh quang.

VĐV cử tạ Hidilyn Diaz đã phải cầu xin trợ giúp tài chính từ các nhà tài trợ tư nhân, ngay cả sau khi cô đã chứng minh được năng lực của mình bằng cách giành huy chương bạc tại Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro.

"Có được phép yêu cầu các công ty tư nhân tài trợ cho Olympic Tokyo 2020 không?", cô đã hỏi những người theo dõi mình trong một bài đăng trên Instagram vào năm 2019. Khi đó, VĐV tiết lộ rằng tất cả những gì cô nhận được là khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 26.000 peso (450 USD) từ Ủy ban Thể thao Philippines.

carlos yulo anh 3

VĐV cử tạ Hidilyn Diaz đã giành huy chương vàng Olympic đầu tiên cho Philippines tại Thế vận hội Tokyo 2020.

"Tôi rất, rất tuyệt vọng. Tôi cần được hỗ trợ tài chính. Bạn nghĩ điều đó có ổn không? Dù rất xấu hổ, tôi ở đây để yêu cầu giúp đỡ nhằm hiện thực hóa ước mơ mang về huy chương vàng", cô viết.

Nhưng thay vì nhận được sự giúp đỡ, đám đông trực tuyến đã chỉ trích cô. Nhiều người cáo buộc Diaz cư xử như một "diva", trong khi một số người yêu cầu cô phải bị loại khỏi danh sách VĐV tham dự Olympic Tokyo.

Bất chấp chỉ trích, Diaz đã nỗ lực, giành được huy chương vàng Olympic và thay đổi số phận của mình. Cô nhận được 35 triệu peso tiền ưu đãi tài chính từ chính phủ và hai "ông trùm" người Philippines, một khu điền trang ở phía bắc Manila và một chiếc ôtô.

Một nhà phát triển bất động sản còn tặng cô căn hộ chung cư trị giá 17 triệu peso trong khu vực cao cấp ở Manila.

Thiếu hỗ trợ

Nhưng câu chuyện nỗ lực thành công từ con số 0 của Diaz chỉ là số hiếm. Hầu hết VĐV Philippines đều trải qua thử thách giống cô, nhưng khó có thể đạt được thành công như vậy.

Đó không chỉ là vấn đề cố gắng bao nhiêu. Võ sĩ Irish Magno chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook năm 2019 rằng rất khó tập trung luyện tập cho Thế vận hội khi cô là trụ cột gia đình và không nhận được trợ cấp trong hai tháng.

"Thật khó để tập trung khi bạn biết gia đình hầu như không có gì để ăn. Tôi rất đau lòng khi biết rằng tất cả đều phụ thuộc vào mình", cô viết.

Magno đã sớm bị loại khỏi Olympic Tokyo và không có mặt trong đội tuyển quyền anh tham dự tại Paris.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng thừa nhận sự hỗ trợ không nhất quán dành cho các VĐV Philippines. "Tôi luôn cảm thấy xấu hổ khi thấy chúng ta không hỗ trợ các VĐV, huấn luyện viên, người hướng dẫn và tất cả nhóm hỗ trợ, thậm chí cả gia đình VĐV", ông nói.

Sau chiến thắng của Yulo, thể thao một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của Quốc hội Philippines.

Khi chúc mừng tất cả 22 VĐV Philippines đã tham gia thi đấu tại Paris, Quốc hội nước này thừa nhận sự thiếu hỗ trợ của chính phủ đối với các VĐV trong nước. "Thông thường, các VĐV Philippines phải tự xoay xở để tập luyện, tham gia và đủ điều kiện tham gia các cuộc thi trong nước cũng như quốc tế. Điều này buộc họ phải tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và chuyên môn từ người thân, bạn bè, khu vực tư nhân, thậm chí là các huấn luyện viên và đội tuyển nước ngoài", các nhà lập pháp cho biết.

Ngân sách dành cho thể thao năm 2025 đã bị cắt giảm từ 1,156 tỷ peso của năm 2024 xuống còn 725 triệu peso. Quốc hội kêu gọi có những thay đổi sâu rộng hơn trong thể thao. "Hệ thống hiện tại chủ yếu tập trung vào việc khen thưởng các VĐV sau khi họ chiến thắng, thay vì cung cấp sự hỗ trợ nhất quán và đáng kể trong suốt quá trình luyện tập, chuẩn bị của họ".

'Người hùng Olympic' phá vỡ định kiến giới trong thể thao Philippines

"Người hùng Olympic" Carlos Yulo cũng từng bị nghi ngờ về giới tính khi thi đấu thể dục nghệ thuật - môn thể thao bị coi là chỉ dành cho phụ nữ ở Philippines.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Ảnh: Instagram, The Straits Times

Bạn có thể quan tâm