Sáng nay 9/8, người dân Sóc Trăng xôn xao khi hay tin 3 cán bộ liên quan đến vụ bắt oan 7 người đã bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, tạm giam.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân và đại úy Triệu Tuấn Hưng (nguyên điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố tội Dùng nhục hình. Nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi (VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thạch Sô Phách kể lại chuyện bị ông Hưng dùng nhục hình. |
Vụ án liên quan đến các tội xâm phạm hoạt động tư pháp tại Sóc Trăng được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm rõ từ đơn tố giác của anh Thạch Sô Phách (ở xã Đại Ân 2, Trần Đề, Sóc Trăng), sau khi thanh niên 27 tuổi này được đình chỉ điều tra, cho về nhà sau hơn nửa năm bị tạm giam.
Cùng bị oan như anh này có 5 người khác là: Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Trần Văn Đỡ và chị Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang).
Nhồi nước đá vào vùng kín
Từ khi được cho về, sức khỏe Phách không khỏe mạnh như trước ngày bị bắt. Anh thường phải đi bệnh viện khám bệnh do hay tiểu ra máu. Nỗi ấm ức lớn nhất là khi được thả về, vợ anh đã bỏ đi lấy chồng khác khiến người chồng trẻ một mình nuôi con.
Theo Phách, đêm xảy ra vụ án mạng mà ông Trần Văn Dũng (43 tuổi) là nạn nhân, anh với vài người bạn ngồi nhậu ở nhà. Nhậu xong họ ngủ đến sáng nhưng đã bị cán bộ điều tra ép khai là có đi cùng Trần Hol và nhìn thấy bạn đâm xe ôm.
"Thật oan cho tôi, nhưng nói vô tội thì điều tra viên không nghe. Đại úy Triệu Tuấn Hưng dùng nước đá nhồi bóp vào vùng kín khiến bìu và dương vật co lại như hạt đậu vì quá lạnh", Phách kể.
Còn Trần Hol, trước đêm ông Dũng bị sát hại, thanh niên này không tìm được độ đá gà nên đi chợ mua thịt heo về nấu đồ ăn cơm với vợ con. Ăn cơm xong anh nhận được điện thoại của Phách và Khâu Sóc rủ ra ngoài chơi nhưng từ chối vì sợ vợ buồn.
"Phách điện thoại lần thứ 2 nhưng tôi không nghe nữa. Lúc nghe điện thoại của Sóc, tôi nói tao đi chơi suốt ngày nên giờ không ra ngoài nữa, vợ cằn nhằn rồi tắt máy", Hol nhớ lại.
Nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi (Bảy Núi, cao nhất hàng ngồi, tay đeo đồng hồ) tại nơi tát ao mò dao gần hiện trường vào ngày 20/12/2013. |
Tuy vậy, tại cơ quan điều tra, Hol cho rằng liên tục bị ép nhận có đâm xe ôm, dù anh này không hề biết nạn nhân là ai và không ra khỏi nhà vào đêm xảy ra án mạng. Hol cho biết sau khi bị bắt đưa về tỉnh, anh đã bị một cảnh sát đánh chảy máu trán. Sau đó, bác sĩ phải kiểm tra vết thương, băng bó.
"Người đánh tôi chảy máu trán là Nguyễn Hoàng Phú. Tôi nhớ rất rõ vì ông ấy có đeo bảng tên", Hol nói.
Trong báo cáo ngày 23/5 của Công an tỉnh Sóc Trăng lại cho rằng, qua thanh tra chưa phát hiện có động cơ cá nhân, không tiêu cực và không có cơ sở cho rằng xảy ra hành vi bạo lực, đánh đập các nghi can.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao lại xác định trong quá trình điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm của Phách, cơ quan này phát hiện một số cán bộ cơ quan tố tụng của tỉnh Sóc Trăng có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Thiếu tá Quân và đại úy Hưng đã sử dụng khóa số 8 treo hai tay Đỡ, Phách vào khung sắt cửa sổ phòng làm việc và dùng tay, chân đấm đá. Hai điều tra viên này còn dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần vào người Khâu Sóc và Thạch Mươl nên dù không thực hiện hành vi phạm tội nhưng các thanh niên này vẫn khai rằng đã giết xe ôm Lý Văn Dũng.
Không nhìn nhận sự thật
Trở lại báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng ngày 23/5, quá trình làm rõ vụ ông Dũng bị giết, công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Trần Đề điều tra nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm của Hol. Ngày 10/7/2013, Hol, Cua, Phách bị mời làm việc nhưng các thanh niên này không thừa nhận gây án.
Sau khi mò được con dao dưới ao, cảnh sát rút đi băng qua cánh đồng cách hiện trường ông Dũng bị giết vài trăm mét. |
Một ngày sau có nguồn tin từ người dân huyện Trần Đề cung cấp, khoảng 0h ngày 5/7/2013, đã phát hiện 2 kẻ nghi vấn nói với nhau "lộn nhà rồi". Một tên trong đó hỏi "có công an không", người kia trả lời "không sao". Nhân chứng nhìn thấy một tên cầm 2 cây dao bỏ vào cốp xe, đóng lại rồi chở nhau đi.
Từ đây, cơ qua điều tra tập trung vào nhóm của Hol. Ngày 13/5/2013, nhóm này khai nhận có tham gia đánh bị hại Dũng và khai ra những người liên quan là Mươl, Sóc, Đỡ, Diễm. Bốn người này lúc đầu không thừa nhận nhưng sau đó đã "nhận tội".
Từ lời khai ban đầu này, cơ quan điều ra tạm giữ 7 người hơn một tuần rồi khởi tố, tạm giam.
Đến ngày 18/11/2013, Lê Mỹ Duyên (14 tuổi) đến Công an xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đầu thú, khai nhận giết ông Dũng. Lúc đầu Duyên khai thực hiện một mình nhưng sau đó khai thêm Phạm Thị Kim Xuyến (16 tuổi, ngụ huyện Trần Đề) tham gia. Cuối tháng 11/2013, Xuyến đầu thú, khai cùng Duyên giết xe ôm để Cướp tài sản.
Ban đầu cơ quan điều tra cho rằng 2 thiếu nữ này nhận tội thay cho nhóm thanh niên, song qua xác minh lời khai của họ hoàn toàn phù hợp với hiện trường, diễn biến vụ án mạng.
Sáng 20/12/2013, khi các nghi can còn đang trong trại tạm giam, Công an Sóc Trăng tổ chức tát ao phía sau cánh đồng gần hiện trường ông Dũng bị giết. Đến trưa nhà chức trách tìm được một con dao được cho là hung khí gây án. Tuy nhiên đến ngày 21/5 Hol, Phách và những người bạn mới được đình chỉ điều tra.
Trần Hol hiện đang làm lơ xe ở Long An. Anh cho biết cảnh sát đánh mình là thượng tá Nguyễn Hoàng Phú. Ông Phú đã bị kỷ luật cách chức Đảng ủy viên, giáng chức từ Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xuống Đội trưởng. |
Sau khi về nhà, Phách và Hol đi kéo tôm thuê được khoảng 200.000 đồng mỗi ngày. Hết mùa tôm, Phách làm rẫy, nhổ cỏ thuê, còn Hol làm lơ xe. Mươl, Cua đang làm công nhân ở Bình Dương. Khâu Sóc về quê vợ làm ruộng. Đỡ vừa đặt bẫy chuột vừa vác nước đá kiếm sống.
Liên quan vụ việc, Công an tỉnh Sóc Trăng đã kiểm điểm, kỷ luật 25 cảnh sát. Trong đó thiếu tá Quân bị khởi tố chiều 8/8, được tại ngoại vì vừa bị ngã xe.