Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm, bao bì. Vậy tôi có thể bị lây nhiễm virus khi nhận đồ ăn online không?
Hải Anh - TP.HCM.
Tại Trung Quốc, một số bao bì đóng gói tôm động lạnh nhập khẩu từ Ecuador, cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil đã phát hiện virus SARS-CoV-2. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra nCoV có thể tồn tại trên bề mặt.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng ra tuyên bố không có bằng chứng về việc mắc người dân mắc Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm.
Những nghiên cứu hiện tại của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy nguy cơ lây nhiễm nCoV qua thực phẩm là rất thấp. Nếu bạn ăn phải thực phẩm bị nhiễm SARS-CoV-2, axit trong dạ dày sẽ vô hiệu hóa virus. Ngay cả khi axit trong dạ dày không bất hoạt được nCoV, nó cũng không thể lây nhiễm vào cơ thể qua đường ruột.
Cách duy nhất để virus xâm nhập và tấn công chúng ta là thông qua tế bào hô hấp. Dù vậy, khi nhận thực phẩm online, bạn có nguy cơ bị lây nhiễm virus khi tiếp xúc người giao hàng mang mầm bệnh.
Để hạn chế điều này, bạn nên tuân thủ nguyên tắc phòng dịch khi nhận hàng, thực phẩm online như: Không tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, sát khuẩn, rửa sạch tay trước khi ăn, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo các tài xế giao hàng:
- Thực hiện giao, nhận hàng không tiếp xúc, cách xa người nhận hàng ít nhất 2 m. Sử dụng thanh toán điện tử.
- Làm sạch, khử khuẩn hàng hóa, phương tiện thường xuyên.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên; không chạm tay lên mặt; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi; luôn mang khẩu trang.
- Không được đi làm khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở..., đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.
Theo: WHO, CDC, FDA, HCDC.