Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi đã nghiện cà phê Mỹ như thế nào

Món cà phê đá ở Mỹ thực chất được lọc bằng nước lạnh qua đêm, không phải pha nóng rồi để nguội, cho vào tủ lạnh.

Trước khi đến Mỹ, tôi chẳng biết gì mấy về cà phê, ngoại trừ tinh thần tự tôn dân tộc chẳng biết ảnh hưởng từ ai, từ đâu, từ lúc nào: cà phê Tây chua loét, nhạt nên họ uống như nước lã. 

Năm đầu tiên đến Mỹ, tôi mang theo hai gói cà phê từ Việt Nam, mua máy pha cà phê loại rẻ nhất và cố gắng uống ở nhà mỗi sáng cho tỉnh ngủ. Thấy các bạn trong lớp mang cà phê vào lớp, ly to bằng ly đồ uống trong KFC mà tôi hoảng. Đúng là họ uống như nước lã thật. Mỗi ly chắc cũng hơn 2 USD nên tôi cũng hạn chế để tiết kiệm tiền. 

Nhắc đến việc uống như nước lã, tôi lại nhớ một kỷ niệm thương thương: Ngay ngày đầu tiên lên trường, tôi vào tiệm Coffee Bean, thấy cái bảng đề "cà phê Texas" liền đặt một ly cà phê đá "cỡ Texas". Kết quả là được một ly to đúng bằng ly cỡ đại trong các quán đồ ăn nhanh, thêm sữa, nước đường vào và uống đến chiều. Từ đó về sau không tôi dám đụng đến "cỡ Texas" nữa.

Một ly cà phê Americano.
Một ly cà phê tự pha của người viết.

Nói vậy thôi chứ tôi rất dễ bị ảnh hưởng. Cứ đến giữa giờ, các bạn lại rủ đi ra ngoài hít khí trời, lấy thêm cà phê. Sau này tôi cũng lên lớp mỗi sáng với một ly, uống hết đến giữa giờ lại đem ra lấy thêm. Có những ngày tôi ngồi trong phòng dựng phim từ sáng đến tối, uống đầu giờ rồi thêm tới hai ba lần trong ngày, mỗi lần mất chưa đến 0,75 cent. 

Những ngày có tiết lúc 9h, trời lạnh mà không có ly cà phê nóng thì đúng là mất đi cứu cánh. Đã uống cà phê sáng trong cái tiệm đó, tôi không thể nào bỏ qua món taco hay các loại bánh cuộn nóng hổi mới ra lò. 

Sau vài năm, tôi không chỉ uống cà phê như nước lã mà còn ăn quá nhiều đường, bột, và tăng ký. Nếu tôi không uống cà phê thường xuyên, sẽ chẳng có những lần hàn huyên với bạn bè giữa giờ nhiều đến vậy, cũng không có những lần nhờ vả nhau đi mua cà phê mà không biết cho bao nhiêu sữa hay nước đường thì vừa, nên cứ bảo là "đổ vào đếm 1, 2, 3 là đúng khẩu vị của tôi". Âu cũng là cái duyên.

Nhờ uống nhiều, tôi biết thêm nhiều điều về cà phê. Ví dụ như món cà phê đá ở Mỹ thực chất được lọc bằng nước lạnh qua đêm, không phải pha nóng rồi để nguội, cho vào tủ lạnh; biết thêm "half and half" là thứ nửa sữa, nửa kem, cho vào cà phê rất tiện, rất béo và không ngấy, chứ không phải thứ trộn giữa sữa nguyên kem và sữa tách béo như mình tưởng lúc đầu. 

Và nhất là tôi được biết món Americano, kiểu pha nghe chẳng ấn tượng gì trong thực đơn, ngoại trừ cũng kết thúc bằng chữ "no" như Cappuccino. Sau vài lần gọi cà phê đá và hết hàng, tôi được gợi ý gọi Americano đá, để rồi phát hiện ra nó giống expresso pha thêm nước cho loãng. Nghĩ thấy buồn cười, cà phê Tây vốn loãng trong khẩu vị của người Việt, vậy mà còn pha thêm nước, thì uống chẳng khác gì... nước lã. Thế mà sau này tôi lại ghiền món này, cùng món latte đá là sữa thơm lừng vị cà phê.

Tôi vẫn mua cà phê Việt để pha bằng máy ở nhà. Có lẽ vị đậm của cà phê Việt khi pha bằng máy dùng hơi bị nhạt đi đôi phần, và trở nên vừa vặn khi thêm sữa tươi, nhưng rõ ràng tôi đã có những lựa chọn mới. 

Những ly cà phê tôi uống ở trường đại học bên Mỹ đã dạy tôi rất nhiều điều. Có quá nhiều thứ tôi không biết về những điều tưởng như tôi biết quá nhiều. Điều quan trọng là tôi có cởi mở để đón nhận những điều mới mẻ hay không.

9 quán cà phê phong cách Tây được yêu thích ở Sài Gòn

Chút lãng mạn của nước Pháp, hoài cổ của Italy, hoang dã của Mỹ… là những trải nghiệm mà những quán cà phê phong cách Tây mang lại cho thực khách.

Độc giả Trịnh Lê Minh

Bạn có thể quan tâm