Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi đến New Guinea săn cá khổng lồ

Không Internet, máy lạnh, dịch vụ hay tiện ích, đó là cuộc sống trên đảo New Guinea. Người dân nơi đây ưa săn bắt, hái lượm, thân thiện với người lạ nhưng không cần du khách.

Muốn sinh tồn trên đảo hoang sơ, kỹ năng săn bắt là rất quan trọng.

Ngồi 3 chặng bay, hết 3 tiếng đi phà và thêm 3 tiếng đi cano, tôi mới tới được New Guinea - một hòn đảo hiếm du khách hay travel blogger nào tìm đến. Gu du lịch của tôi khá dị, những vùng biển càng có ít thông tin trên Google, tôi càng muốn khám phá.

Tôi là Nguyễn Bá Nguyên (33 tuổi), một người có niềm đam mê với đại dương và các hòn đảo hẻo lánh trên thế giới. Sinh sống tại Phú Quốc - một hòn đảo đẹp của Việt Nam, nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ dự định khám phá lâu hơn, sâu hơn những vùng đảo tại Nam Thái Bình Dương trong tương lai.

Tôi có dịp đến New Guinea 2 lần ở cả hai phía Tây và Đông của hòn đảo. Một lần vào trước dịch Covid-19. Lần quay trở lại sau đó là vào tháng 9-10/2023, lúc tình hình đã ổn định hơn. Mỗi chuyến thăm đảo kéo dài từ 3 tuần đến một tháng.

Ngôi nhà thứ 2 của tôi

New Guinea là hòn đảo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Greenland. Nửa phía Tây đảo thuộc Indonesia, nhưng nửa phía Đông lại của Papua New Guinea - một đảo quốc nằm về Tây Nam Thái Bình Dương. Hiện, khu vực phía Đông có khoảng 10,5 triệu dân, mật độ dân số là 23 người/km vuông, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc.

Còn nhớ vào năm 7 tuổi, lần đầu tiên cầm trên tay quả địa cầu và cuốn bách khoa toàn thư, tôi dường như đã bị nơi này "hớp hồn". Trong tâm trí của một cậu nhóc, tiểu lục địa hình con chim có rất nhiều loài động vật kỳ thú mà tôi tò mò, muốn khám phá, từ thú mỏ vịt New Guinea, đà điểu mào xanh, chim thiên đường đến các loài rùa cực hiếm.

Lớn thêm một chút, câu chuyện về các bộ lạc ăn thịt người với phong tục săn đầu người tại New Guinea càng thôi thúc tôi phải đặt chân đến đây.

Nhưng như đã nói, lý do quan trọng nhất khiến tôi quyết định đến New Guinea là vì hòn đảo này còn rất hoang sơ. Tôi không cần thông tin giới thiệu điểm đến để lên kế hoạch trước chuyến đi. Nơi nào càng ít người đặt chân đến, tôi càng khoái. Đặc biệt, tôi không có nhu cầu check-in tại một địa điểm từng có hàng triệu người làm điều tương tự.

6 năm trước, tức 2018, tôi lần đầu đặt chân đến New Guinea với cảm xúc lâng lâng khó tả. Người dân bản địa nói với tôi rằng từ khi sinh ra, họ chưa từng biết người Việt Nam. Tôi là người Việt đầu tiên họ nhìn thấy. Dẫu vậy, thổ dân ở đây vẫn thân thiện, không vồ vập hay tò mò thái quá và luôn giữ khoảng cách với người lạ.

Lần thứ 2 trở lại đảo là vào tháng 9/2023, có một điều lạ rằng dù chỉ đặt chân đến đây 2 lần, nhưng tôi luôn cảm thấy đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình, mọi thứ không hề lạ lẫm. Lần quay trở lại này tôi chủ yếu làm quen với con nước và khí hậu.

New Guinea anh 5

Tôi cùng cư dân trên đảo trò chuyện trong khi đợi nhóm lửa.

New Guinea có nhiều đảo nhỏ. Đầu tiên, tôi chọn dừng chân tại một bán đảo phía Đông do một chúa đảo người Papua và gia đình chiếm lĩnh. Ông là chủ một gia đình khá đông thành viên, tất thảy con cháu, chút, chít đều sống một nơi.

Bán đảo này có diện tích gấp cỡ 1,5 lần hòn Thơm ở Phú Quốc. Vị chúa đảo chiếm khoảng 10 km đường biển ở đảo chính và một vài hòn đảo nhỏ khác gần đó. Theo lời kể của người này, quyền sở hữu gia tộc đã được định đoạt từ thế kỷ XVI. Người Papua ở đây lưu trữ quyền sở hữu đất đai bằng cách truyền miệng cho các con trai cả và họ rất coi trọng chủ quyền mà cha ông họ phải đổ máu mới có được.

Đối với người Papua, hòn đảo là cả một gia tài quý báu. Người lạ có thể đến thuê đất, nhưng để mua bán thì không bao giờ, bởi một khi bán đi là sẽ mất mãi mãi. Tiền đối với họ không quan trọng bằng thiên nhiên. Người Papua quan niệm rằng New Guinea là thiên đường và họ biết rất rõ cần phải làm gì để bảo vệ điều đó.

Trên đảo, tôi dạo chơi với một số người con trai của vị chúa đảo. Chúng tôi cùng nhau đi lặn, săn tôm, cua, cá, mực, làm sashimi, ngồi ngắm hoàng hôn, chim chóc, trăn, rắn và cá sấu. Tôi giới thiệu cho họ cách nấu ăn của Phú Quốc và họ dạy tôi làm thế nào để ăn kiểu người Puapa.

Một lần đi lặn nọ, tôi chỉ định đi săn cá nhưng đột nhiên bắt gặp một con dugong (cá cúi hay bò biển) trưởng thành bơi ngay sát ghe. Tôi thoáng giật mình nhưng cũng khá thích thú. Trên thế giới có nhiều điểm quan sát dugong, nhưng đa số đều là các resort hay điểm du lịch và những con dugong ở đó đều đã được thuần hóa.

Nhưng trường hợp của tôi thì khác. Đây chính xác là một con dugong hoàn toàn hoang dã và tôi gặp nó một cách ngẫu nhiên.

Đối với tôi, New Guinea vẫn là một nơi bị lãng quên trên bản đồ thế giới. Nơi đây, hầu hết người dân cả đời không gặp người ngoại quốc. Phần lớn các khu rừng nguyên sinh ở trong lõi đảo không hề có dấu chân người.

Đảo New Guinea có đến 1.000 ngôn ngữ khác nhau. Ở khu vực Papua New Guinea, một số ít trường chọn giáo dục theo kiểu Australia. Những người dân được đi học thường có thể giao tiếp tiếng Anh. Ở cụm đảo thuộc Indonesia, ngoài thổ ngữ, người dân sẽ dùng tiếng Bahasa Indonesia và chỉ một vài người trẻ biết nói tiếng Anh.

Ngành du lịch ở đây chưa phát triển, vì đơn giản phần lớn nơi này không dành cho du khách. Người dân cũng dửng dưng trước việc thu hút đám đông tới đây vì họ biết rõ thiên nhiên mới là quan trọng nhất. New Guinea không hề có dịch vụ hay tiện ích nào. Ở đây chỉ có con người và thiên nhiên.

Cuộc sống săn bắt và hái lượm

Người dân Papua không có khái niệm về chăn nuôi hay trồng trọt trên diện rộng. Chúa đảo có thể sở hữu những hòn đảo rất lớn, nhưng họ chỉ trồng một ít cây đu đủ, rau lang, củ mài, củ sắn để ăn thêm. Phần lớn họ đều tiêu thụ chất đạm từ sinh vật biển hoặc từ trong rừng.

Thổ dân ở đây hỗ trợ cho tôi chỗ ngủ, nhưng thức ăn tôi đều phải tự kiếm lấy. Cùng với chiếc nỏ trong tay, tôi lặn các khu vực biển để tìm kiếm con mồi.

Hải sản ở đảo rất dồi dào và tươi ngon. Ở New Guinea, kiếm hải sản ngon để ăn không quá khó, tương đối dễ hơn so với ở Việt Nam. Có nhiều loại cá rất hiếm với nước ta và luôn là thứ được các nhà hàng săn lùng, nhưng tôi dễ tìm thấy chúng ở vùng này. Việc một tuần được ăn 2, 3 bữa loài cá hiếm là điều bình thường.

Thêm nữa, ở khu vực này rất thiếu gia vị, tôi không thể nào chế biến món ăn như trong đất liền.

Còn khi muốn tắm, tôi phải xếp 4 tấm ván gỗ lại thành hộp khép kín, dùng gàu múc nước giếng xối lên toàn thân.

Khi đến vùng biển hẻo lánh như New Guinea, tôi phòng ngừa rủi ro bằng nhiều cách. Tại đây, phần lớn tôi phải chuẩn bị thuốc sốt rét, các loại thuốc sơ cứu đơn giản. Bệnh viện duy nhất sẽ nằm cách điểm tôi muốn tới tầm 150-200 km đường biển.

Ngoài ra, tôi sẽ mang theo đủ các dụng cụ sinh tồn và đồ lặn săn bắt cá. Điều quan trọng trước khi bắt đầu chuyến hải trình ngoài khơi khoảng trên 60 km, tôi đều phải xem trước thời tiết và dành thời gian trò chuyện cùng người dân bản địa, học hỏi kinh nghiệm. Tôi cho rằng việc tham khảo ý kiến cư dân - người cả đời sinh sống và nắm mọi nguy hiểm thiên nhiên quanh khu vực - là cách để tôi có thể giảm thiểu rủi ro.

Ngoài kinh nghiệm phòng chống móc túi, cách đổi tiền mặt sao cho an toàn..., mọi sự còn lại tôi lên đường với tâm lý tới nơi rồi hẵng tính. Những địa điểm xa xôi, ít dấu chân người như New Guinea, tôi không thể lên kế hoạch trước và mức độ an toàn không thể đạt 100%. Tôi phải luôn chấp nhận và đối mặt với mọi rủi ro.

Bên cạnh đó, New Guinea không thích hợp cho du khách đã quen với tiện ích và phục vụ "tận răng". Mọi thứ bạn đều phải tự làm lấy.

Về Internet, phía tây đảo thuộc địa phận Indonesia sẽ dễ dàng kết nối mạng hơn vì có sự đầu tư từ chính phủ. Song, một số hòn đảo xa vẫn chưa được phủ sóng mạng 4G. Việc 3-4 ngày không kết nối Internet là điều bình thường. Bạn có thể leo lên tàu và chạy ra điểm có sóng, nhưng sóng rất yếu. Nhưng đối với tôi, Internet cũng không quá quan trọng. Còn người dân tại Papua New Guinea lại chưa được tiếp cận với công nghệ một cách đại trà.

Ngoài ra, đối với khu vực ngoài đảo xa, nước sinh hoạt chỉ có thể dự trữ bằng nước mưa hoặc lấy từ sông, suối. Hầu hết người dân sẽ tìm kiếm nơi có nước ngọt để cư ngụ.

Chi phí đến New Guinea còn phụ thuộc vào địa điểm mà bạn muốn đến. Thông thường, du khách đến Papua New Guinea sẽ đắt hơn đi khu vực phía Tây thuộc Indonesia. Xăng là khoản chiếm phần lớn chi phí của cả chuyến đi. Giá xăng dầu ở nơi đảo xa rất hiếm và đắt. Chi phí đi New Guinea phía Indonesia sẽ tầm 4.000 USD (khoảng 100 triệu đồng).

Trong khi đó, chi phí đến Papua New Guinea sẽ rơi vào khoảng 5-6.000 USD (tương đương 124-149 triệu đồng), tùy vào khoảng cách và số lượng xăng tiêu thụ.

Các chuyến đi của tôi đều là những đảo xa nằm cách thị trấn cuối cùng có sân bay quốc nội khoảng 200 km nên chi phí cao hơn nhiều so với việc chỉ đi tới đó để thăm thú thành phố hay tới các điểm dễ tiếp cận hơn cho du khách.

Người Việt không cần phải xin visa khi đến các đảo ở New Guinea thuộc địa phận Indonesia. Tuy nhiên, một số điểm đến phức tạp, du khách phải đến đồn cảnh sát và xin giấy phép Surat Jalan (giấy phép lưu trú, thông hành).

Còn khu vực bên Papua New Guinea, du khách có thể xin visa trực tuyến.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi đến Nam Cực, ngắm tảng băng 1.000 tỷ tấn

Chuyến du ngoạn điểm cực nam của trái đất không chỉ đòi hỏi thể lực mà còn là tình yêu và tinh thần bảo tồn thiên nhiên vĩ đại.

Ngợp tầm mắt trước tảng băng 1.000 tỷ tấn, rộng gấp 3 lần New York

A23a là tên ký hiệu của tảng băng lớn nhất thế giới. Theo lời kể của Ngọc Thiện, tàu phải đi hơn nửa ngày đến chập tối mới đi khuất tầm mắt tảng băng trôi khổng lồ này.

Tường Vi (ghi)

Ảnh: @savage.dragon999

Bạn có thể quan tâm