Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi không hạnh phúc khi là YouTuber'

Atta Halilintar sở hữu kênh vlog có hơn 25 triệu người theo dõi, ước tính kiếm được 1,6 triệu USD/tháng. Song anh nói không hạnh phúc vì bị soi mói và áp lực phải trở nên hoàn hảo.

Atta Halilintar (sinh năm 1994) là YouTuber nổi tiếng Indonesia. Năm 2019, anh trở thành người Đông Nam Á đầu tiên có kênh cán mốc 10 triệu người đăng ký, theo SCMP.

Anh chàng 25 tuổi thu hút sự chú ý bằng loạt video khoe cuộc sống xa hoa với đồ hiệu, xe sang và biệt thự hoành tráng. Đôi khi, anh tặng ngẫu nhiên cho người lạ những món quà lớn, chẳng hạn một ngôi nhà cho người đăng ký kênh hoặc món đồ đắt tiền cho người gác cổng.

Hiện, Halilintar sở hữu kênh có 25,5 triệu người theo dõi.

Có cuộc sống hào nhoáng song Halilintar nói rằng chính sự nổi tiếng đã khiến anh chịu nhiều áp lực, luôn phải thể hiện bản thân theo cách hoàn hảo nhất, không được phép tỏ ra chán nản hay yếu đuối.

YouTuber giau co anh 1

Giàu có và nổi tiếng song Atta Halilintar nói anh không hạnh phúc vì quá nhiều áp lực.

Áp lực phải hoàn hảo

Có hàng chục triệu người theo dõi tại trang cá nhân, mọi động thái của Atta Halilintar đều lọt vào tầm ngắm của dân mạng. Từ màu tóc liên tục thay đổi đến mối quan hệ của anh với vị hôn thê Aurel Hermansyah - con gái nhà sản xuất âm nhạc lớn nhất nhì Indonesia - đều chiếm spotlight trên mạng.

Là đại sứ thương hiệu cho các công ty lớn như “gã khổng lồ” ngành viễn thông Smartfren hay Công ty Pokemon của Nhật Bản, Halilintar phủ sóng trên tất cả nền tảng quảng cáo. Người dân xứ sở vạn đảo đã quen thuộc với gương mặt anh.

Sự nổi tiếng trên mạng xã hội mang đến cho anh nhiều thứ, song cùng với đó là áp lực lớn khi trở thành "người có sức ảnh hưởng".

“Trên YouTube, bạn không được quá nghiêm túc, cũng không được chơi khăm quá trớn, đồng thời không thể tỏ ra mình là người học cao. Bạn phải là người vui vẻ và mang lại sự giải trí”, YouTuber 25 tuổi nói.

Trở thành người nổi tiếng, là trung tâm thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khiến anh luôn phải trăn trở để tìm ra thứ thú vị phục vụ người xem.

Anh chàng cũng có không ít lần trở thành đối tượng bị "ném đá". Một bài đăng Halilintar tạo dáng với súng, được cho nhằm lên án thủ phạm của vụ xả súng ở nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm 2019, từng nhận chỉ trích, bị dân mạng nhận xét là cố tình kiếm fame.

“Tôi không dám nói rằng cả nghìn bài đăng của mình đều tốt, và tất nhiên sai lầm cũng đã xảy ra. Khi mắc lỗi, vì tôi nổi tiếng nên vấn đề sẽ càng bị thổi phồng. Là người hiểu chuyện, tôi xin lỗi và rút kinh nghiệm, học hỏi để làm tốt hơn từ chính những sai lầm đó”.

“Trước đây, tôi nghĩ nếu đứng ở vị trí số 1 sẽ thật thú vị. Nhưng khi thực sự là người dẫn đầu, tôi không hạnh phúc như thế nữa. Tôi áp lực khi phải trở nên hoàn hảo”, Halilintar nói thêm.

Trong khi một người bình thường có thể thoải mái bày tỏ cảm xúc, như chán chường hay tức giận, những người như Halilintar luôn phải chú ý đến những thứ mình thể hiện ra ngoài.

“Nếu khóc, tôi sẽ bị coi là yếu đuối; khi nói mệt mỏi, tôi sẽ bị cho là cư xử trẻ con; còn khi thể hiện mình hạnh phúc, họ nói tôi đang khoe khoang quá đà”.

Halilintar nói rằng lúc mệt mỏi và lo âu nhất, anh thường nghĩ đến những người nổi tiếng từng chọn cách cuối cùng là tự tử. Và anh cảm thấy cuộc sống hiện tại vẫn “cân bằng” là may mắn lớn của mình.

Tập trung vào mục tiêu chính

Halilintar coi trọng nhất là người thân và bạn bè. Anh cũng nhiều lần đăng vlog mua tặng họ ôtô hay những món đồ hàng hiệu đắt tiền. “Đó là những video tôi yêu thích, không phải vì chúng hút view mà nó khiến trái tim tôi hạnh phúc”.

Anh biết ơn cha mẹ, đều kinh doanh trong lĩnh vực y tế, vì họ đã dạy cho anh những điều tuyệt vời. Gia đình khá giả song phụ huynh luôn dạy anh phải tự lập từ rất sớm.

Trước khi nổi tiếng với vai trò vlogger, Halilintar đã gây dựng được sự nghiệp kinh doanh riêng, gồm một số cửa hàng bánh ngọt, thương hiệu thời trang tên AHHA và nhãn hiệu hijab (khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo).

Anh còn có năng khiếu nghệ thuật, từng tham gia diễn xuất với ngôi sao điện ảnh và đọc rap cùng các nhạc sĩ danh tiếng.

“Tôi bắt đầu từ con số 0”, Halilintar nói. Anh khởi đầu công việc sáng tạo nội dung chỉ với chiếc máy ảnh giá 600.000 rupiah (khoảng 40 USD), điện thoại thông minh cùng chiếc máy tính mượn từ bạn bè.

Halilintar cho biết anh “luôn bận rộn suy nghĩ về cách mở rộng hoạt động kinh doanh của mình”. Chàng trai sinh năm 1994 được nhận xét có suy nghĩ đi trước thời đại.

“Tôi luôn yêu thích việc kinh doanh. Tôi từng chỉ có một vài nhân viên, dần dần đã kiếm đủ tiền để lập nên doanh nghiệp của mình”, Halilintar nhớ lại.

Anh nói chỉ hướng đến khán giả là những người quan tâm tới ẩm thực, ôtô, âm nhạc và thời trang - tất cả đối tượng mà anh có công việc kinh doanh liên quan.

Dù kiếm được số tiền "khủng" từ kênh vlog của mình nhưng Halilintar vẫn chỉ coi các video đó là công cụ quảng cáo cho doanh nghiệp của anh, theo Cosmopolitan.

Áp lực 'gà mái mẹ' ở Trung Quốc

Nỗi sợ con mình không thành công trong tương lai khiến nhiều cha mẹ Trung Quốc trở thành "gà mái mẹ", thúc ép trẻ học hành từ khi còn ít tuổi.

Đinh Phạm

Ảnh: @attahalilintar

Bạn có thể quan tâm