Tôi là bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Nhiều người biết đến tôi qua biệt danh “bác sĩ bé đầu bự”. |
Từ nhỏ, tôi vốn không có ý niệm nhiều về ngành y, càng thấy xa lạ với thần kinh và bộ não. Tuy nhiên, cơ duyên vô hình đã đưa tôi từ tập sự, đến yêu thích và gắn bó với chuyên ngành này đến nay. Tôi thầm cảm ơn nghề y, các chuyến tu nghiệp châu Phi, Mỹ và những va vấp trong cuộc sống, những kinh nghiệm từ người bệnh đã giúp tôi trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. |
Biệt danh "bé đầu bự" lấy cảm hứng từ câu chuyện của một bé trai mắc bệnh não úng thủy, được nhà chùa nhận nuôi. Chiếc đầu to do ứ nước trông khác biệt, nhiều người gọi em là Đầu bự vì rất dễ nhận diện. Sau này, bé Đầu bự mất. Cái tên nghe thật dễ thương nhưng căn bệnh lại thật quái đản và bất công với trẻ nhỏ. |
Ngoài lịch phẫu thuật, tôi thích cảm giác ngồi ở phòng khám để trò chuyện, kiểm tra phản xạ của các bạn nhỏ. Đa số trẻ đến khám khá đa dạng thể bệnh, ngoài bệnh lý về ngoại thần kinh, một số thường gặp khác như chấn thương phần mềm, đau bụng... |
Ngày cao điểm, tôi gần như “đóng quân” trong phòng mổ, liên tục 5-6 ca cấp cứu. Ngoài ra, một số trẻ não úng thủy được xếp lịch mổ theo chương trình, lịch phẫu thuật sẽ dao động tùy thời điểm. |
Tôi từng học một khóa cắt tóc nên dùng tông đơ khá điêu luyện. Trước khi phẫu thuật vùng đầu, bệnh nhân buộc cạo đi tóc để dễ xác định phẫu trường, tránh nhiễm trùng sau mổ. Tôi cũng chính tay cạo đi phần tóc cho bé Duyên, cô bệnh nhi nhỏ bị não úng thủy khi mới vài tháng tuổi. |
Hai phương pháp phẫu thuật chính điều trị bệnh não úng thủy là đặt ống dẫn lưu và nội soi mở thông sàn não thất III… Với tình huống của bé Ry Da (2,5 tháng tuổi) này, chúng tôi sẽ đặt ống Shunt (được làm từ silicon dài) ở dưới da bé. Chiếc ống này sẽ dẫn lưu phần nước ứ trong não xuống khoang bụng của bé. |
Với những ca não úng thủy thông thường, tôi hầu như mổ một mình, đôi khi có thêm đồng nghiệp hỗ trợ. Ngoài ca mổ, tôi hay trò chuyện với mọi người, tạo không khí vui vẻ nhưng khi bắt đầu sẽ cực kỳ tập trung, bởi phẫu thuật thần kinh không cho phép bất cứ lơ là, sai sót nào dù là nhỏ nhất. |
Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của bác sĩ phẫu thuật thần kinh là nhiễm trùng. Não bộ đóng vai trò rất quan trọng, biến chứng nhiễm trùng cơ quan này có thể ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bệnh nhi. Chính vì vậy, chúng tôi luôn thận trọng trong từng khâu, đảm bảo ca mổ hoàn thành tốt nhất cho các bé. |
Suốt 9 năm trôi qua kể từ ngày đặt dao mổ ca não úng thủy đầu tiên, tôi luôn thầm cầu nguyện và tự nói với chính mình mỗi khi bắt đầu cuộc phẫu thuật. Ranh giới trong thần kinh vốn cực mong manh, chỉ cần một chút chậm chạp hay chủ quan, một cuộc đời sẽ thay đổi theo hướng khác. |
Nội soi là một trong hai phương pháp điều trị hiệu quả não úng thủy hiện nay. Tôi sẽ mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi qua đó để tiến hành phẫu thuật. |
Ống nội soi mềm được đưa vào lỗ nhỏ trên sọ có gắn máy quay nhỏ, chúng tôi có thể quan sát bên trong và phá sàn não thất, từ đó tạo ra một đường dẫn mới cho dòng chảy dịch não tủy. Sau quá trình này, phần đầu ứ nước của trẻ sẽ dần dần được cải thiện. |
Thời điểm tu nghiệp tại Uganda, tôi 27 tuổi, các đồng nghiệp bảo tôi là bác sĩ ngoại thần kinh trẻ nhất thế giới. Các thầy cô trong ngành từng bảo rằng với phẫu thuật viên thần kinh, dưới 35 tuổi thì kinh nghiệm chỉ như đứa trẻ sơ sinh, trên 40 mới là học sinh tiểu học. Như vậy, theo lời các thầy, lúc đó tôi còn chưa ra đời nữa. |
Trước mỗi ca mổ, tôi luôn đi cùng gia đình bệnh nhi vào khu phẫu thuật để trò chuyện, trấn an họ. Sáng nay, tôi cùng chị Ngọc, mẹ của bé gái bị não úng thủy, đưa bé vào phòng mổ. Dọc hành lang, người mẹ trẻ ở An Giang xúc động, tôi biết gia đình lo lắng và đặt niềm tin vào bác sĩ lớn thế nào. |
Chị Ngọc vẫn đứng ngoài hành lang hồi lâu dõi theo cô con gái được đưa vào phòng mổ. Chúng tôi biết, bên ngoài cánh cửa phòng mổ, đôi khi là số phận của một gia đình đang giao phó cho chúng tôi. |
Tôi là người thích tự do nhưng đề cao sự kỷ luật. Tôi luôn giữ tâm trạng vui vẻ, hay cười và duy trì chế độ sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục, học hành, chia sẻ. Là phẫu thuật viên thần kinh, ý thức được ranh giới cuộc sống vốn mong manh, do đó, mỗi ngày tôi luôn cố gắng sống trọn từng khoảnh khắc. |