Tôi mệt nhoài nằm trên sàn nhà, tưởng tượng cảnh mình nằm cạnh máy chạy thận. Hai ống truyền dẫn máu đỏ tươi chảy qua, chảy lại và những nhát kim tiêm to như ruột bút bi chọc thẳng vào cánh tay ám ảnh tôi đến cả trong mơ.
Không ai ngờ, ở ngưỡng 30, tôi bị suy thận, lại còn đến giai đoạn 3B. Suốt hơn một năm qua, tôi chật vật sống chung với căn bệnh này.
Ở tuổi 26, thận tôi "kêu gào"
Tôi là Thiều Thanh Yến, sống ở TP.HCM, đang điều trị bệnh suy thận.
Khi tôi 26 tuổi, lần đầu biết đến khái niệm "suy thận" lúc đi khám tổng quát. Trong tâm trí của một cô gái đam mê thịt nướng, thèm trà sữa mỗi buổi xế chiều, suy thận vừa xa lạ, vừa cách biệt thế hệ vì chỉ có người lớn tuổi mắc bệnh, hoặc là ai đó rất... rất không may mắn.
Thế nhưng, tôi được chọn vào nhóm này. Tuy nhiên, khi đi khám lại, tôi thở phào khi được thông báo mình không mắc bệnh.
Khi 28 tuổi và sinh con đầu lòng, tôi bị tăng huyết áp mất kiểm soát dẫn đến tiền sản giật. Nước tiểu hắt màu vàng rất đậm và rất nhiều protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng đó là dấu hiệu của bệnh suy thận.
Sáu tháng sau sinh, một ngày bình thường, tôi phát hiện nước tiểu không còn màu vàng nữa. Đó là thứ nước vàng pha đỏ, màu đục, bọt bóng nổi nhiều hơn bia. Tôi cũng bị viêm họng, đau lưng đến mức không thể làm được việc gì. Mắt đột nhiên mờ dần mỗi sáng ngủ dậy.
Rõ ràng, tôi đang không ổn. Nhưng khi đi khám, cả 4 lần, bác sĩ đều chỉ nói bị viêm cơ do vận động mạnh.
Thời điểm này, tôi lờ mờ nhớ lại lời nhắc nhở của vị bác sĩ khám tổng quát 5 năm trước. Mãi đến bây giờ, tôi thầm cảm ơn "tín hiệu của vũ trụ" đã nhắc nhở tôi về lời cảnh báo năm xưa.
Tôi đi khám chuyên sâu về thận. Và tất nhiên, "cú đánh trời giáng" vào mặt tôi là kết quả suy thận độ 3B.
Có 5 giai đoạn để đưa một bệnh nhân suy thận đến con đường cuối cùng là gắn cuộc đời với máy mọc máu.
Tôi còn chưa biết bản thân đã khởi đầu khi nào, vậy mà lúc nhận kết quả khám, bản thân đã vô thức đi hơn một nửa chặng đường. Thời điểm đó, tôi mới 29 tuổi.
29 tuổi, tôi sống như bà cụ, nước tiểu đậm như màu cà phê
Tôi nhớ như in ánh mắt khẽ chớp, nhìn về hướng khác khi ôm tôi vào lòng của chồng. "Có bệnh thì chữa, bình tĩnh, có anh, không sao đâu" - câu nói của anh như ngọn đuốc sưởi ấm một người đang co ro vì trong rét như tôi.
Gia đình nhỏ chúng tôi bình thản đón nhận tin dữ. Không có anh, có lẽ tôi đã không được lạc quan như hiện tại. Tôi vẫn thấy mình may mắn lắm vì luôn có người yêu thương bên cạnh.
Gia đình là điểm tựa, nguồn động lực giúp tôi lạc quan. |
Trong một năm, tôi đổi 2 bác sĩ điều trị, đi viện đều như vắt tranh mỗi tháng. Đơn thuốc dày đặc những viên uống liều cao. Những tưởng tình trạng tốt hơn, thế nhưng, độ lọc cầu thận vẫn giảm chóng mặt từ 42 xuống 38 rồi 32.
Độ lọc cầu thận GFR tức là lưu lượng máu lọc qua cầu thận trong 1 phút. Người bình thường, GFR đạt mức 60-89. Tôi chỉ được một nửa như thế.
Tôi sống như bà cụ. Lúc nào cơ thể cũng mệt rã rời, nước tiểu nhiều bọt như bọt bia, có lúc đậm màu như cà phê. Mỗi khi ăn xong, tôi bị hụt hơi, khó thở và phải đi nằm ngay lập tức. Cuộc sống chỉ gắn với những nỗi đau.
Có lúc mệt nhoài nằm trên sàn nhà, tôi đã nhìn thấy cảnh mình nằm cạnh máy chạy thận. Hai ống truyền dẫn máu đỏ tươi chảy qua, chảy lại và những nhát kim tiêm to như ruột bút to chọc thẳng vào cánh tay ám ảnh tôi đến cả trong mơ. Tệ hơn, tôi còn mơ thấy mình chết.
Nhưng tiếng chim hót ngoài sân và giọng cười của con trai khi tìm thấy mẹ đã kéo tôi trở lại. Tôi choàng tỉnh, không chấp nhận cái chết ở tuổi 29.
Còn sống là còn hy vọng
Cuối năm 2023, tôi điều trị theo phác đồ mới với một bác sĩ khác. Ông yêu cầu tôi thay đổi toàn bộ lối sống và làm sinh thiết để xác định số tế bào thận còn hoạt động.
Trước đây, nhiều bác sĩ đều cho rằng thận đã suy nặng thì khó mà cứu được nên không bảo tôi làm sinh thiết. Chính bác sĩ hiện tại là người đã thắp lên hy vọng về một tương lai khỏi bệnh của tôi.
Thời gian trước, tôi chăm chỉ tập thể thao, ăn uống đủ loại chất bổ dưỡng với hy vọng cơ thể khỏe, thận cũng khỏe. Nhưng thực tế là chế độ ăn quá nhiều đạm động vật lại càng khiến quả thận mệt mỏi hơn.
Hai tháng gần đây, cuộc sống của tôi thay đổi 180 độ. Tôi thiền định thay vì vận động mạnh, chia tay luôn các thể loại thịt nướng, hải sản, dầu mỡ hay gia vị. Hàng ngày, tôi ăn rau luộc với cơm trắng và một chút nước chấm.
Ấy vậy mà điều kỳ diệu đã đến. Độ lọc thận của tôi đã cải thiện từ 32 lên 40. Tôi thấy cơ thể khỏe hơn, từ bà cụ trở về độ dẻo dai như tuổi trung niên.
Tôi từ bỏ niềm đam mê ăn thịt, thay đổi hoản toàn lối sống để tập trung chữa bệnh cho bản thân. |
Giờ đây, mỗi khi ăn thực phẩm “không lành”, tôi bắt đầu có phản ứng đào thải. Tôi mừng vì cơ thể mình bắt đầu quen với điều này.
Tôi sẵn sàng theo đuổi lối sống này suốt đời, không mong thận của tôi khỏe lại như những người bình thường, chỉ mong bệnh chuyển biến tốt hơn.
Biết ơn nhiều hơn tiếc nuối
Trong một vài lúc quá mệt mỏi vì bệnh, điều lạ lùng là tôi không nghĩ về chồng con. Tôi chỉ thoáng hối hận, tự hỏi mình cố sức để làm gì, khi bây giờ đồng tiền mình kiếm được không thể bù lại sức khỏe mình đã phí phạm. Tôi đã bỏ quên sức khỏe của mình quá lâu.
Chỉ vài năm trước, thận của tôi có lẽ rất vất vả vì tôi mê thịt nướng. Gần như tuần nào tôi cũng phải đi ăn buffet thịt nướng. Tôi cũng rất hay uống nước tăng lực, nước đá lạnh... và làm việc quá sức vào ban đêm, khung giờ mà đáng lẽ cơ thể phải được nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, tôi biết ơn vì tuổi trẻ đã rất nỗ lực để bây giờ, khi mắc bệnh vẫn có điều kiện chạy chữa. Tôi cũng rất biết ơn khi mình phát hiện bệnh vào giai đoạn chưa quá muộn, tôi vẫn chưa phải hy sinh thời gian, sức lực và sự tự do để gắn cuộc đời mình bên máy chạy thận.
Tôi cũng biết ơn khi hiện tại, mình có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Có đêm nọ, khi 3 người chúng tôi quây quần lại, trong không gian đèn ngủ lờ mờ, chồng và con trai tôi cùng ngâm nga hát, tôi ứa nước mắt vì đây là khung cảnh mơ ước bao nhiêu năm qua.
Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện tương lai, khi bệnh tật của tôi nặng hơn trong khi con trai còn quá nhỏ. Thay vì đau khổ vì mắc bệnh, nghĩ về tương lai u tối để rồi bệnh nặng hơn, tại sao chúng ta không nghĩ ít đi, tập trung tận hưởng hạnh phúc ở hiện tại?
Với tôi, việc chia sẻ câu chuyện mắc bệnh của mình để rồi nổi tiếng không phải là chuyện hay. Nhưng tôi hạnh phúc vì câu chuyện của mình có sức lan tỏa, khiến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, chú ý đến sức khỏe mình hơn.
Trong cuốn Không diệt, không sinh đừng sợ hãi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng:
"Thật ra, sống chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết và nhiều tế bào mới ra đời. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi. Các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Không có sinh, không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi".