Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tới món rượu rẻ tiền nhất ở Hàn cũng đắt lên

Rượu soju vốn được coi là đồ uống của tầng lớp lao động Hàn Quốc vì giá thành rất rẻ. Do đó, tin đồn tăng giá lập tức thổi bùng tranh cãi.

Rượu soju là đồ uống có cồn được tiêu thụ rộng rãi nhất Hàn Quốc, cũng là lựa chọn rẻ nhất. Ảnh: Reuters.

Trong vài tuần gần đây, tin đồn về việc rượu soju tăng giá đã khuấy động phản ứng bất bình của công chúng Hàn Quốc, nghiêm trọng đến mức chính phủ nước này quyết định can thiệp vào thị trường.

Ồn ào tạm lắng xuống sau khi Hite Jinro, nhà sản xuất soju lớn nhất tại xứ sở kim chi, chính thức tuyên bố họ không có kế hoạch tăng giá, theo The Korea Herald.

Kim (29 tuổi), cư dân ở Seoul, cho biết: “Tôi cảm thấy cay đắng khi nghe tin rượu soju có thể tăng giá. Loại đồ uống này dường như vẫn tồn tại tốt, trong khi mọi thứ khác đang ngày càng đắt đỏ hơn”.

“Trước đây, 5 chai rượu soju tại nhà hàng có giá khoảng 15.000 won (11,43 USD), nhưng bây giờ đã tăng gần gấp đôi. Những người thưởng thức rượu soju trong thời gian dài có thể cảm nhận được sự khác biệt rất lớn”, Lee (40 tuổi), sống ở tỉnh Gyeonggi, nói.

Vấn đề nhạy cảm

Người dân Hàn Quốc rất nhạy cảm với việc tăng giá rượu soju, không chỉ bởi đây là đồ uống có cồn được tiêu thụ rộng rãi nhất, mà còn là lựa chọn rẻ nhất. Nó được coi là đồ uống của tầng lớp lao động.

Tuy nhiên, soju không phải lúc nào cũng là lựa chọn rẻ tiền.

Theo truyền thống, soju là loại đồ uống mà hầu hết người dân không thể mua được do cần lượng lớn gạo để làm ra.

Im Jeong-bin, giáo sư Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết các sản phẩm soju được tiêu thụ rộng rãi ngày nay, đôi khi được gọi là “soju pha loãng” vì được chế với nước và có nồng độ cồn tương đối thấp, trở nên phổ biến trong những năm 1960, dưới chế độ quân sự của cố Tổng thống Park Chung-hee.

“Soju truyền thống được làm bằng gạo. Tuy nhiên, do đất nước thiếu hụt lương thực này trong những năm 1960, chính phủ đã cấm sản xuất rượu soju và makgeolli từ gạo”, Im nói.

Ruou soju tang gia anh 1

Rượu soju được bày bán khắp nơi tại Hàn Quốc và có thể tiếp cận đối với tất cả tầng lớp dân cư. Ảnh: Yonhap.

Lệnh cấm sản xuất rượu làm từ gạo là một phần của Đạo luật Quản lý ngũ cốc được ban hành vào năm 1965. Đây là biện pháp kiểm soát giá của chính phủ Hàn Quốc. Việc giữ giá gạo, loại ngũ cốc chủ lực, ở mức thấp là điều quan trọng giúp đất nước này giữ được giá nhân công rẻ, giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

Các sản phẩm rượu soju sử dụng khoai tây làm nguyên liệu chính, hay công thức hiện tại chủ yếu sử dụng bột sắn, được giới thiệu trên thị trường để thay thế rượu soju truyền thống. Chúng trở nên phổ biến nhờ giá rẻ.

Hình ảnh rượu soju là thức uống rẻ tiền tồn tại kể từ đó. Giá đồ uống này được giữ ở mức thấp hơn ngay cả sau khi Hàn Quốc tự cung tự cấp gạo vào cuối những năm 1970.

Năm 1974, một chai rượu soju có giá gần 100 won, trong khi một chai bia có giá hơn 200 won.

“Người dân đã quen với mùi vị của loại rượu pha loãng rẻ tiền. Nhiều người vẫn thích soju làm từ bột sắn hơn so với soju truyền thống cũng như nhiều lựa chọn đồ uống khác vì họ đã quen với nó”, Im lưu ý.

Con dao hai lưỡi

Ngành công nghiệp soju chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng nhanh chóng và vô song cũng nhờ các chính sách bảo hộ thương mại của Hàn Quốc trong quá khứ.

Trước năm 2000, thuế suất rượu đánh vào các sản phẩm soju là 35%, thấp hơn đáng kể so với thuế suất đối với rượu chưng cất nhập khẩu.

Ngay cả sau khi thuế soju tăng lên 72% vào năm 2000, món rượu này vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các loại rượu chưng cất khác vì giá ban đầu quá thấp. Thuế rượu của Hàn Quốc dựa trên giá trị của sản phẩm, thay vì khối lượng hoặc nồng độ cồn.

Theo dữ liệu của Dịch vụ Thuế Quốc gia, tổng cộng 2,29 tỷ chai soju 360 ml được xuất xưởng vào năm 2021. Con số này có nghĩa là trung bình, một người trưởng thành Hàn Quốc tiêu thụ 52,9 chai soju/ năm.

Tuy nhiên, sự phổ biến là con dao hai lưỡi, đặc biệt khi nói đến chính sách giá. Các nhà sản xuất soju không thể dễ dàng tăng giá do phản ứng dữ dội từ công chúng.

Ruou soju tang gia anh 2

Việc tăng giá rượu soju là vấn đề nhạy cảm ở Hàn Quốc liên quan tới giá thành rất rẻ. Ảnh: PIXABAY.

Chính phủ Hàn Quốc cũng không thể ngồi yên.

“Chính phủ không thể can thiệp trực tiếp vào việc định giá sản phẩm soju của các nhà sản xuất, nhưng đúng là có rất nhiều áp lực. Cuộc điều tra chuyên sâu về giá rượu gần đây là một phần của áp lực đó”, một nguồn tin trong ngành nói với The Korea Herald.

Đầu tháng 2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Choo Kyung-ho phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Chiến lược và Tài chính của Quốc hội: “Các mặt hàng cụ thể, trong đó có rượu soju, là những sản phẩm được công chúng yêu thích và quan tâm sâu sắc”.

Ông cũng yêu cầu ngành hợp tác tích cực để ổn định giá rượu soju và các mặt hàng tiêu dùng chính khác.

Bộ Kinh tế và Tài chính từng cho biết họ sẽ xem xét toàn bộ ngành công nghiệp rượu soju, bao gồm thu nhập của các nhà sản xuất, cũng như liệu có vấn đề nào khác trong thị trường do một số ít công ty chủ chốt thống trị hay không.

Tuy nhiên, mọi người đưa ra ý kiến ​​​​khác nhau về sự tham gia của chính phủ vào giá rượu soju.

Giáo sư quản trị kinh doanh của Đại học Sejong Kim Dae-jong cho biết: “Giá thành phẩm tăng cao là điều đương nhiên khi giá nguyên liệu tăng. Sự can thiệp của chính phủ vào giá rượu soju là điều không mong muốn”.

Một cư dân khác của tỉnh Gyeonggi đặt câu hỏi về việc các nhà hàng tăng giá soju.

“Tôi nghĩ chính phủ nên xem xét kỹ lưỡng hơn tại sao lại có khoảng cách như vậy và có hành động thay vì chỉ gây áp lực cho các nhà sản xuất rượu soju”, ông nói.

Hiện tại, giá xuất xưởng của một chai rượu soju là khoảng 1.100 won, trong khi được bán tại các nhà hàng dao động 5.000-7.000 won.

Người Hàn giàu, nhưng cũng bất hạnh hơn

Người dân xứ kim chi đang trở nên giàu có hơn và gây chú ý trên toàn cầu với việc chi tiêu cho những thứ đắt tiền. Tuy nhiên, lý do có thể là họ chỉ cố gắng xoa dịu nỗi đau.

Sự bùng nổ của webtoon

Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm