Ngày 9/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8, TP.HCM, đang điều tra 8 đơn trình báo về việc người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Theo cảnh sát, dù lực lượng chức năng tuyên truyền rất nhiều, người dân vẫn sập bẫy bởi thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi.
Mất hàng trăm triệu vì tin nhắn từ ngân hàng
Chiều 3/9, ông P.P.Đ. (40 tuổi, ngụ quận 8) nhận được tin nhắn của Ngân hàng SCB với nội dung tài khoản đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 2,6 triệu đồng, yêu cầu ông Đ. truy cập vào link “https://scb.com.vn.ii3.icu” để kiểm tra.
Tin tưởng tin nhắn từ hệ thống ngân hàng, ông Đ. bấm vào link trên. Ngay lúc này, điện thoại ông Đ. truy cập vào trang mạng, yêu cầu ông Đ. nhập mật khẩu tài khoản banking online của ông Đ.
Sau khi nhập xong, hệ thống gửi tin nhắn mã OTP cho ông Đ. để nhập vào trang nêu trên. Khi ông Đ. vừa bấm xong, thì tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng được rút về tài khoản chính. Tổng tài khoản chính lúc này là 322 triệu đồng được chuyển ngay sang tài khoản ngân hàng khác của kẻ lừa đảo.
Ngân hàng SCB cảnh báo về tình trạng lừa đảo. |
Một nạn nhân khác cũng bị lừa gần hơn 450 triệu đồng là anh C.V.C. (32 tuổi, quê Long An). Theo nội dung trình báo, ngày 23/8, anh C. thông qua bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, được Công ty Lazada Group mời chào làm công việc trên mạng bằng hình thức mua đơn hàng quảng cáo sản phẩm để nhận hoa hồng của sàn thương mại điện tử Lazada.
Cụ thể Công ty hướng dẫn anh C. tạo tài khoản và truy cập vào trang web “http://Lazadaapp.fun” để mua đơn quảng cáo cho 60 sản phẩm trên một ngày, anh C. phải đóng số tiền theo thời gian để mua đơn hàng. Khi mua đủ đơn hàng, hệ thống sẽ trả tiền lại cho anh C. kèm theo tiền hoa hồng.
Tin lời hướng dẫn nêu trên, anh C. đã chuyển 8 lần vào số tài khoản do kẻ lừa đảo chỉ định với số tiền 454 triệu đồng để mua 60 sản phẩm. Anh C. sau khi hoàn thành nhiệm vụ mua hàng thì trang web không trả lại tiền và khóa tài khoản của nạn nhân.
Đánh vào tâm lý việc nhẹ, lương cao
Ngoài 2 vụ việc trên, công an còn tiếp nhận 6 đơn trình báo khác với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Lừa mua hàng qua mạng; lừa xin việc làm; hack tài khoản Facebook; giả cán bộ Nhà nước, công an, viện kiểm sát để lừa đảo.
Theo cảnh sát, kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý thiếu hiểu biết pháp luật cũng như sợ dính vào lao lý của bị hại rồi giả danh cán bộ tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bọn chúng để làm tin. Bị hại hoảng loạn nên làm theo và bị chiếm đoạt tiền.
Có trường hợp, kẻ lừa đảo nhắm vào những người cần việc làm nhẹ, lương cao, dụ dỗ các nạn nhân tham gia làm đối tác của các trang bán hàng trực tuyến (Lazada, Shopee...). Theo cảnh sát, ban đầu bọn chúng trả công để tạo lòng tin. Vài ngày sau, kẻ lừa đảo giở thủ đoạn yêu cầu bị hai đặt trước tiền cho bọn chúng (gọi là tiền bảo lãnh, tiền làm nhiệm vụ). Sau đó, bọn chúng lấy lý do bị hại làm sai lệnh, hoặc thao tác công việc sai và đưa ra mức phạt, nếu không sẽ phải mất tiền đã nạp cho bọn chúng. Do lo sợ, nhiều người phải đóng thêm đến khi bị bọn lừa đảo xóa tài khoản, cắt liên lạc.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo còn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và ham mua tài sản giá rẻ của bị hại, đưa thông tin ảo về tài sản bọn họ cần bán. Bị hại tuy không gặp trực tiếp nhưng vẫn tin tưởng chuyển tiền mua tài sản.
Đối với thủ đoạn sử dụng tin nhắn ngân hàng, cảnh sát cho biết kẻ lừa đảo hack vào được tin nhắn của ngân hàng, thông báo là tài khoản bị hại sẽ bị trừ tiền hàng tháng do đăng ký một ứng dụng nào đó. Các nạn nhân sợ mất tiền nên đăng nhập vào đường link, vào trang web có giao diện giống hệt của ngân hàng, rồi nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP. Từ đó, kẻ lừa đảo nắm được thông tin và rút hết tiền trong tài khoản của bị hại.
Công an khuyến cáo các tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp đều là các tài khoản do người khác đứng tên, được thuê hoặc sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản. Do đó, cảnh sát cho biết việc truy xét tội phạm gặp nhiều khó khăn.