Hành trình chinh phục nóc nhà châu Âu thử thách hơn nhiều so với trong tưởng tượng của tôi. |
Đối với nhiều nhà leo núi, việc chinh phục thành công thất đỉnh (Seven Summits) - 7 đỉnh núi cao nhất ở 7 châu lục trên thế giới - là niềm mơ ước lớn trong đời và tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hành trình theo đuổi ước mơ ấy vốn không dễ dàng. Để chinh phục thất đỉnh đòi hỏi nhiều yếu tố, từ tài chính đến thể lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, thậm chí nhiều nhà leo núi phải đánh đổi cả tính mạng.
Không kỳ vọng sẽ hoàn thành hết thất đỉnh, nhưng chinh phục 2-3 Summits trong số đó như đỉnh Kilimanjaro (5.895 m) nóc nhà châu Phi ở Tanzania, đỉnh Carstensz Pyramid (hay còn gọi là Puncak Jaya, 4.884 m) cao nhất châu Đại Dương ở Indonesia, đỉnh Aconcagua (6.190m) ở Nam Mỹ,... thì tôi có thể thử sức.
Tôi chọn bắt đầu bằng đỉnh Elbrus (5.642 m) - nóc nhà châu Âu nằm ở miền tây dãy núi Kavkaz (Nga).
Tôi là Hồng Nguyễn (sống tại Hà Nội) - một người trẻ đam mê xê dịch, đặc biệt là hành trình trekking khám phá cảnh quan tự nhiên đầy ấn tượng.
Elbrus được đánh giá khá dễ chinh phục trong số thất đỉnh, không cần người leo có nhiều kỹ thuật, tuy nhiên việc leo Elbrus vẫn mang đến nhiều thách thức do thời tiết khắc nghiệt và khó đoán. Không thể summit ngay lần đầu vì gặp bão tuyết, tôi cùng đoàn đành ngậm ngùi quay về lán, tiếp tục chinh phục đỉnh núi vào ngày sau với những kỷ niệm đáng nhớ.
Sự 'lật mặt' của thời tiết
Sau khi dành một ngày ghé thăm Quảng trường Đỏ và điện Kremlin ở thủ đô Moscow (Nga), tôi di chuyển đến thị trấn Terskol họp đoàn, chuẩn bị cho chuyến leo núi quay vòng để cơ thể thích nghi độ cao trước khi summit.
Chặng đường trekking ngày đầu khá nhẹ nhàng, tôi cùng đoàn di chuyển khoảng 4 tiếng để đến đỉnh Cheget ở độ cao 3.100 m rồi qua đêm ở đây. Ngày tiếp theo, tôi đi cáp treo lên lán nghỉ Cheeper Azau (3.000 m), bắt đầu trekking đến độ cao 3.800 m sau đó quay về nghỉ ở Azau. Tiếp tục đi cáp treo lên lán The Heart of Elbrus ở độ cao 3.800 m, tôi lại trek tới Pastukhov Rocks (4.800 m) sau đó quay lại lán, dành một ngày học cách sử dụng thiết bị và nghỉ ngơi trước khi lên đỉnh.
Khung cảnh hoang sơ, ngoạn mục của dãy núi Kavkaz hiện lên trước mắt khiến chúng tôi quên đi mỏi mệt. |
Hành trình thích nghi độ cao trong 3 ngày đối với một số người có thể khá nhàm chán, tuy nhiên đây là việc làm cần thiết để summit thành công, đặc biệt đối với những ngọn núi tuyết cao trên 5.000 m.
Từng đặt chân đến dãy Himalaya hùng vĩ, vì vậy cảnh quan ở đây không khiến tôi quá “wow”. Tuy nhiên, cảm giác nhìn ngắm những dãy núi tuyết trùng điệp ở một châu lục khác cũng khác khiến tôi không thôi phấn khích.
Băng qua những sườn núi, tôi tận hưởng vẻ đẹp yên bình của thảo nguyên rộng lớn điểm xuyết những bông hoa dại với màu sắc rực rỡ, xa xa là các đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, tạo thành bức tranh tuyệt đẹp. Quãng đường leo Elbrus từ mặt phía Nam là những đoạn lên dốc liên tục nối dài cho đến khi thoải dần đến đèo Elbrus ở độ cao 5.400 m, nơi nối giữa đỉnh phía Tây và phía Đông.
Những ngày thích nghi độ cao thời tiết khá đẹp, trời trong xanh, nắng ấm chan hòa. Tuy nhiên, đến hôm lên đỉnh chúng tôi gặp điều kiện thời tiết rất xấu và phải bỏ cuộc khi đang ở độ cao khoảng 4.900 m.
Hai tiếng đầu lên đỉnh trời vẫn rất trong, đêm nhiều sao, lặng gió, bỗng nhiên mây ùn ùn kéo đến, mưa tuyết bắt đầu rơi ngày càng nặng hạt, sét đánh liên hồi, gió thổi những bông tuyết quất vào người rát lạnh rất đau. Một vài thành viên trong đoàn muốn chờ cơn cuồng phong qua đi, đợi tuyết rơi mỏng hơn sẽ cố summit. Nhưng tôi quyết định nghe theo lời khuyên của guide và đề nghị mọi người quay lại lán, chờ thời tiết đẹp hơn rồi lên đỉnh để đảm bảo an toàn cho các thành viên.
Thời tiết trên núi cao thay đổi nhanh chóng, những cơn mưa tuyết nặng hạt kèm gió lớn khiến chúng tôi buộc phải quay trở về lán. |
Việc thời tiết trên núi cao thay đổi nhanh chóng là điều rất bình thường, vì vậy trong lịch trình leo núi của tôi luôn có ngày dự phòng. Hơn nữa, Elbrus vốn không phải là một đỉnh núi dễ dàng chinh phục, nhất là khi thời tiết xấu. Hàng năm đều có nhiều vụ thiệt mạng tại đây với nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan.
Mọi người phải bỏ ra nhiều tiền, tốn nhiều thời gian, công sức để đến được đây, tôi hiểu rằng không ai muốn từ bỏ, nhất là khi không biết hôm sau thời tiết có thuận lợi không. Dù vậy, tôi luôn đặt yếu tố an toàn lên trên hết bởi ngọn núi vẫn còn ở đó, nếu không chinh phục được lúc này tôi sẽ quay trở lại vào thời điểm khác chứ không liều lĩnh đánh cược tính mạng.
Sau khi về đến lán, các thành viên trong đoàn đã cùng bàn xem liệu có nên lên đỉnh vào ngày hôm sau hay không khi dự báo thời tiết không mấy khả quan. Việc summit lần 2 đồng nghĩa là chúng tôi phải chi trả thêm khá nhiều tiền cho một ngày công của tourguide cùng tiền xe lên xuống núi,...
Cuối cùng, 6 bạn trong đoàn quyết định không summit. Tôi cùng một số thành viên khác quyết định thử lại vào đêm hôm sau để không phải hối tiếc.
Nỗ lực lên đỉnh lần 2
Đêm ấy cảm giác bồn chồn khiến tôi không tài nào chợp mắt, thỉnh thoảng lại dậy kiểm tra thời tiết. Chỉ còn một tiếng là đến giờ xuất phát nhưng trời vẫn mây mịt mù khiến tôi khá thất vọng, thế nhưng đến khi bắt đầu leo trời lại dần trong.
Trái với dự báo, thời tiết hôm ấy rất đẹp. Chúng tôi bắt đầu hành trình lên đỉnh với sự hỗ trợ của các dụng cụ leo núi chuyên dụng như dây cố định, rìu phá băng, các loại móc, khóa, giày bốt với móng mèo,... Dù đã được hướng dẫn cách dùng các dụng cụ hỗ trợ an toàn, khi "thực chiến" leo lên những sườn dốc tuyết, chúng tôi vẫn không khỏi lúng túng, quên bài, phải làm theo bản năng. Theo hướng dẫn của tour guide, tôi cùng các thành viên khác summit trước khung cảnh bình minh rực rỡ.
Xuất phát từ 1h sáng, chúng tôi đi trong đêm tối, đón bình minh trên đường lên đỉnh Elbrus. |
Vượt qua thử thách, được đứng trên đỉnh núi Elbrus giữa bố bề phủ tuyết trắng xóa khiến tôi tràn ngập hạnh phúc. Từ trên đỉnh núi, tôi nhìn ngắm khung cảnh tuyết phủ trắng xóa trên những ngọn núi trùng điệp, nhìn về chặng đường mình đã nỗ lực vượt qua và thầm cảm ơn bản thân vì đã không từ bỏ.
Ban đầu tôi đánh giá khá thấp độ khó của đỉnh ELbrus vì thấy hệ thống cáp treo đã có thể đưa khách lên 3.800 m, ngoài ra, xe xích cào tuyết (snowcat) cũng có thể đưa khách lên đến 5.100 m. Tuy nhiên, các yếu tố thời tiết khắc nghiệt cũng như tình trạng sốc độ cao có thể khiến du khách rơi vào tình huống nguy hiểm.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi cùng các thành viên trong đoàn vẫn thường xuyên luyện tập thể lực, giữ gìn sức khoẻ, đồng thời chuẩn bị thêm một số đơn thuốc phòng trình trạng say độ cao,...
Đối với những đỉnh núi tuyết, việc chuẩn bị vật dụng leo núi cần thiết rất quan trọng, đặc biệt là giày trekking. 90% thành viên trong nhóm phải thuê lại giày, vì giày chúng tôi chuẩn bị chỉ dùng để trek thông thường. Chinh phục núi tuyết ở độ cao lớn yêu cầu nhà leo núi sử dụng giày 2 lớp và có phần đế phù hợp với việc đi crampon (móng mèo).
Đứng trên "nóc nhà của châu Âu" khiến tôi tràn đầy cảm xúc sau những nỗ lực vừa qua. |
Một điều khác biệt ở chuyến đi Elbrus so với các chuyến trekking ở Nepal, Ấn Độ đó là tour guide khá nghiêm khắc, họ đề cao sự kỷ luật và chắc chắn chứ không thích tự do thể hiện cá nhân. Người guide đi đầu sẽ đi với tốc độ trung bình phù hợp với mọi người để đảm bảo các thành viên có thể thích nghi với độ cao, đảm bảo an toàn.
Elbrus sở hữu khung cảnh tuyệt đẹp, rất đáng chinh phục. Ngọn núi mang đến trải nghiệm thú vị cho những ai muốn leo núi tuyết cũng như làm quen với các thiết bị leo núi chuyên dụng và các kỹ thuật cơ bản. Đây cũng những bước tập luyện ban đầu dành cho những ai nuôi ước mơ chinh phục nóc nhà của các châu lục trên thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.