Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tốn tiền đi taxi vì xe ôm chưa hoạt động lại

Trước đây, chị Tú (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường đi xe ôm vì an toàn, thuận tiện và giá rẻ. Bây giờ nếu có việc cần, chị chỉ có thể gọi taxi hoặc nhờ bạn chở.

Giữa tháng 11, Quỳnh Thanh (26 tuổi, TP Thủ Đức) có lịch nhổ răng khôn tại nha khoa ở quận Tân Phú (TP.HCM). Vì sống một mình, cũng không thể tự chạy xe máy nên Thanh đành phải gọi taxi qua ứng dụng đặt xe trên điện thoại.

“Ngày trong tuần, mình không muốn phiền bạn bè hay người quen phải nghỉ làm giúp đỡ. Quãng đường xa nên tự chạy xe sau khi nhổ răng cũng khá nguy hiểm”.

Nhà riêng của Thanh cách nha khoa khoảng 15 km. Giá cước đặt xe cả đi cả về mất hơn 400.000 đồng. “Nếu có xe ôm công nghệ thì chắc mình chỉ mất chưa đến một nửa số tiền này. Khá xót tiền nhưng cũng không còn cách nào khác”.

xe om chua hoat dong anh 1

Dịch vụ xe ôm vẫn chưa được hoạt động lại. Ảnh: Phương Lâm.

Tốn kém, bất tiện

Bên cạnh mức giá cao, taxi không thể chạy vào hẻm nhỏ để đón Quỳnh Thanh tận nhà. Cô phải đi bộ gần 10 phút từ cổng ra đường lớn để đón xe.

“Ở Sài Gòn nhiều hẻm nhỏ, xe ôtô không chạy vào được. Trước đây mình toàn tự chạy xe máy hoặc đi xe ôm nên không biết đi taxi bất tiện như thế này”.

Tuy vậy, ngoại trừ những bất tiện kể trên, Thanh cho biết cô cảm thấy khá an tâm, thoải mái khi đi taxi trong thời điểm này. Tất cả xe đều trang bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay. Giữa chỗ ngồi của tài xế và khách còn có vách ngăn cách để hạn chế tiếp xúc.

“Mình vốn dễ say xe nên không thích ngồi ôtô đóng kín cửa sổ. Trước đây, nếu yêu cầu mở cửa một số tài xế có thể tỏ ra khó chịu vì nắng và nóng. Nhưng giờ đa số đều chủ động mở cửa kính thông thoáng theo quy định chống dịch”, Thanh nói.

Quỳnh Thanh không phải trường hợp duy nhất gặp khó khăn khi dịch vụ xe ôm chưa được hoạt động trở lại. Nhiều người ở TP.HCM và Hà Nội cảm thấy tốn kém và bất tiện khi chỉ có thể gọi taxi trong trường hợp cần thiết.

Trước đây, chị Tú (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mua gói thuê bao tháng của ứng dụng gọi xe để thoải mái di chuyển trong thành phố. Chị vẫn thường đi làm, đi chơi bằng xe ôm thay vì tự chạy xe máy bởi cảm thấy như vậy thuận tiện, an toàn hơn.

Hiện tại, do không thể gọi xe ôm nên chị buộc phải tự chạy xe. Trong những trường hợp đặc biệt, chị đành đặt taxi hoặc nhờ người quen đến chở.

“Những lúc đi khám bệnh hoặc uống đồ uống có cồn, mình không thể tự chạy xe. Nếu trước đây có xe ôm thì rất dễ, đặt nhanh mà cũng rẻ. Còn giờ tiền taxi đắt gấp 2-3 lần, đã vậy vào giờ cao điểm hay lúc mưa gió thì phải chờ rất lâu mới đặt được xe”.

Trong nhiều trường hợp, taxi không thể chạy vào hẻm, chị Tú phải cuốc bộ giữa trời nắng nóng. “Nhiều khi hẹn bạn đi chơi, đi ăn uống mình cũng không rành đường lắm. Tưởng bắt taxi sẽ chở được đến tận nơi, ai ngờ đến đầu hẻm, xe không vào được nên lại phải tự mò đường, đi bộ đến”.

Chị Tú cho hay trong một tuần qua, gia đình chị đã tốn hơn 2 triệu đồng đi lại bằng taxi. “Khá tốn kém nhưng một số trường hợp bất khả kháng thì vẫn phải bấm bụng gọi taxi thôi. Nhờ vả người quen đưa đón mãi cũng không tiện”.

Mong chờ xe ôm được hoạt động lại

Thanh Tùng (26 tuổi, biên tập) mới chuyển công tác vào TP.HCM ít tháng, đa phần thời gian qua phải ở nhà vì phong tỏa nên cô chưa thông thuộc đường sá.

Từ ngày thành phố mở cửa, vì yêu cầu công việc thường xuyên phải di chuyển nên khi có lịch quay ở xa, cô phải bắt xe để không mất quá nhiều thời gian tìm đường.

"Do xe ôm chưa được hoạt động trở lại, mình bắt buộc phải gọi taxi. Thời gian này lượng tài xế vẫn còn ít nên phải đợi rất lâu mới gọi được một cuốc xe, giá cũng khá 'chát' nhưng không đi cũng không được, nên vẫn phải bấm bụng gọi xe".

Từ khi đi làm trở lại đến nay, Tùng đã tốn hơn một triệu đồng gọi taxi. Trung bình mỗi chuyến xe có giá trên 100.000 đồng, cô được giảm giá khi thanh toán qua ví điện tử.

"Nếu dùng dịch vụ taxi liên tục thì thật sự khá tốn kém, đặc biệt với những người không được công ty hỗ trợ phí đi lại. Mình rất mong chờ ngày xe ôm được phép hoạt động".

xe om chua hoat dong anh 4

Thanh Tùng cảm thấy tốn kém khi phải gọi taxi thường xuyên. Ảnh: NVCC.

Trà My (23 tuổi, Hà Nội) tâm sự trước đây, khi đi chơi với bạn bè ở gần nhà, cô thường gọi xe ôm hoặc taxi vì vừa tiện, nhanh, giá rẻ và tới điểm hẹn có thể đi chung xe với bạn.

"Bây giờ chỉ có thể gọi taxi, không có mã thì giá đội lên khá cao nên mình thấy tiếc tiền lắm, có lười đến mấy cũng phải tự dắt xe máy ra đi. Có lần sát giờ hẹn với bạn, nhưng xe máy lại bị người nhà đi mất, sợ bạn chờ nên mình phải vội vàng gọi taxi, tốn hơn 100.000 đồng".

Khi đi siêu thị với mẹ, My thường gọi taxi để khi về đỡ phải mang vác nhiều đồ lỉnh kỉnh. Nhưng bây giờ, cô thường tự đi bằng xe máy vì nếu gọi taxi thì cả đi lẫn về tốn hơn 200.000 đồng.

"Hôm nào mua nhiều đồ lại phải tay xách nách mang, treo đằng trước, bỏ vào cốp xe, người ngồi sau cũng phải ôm đồm thêm nữa nhưng đành chịu khó chút vậy. Mình thực sự mong chờ xe ôm được chạy lại để tiết kiệm chi phí".

Khu tổ hợp ăn chơi ở TP.HCM đông đúc cuối tuần

Sau dịch, nhiều bạn trẻ tìm đến các khu tổ hợp giải trí để ăn uống, mua sắm và trải nghiệm những hoạt động nghệ thuật.

Đào Phương - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm