Zing.vn trích dịch bài viết từ South China Morning Post đề cập đến tính nghiêm trọng của hội chứng chán ăn của thanh niên châu Á và sự thiếu hiểu biết của xã hội về bệnh lý tâm thần này.
Năm 2007, các nhà nghiên cứu ở Hong Kong đã chỉ ra có 3,9% trẻ vị thành niên nam và 6,5% trẻ vị thành niên nữ sống ở thành phố bị mắc chứng rối loạn ăn uống.
Một nghiên cứu khác cùng năm cho thấy có khoảng 1/5 học sinh cấp 2 từ 12 đến 18 tuổi có nguy cơ bị rối loạn ăn uống trong số 26,6% trẻ em gái và 18,5% trẻ em trai tham gia khảo sát.
Trong khi các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và phương pháp điều trị y tế đã đạt được nhiều tiến bộ ở các nước phương Tây, chứng rối loạn ăn uống vẫn chưa được biết đến rộng rãi ở Hong Kong, cũng như phần còn lại của châu Á.
Anorexia (hay còn gọi là chứng bệnh chán ăn) là một rối loạn cảm xúc đặc trưng gây nên bởi sự ám ảnh về cân nặng khiến người bệnh ham muốn giảm cân tột độ bằng cách nhịn ăn liên tục.
Lý do dẫn tới việc này được cho là người châu Á đang sống trong một nền văn hóa luôn tôn vinh sự mỏng manh như là chuẩn mực của cái đẹp.
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa luôn tôn vinh sự mỏng manh như là chuẩn mực của cái đẹp. Ảnh: Glamour. |
Anorexia cũng là một hội chứng bệnh tâm thần
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học JAMA Psychiatry năm 2011 đã kết luận rằng những người mắc chứng rối loạn ăn uống có tỷ lệ tử vong tăng cao đáng kể. Thậm chí, tỷ lệ này ở người mắc Anorexia cao hơn nhiều so với các bệnh tâm thần khác.
Joyce Ma, giáo sư Đại học Hong Kong, cho rằng trong số những lý do, có cả việc người bệnh bỏ đói chính mình mang lại cho họ cảm giác mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.
“Ăn kiêng và giảm trọng lượng cơ thể mang lại cho họ cảm giác kiểm soát bản thân một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng chán ăn có xu hướng hoạt động cực kỳ trì trệ và kém hiệu quả”, cô Ma nói.
Cô giải thích rằng trong xã hội Hong Kong, việc có một thành viên gia đình mắc một loại rối loạn tâm thần nào đó, đều bị coi là đáng xấu hổ. Vì vậy, bệnh nhân và gia đình tránh tìm kiếm sự giúp đỡ từ một cơ sở y tế hay người điều trị chuyên nghiệp.
“Thực ra, rối loạn ăn uống cũng phổ biến ở châu Á như ở phương Tây, nhưng ở châu Á còn tồn tại sự kỳ thị đáng kể đối với bệnh nhân và sự thiếu hiểu biết về chứng bệnh này”, Gabrielle Tüscher, một chuyên gia về hội chứng Anorexia với hơn 18 năm kinh nghiệm và là một chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Hong Kong, nhận định.
Ăn kiêng và giảm trọng lượng cơ thể mang lại cho người mắc Anorexia cảm giác kiểm soát bản thân một cách mạnh mẽ. Ảnh: The Atlantic. |
Sự thờ ơ của xã hội
Thay vì được công nhận là bệnh tâm thần, Anorexia được xem là một lựa chọn. “Những người mắc hội chứng rối loạn ăn uống thường không được quan tâm đúng mức. Đến lúc họ tìm kiếm sự giúp đỡ thì họ đã ở trong giai đoạn phải nhập viện. Thậm chí, có những trường hợp khi được chú ý và đưa đi điều trị thì đã quá muộn”, Tüscher nói.
Steph Ng là một trường hợp được chẩn đoán mắc chứng chán ăn khi cô 16 tuổi. Ngay cả khi cân nặng của cô đã giảm mạnh, căn bệnh của cô vẫn không được chú ý.
Trong một lần kiểm tra y tế định kỳ, bác sĩ đã không thể nghe thấy mạch đập của cô, khi đó họ mới phát hiện ra tình trạng nghiêm trọng mà cô đang trải qua. Ngay lập tức, mẹ cô đưa cô ra khỏi trường nội trú để chăm sóc cho đến khi con gái tăng cân trở lại.
Steph Ng nói rằng việc thiếu nghiên cứu về rối loạn ăn uống ở Hong Kong là vô cùng đáng trách. Cô đã phải làm việc với 3 nhà trị liệu khác nhau trước khi tìm được sự hỗ trợ phù hợp.
Steph Ng đã phải làm việc với 3 nhà trị liệu trước khi tìm được sự hỗ trợ phù hợp. Ảnh: Glamour. |
“Họ không thực sự lắng nghe tôi. Rối loạn ăn uống không được điều trị như các bệnh tâm thần khác. Bệnh nhân thường bị xem là đã cố ý bỏ bữa hoặc nhịn ăn và đó là lỗi của chính họ”, Steph chia sẻ.
Giờ đây, Steph Ng đang theo học ngành tâm lý học ở New York. Cô tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa văn hóa châu Á và chứng rối loạn ăn uống. Nghiên cứu của cô đã chỉ ra rằng các chuẩn mực ăn uống văn hóa và lý tưởng về độ mỏng manh của cơ thế trong bối cảnh châu Á đã tạo ra những kỳ vọng mâu thuẫn bên trong con người.
“Có một mối liên hệ rất khác biệt giữa thực phẩm và đạo đức. Chẳng hạn, nhiều người có suy nghĩ rằng nếu bạn không đủ gầy thì bạn chưa đủ tốt”, Steph Ng nói.
Những cản trở trong việc điều trị
Phục hồi từ chứng rối loạn ăn uống rất khó khăn. Khi bệnh nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, họ thường không biết nên liên lạc với ai.
“Một số nhà trị liệu không cung cấp liệu pháp thích hợp, trong khi một số chuyên gia điều trị tâm lý khác từ chối hoàn toàn các trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống. Chỉ một số ít chuyên gia được đào tạo thực hành tại Hong Kong, họ là những người đã được đào tạo ở nước ngoài”, Tüscher nói.
Hiện chỉ có một bệnh viện công ở Hong Kong cung cấp phòng khám nội trú để điều trị rối loạn ăn uống; nó tập trung chủ yếu vào việc phục hồi cân nặng mà ít theo dõi tâm lý bệnh nhân, cô cho biết thêm.
Trên hết là rào cản chi phí - giá điều trị tư nhân là một cản trở lớn đối với những người mắc chứng bệnh này ở Hong Kong. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã đi đầu trong việc thúc đẩy nhận thức cộng đồng về rối loạn ăn uống ở Hong Kong và trợ cấp cho các dịch vụ điều trị.
Hiện chỉ có một bệnh viện công ở Hong Kong cung cấp phòng khám nội trú để điều trị rối loạn ăn uống. Ảnh: SCMP. |
Từ năm 1999, Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Hong Kong đã cung cấp các kế hoạch hỗ trợ và điều trị y tế cho bệnh nhân, đồng thời điều hành các dự án giáo dục cộng đồng.
Mind HK – một tổ chức từ thiện nhằm cải thiện nhận thức và hiểu biết về sức khỏe tâm thần ở Hong Kong, đã được thành lập 3 năm trước. Nhưng bởi vì các tổ chức này không được tài trợ thường xuyên từ chính phủ, họ chỉ có thể cung cấp các dịch vụ hạn chế.
Tüscher đã bắt đầu đào tạo thêm các nhà tâm lý học trong việc điều trị rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, cô nói rằng khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao để đưa chương trình đào tạo chuyên nghiệp tới các nước châu Á và nâng cao nhận thức của công chúng về căn bệnh của thế giới hiện đại này.
“Việc hồi phục không bao giờ kết thúc. Tôi may mắn vì luôn luôn có một điều gì đó làm động lực phấn đấu và luôn có những thứ tôi đã làm khiến tôi cảm thấy tự hào”, Steph Ng nói về cuộc chiến 5 năm của cô với chứng chán ăn.