Nửa đầu năm 2021 đã trôi qua với nhiều biến động. Trong đó, dịch Covid-19 tiếp tục là thử thách lớn với Việt Nam nói chung và toàn ngành công nghiệp ôtô nói riêng.
Tuy nhiên, thị trường ôtô Việt vẫn có những tăng trưởng đáng ghi nhận. Tổng lượng ôtô con tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt gần 154.000 xe, cao hơn khoảng 106.000 xe so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng gần 1,5 lần.
Trong 7 tháng đầu năm, Toyota Việt Nam tiếp tục duy trì sức hút khi đạt doanh số 33.546 xe, dẫn đầu thị trường xe du lịch. Hãng cũng tập trung mang các mẫu xe thân thiện môi trường đến với khách hàng Việt Nam, trong đó có Corolla Cross.
Corolla Cross là mẫu SUV thành công
Ông Hiroyuki Ueda - Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam - chia sẻ: “Kể từ khi ra mắt đến nay, Corolla Cross nhận được sự ủng hộ và đón nhận nồng nhiệt không chỉ tại Việt Nam, mà cả thị trường khác trong khu vực. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các khách hàng đã ủng hộ Corolla Cross. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc vì đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng, nhiều người đang phải chờ giao xe. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tăng nguồn cung trong thời gian tới”.
Trên thị trường, Corolla Cross thường xuyên góp mặt trong top 10 xe bán chạy nhất, vượt qua mốc doanh số 12.400 xe, trung bình mỗi tháng đạt gần 1.200 xe sau gần một năm ra mắt. Trong đó, có 1.536 xe Corolla Cross HV được giao cho khách hàng, chiếm gần 13% doanh số, vượt mức kỳ vọng TMV đặt ra.
Ông Hiroyuki Ueda - Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam. |
Tại Việt Nam, Toyota Corolla Cross phiên bản hybrid cũng được thương mại hóa. Theo ông Ueda, mẫu xe này có nhiều đặc điểm phù hợp với thị trường Việt.
“Xe hybrid được các chuyên gia đánh giá là giải pháp thiết thực tại Việt Nam hiện nay, do không làm thay đổi hành vi lái xe, cũng như không yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng (trạm sạc). Xe cũng sở hữu nhiều ưu điểm như tiết kiệm nhiên liệu, mức khí xả CO2 thấp từ 1,5 đến 2 lần so với xe thông thường. Xe vận hành mượt mà, mạnh mẽ, êm ái và yên tĩnh. Chính vì sự phù hợp với Việt Nam mà trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch giới thiệu thêm các mẫu xe hybrid mới. Khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ chia sẻ tới khách hàng”, ông cho biết.
Nội thất Toyota Corolla Cross HV. |
Trên toàn cầu, Toyota có các dòng sản phẩm điện hóa, từ xe hybrid không sạc ngoài (HEV), xe hybrid có sạc ngoài (PHEV), xe thuần điện (BEV) đến xe chạy bằng khí hydro (FCEV). Những công nghệ này được lựa chọn để giới thiệu ở từng quốc gia, tùy thuộc điều kiện, cơ sở hạ tầng có sẵn và nhu cầu khách hàng.
Theo hãng xe Nhật Bản, đối với người tiêu dùng Việt, hiện ôtô hybrid không sạc ngoài HEV là phù hợp nhất, nếu xét tiêu chí quãng đường xe chạy được trước khi nạp lại năng lượng. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện môi trường, các cơ sở hạ tầng cho việc sạc điện, thời gian sạc và giá cả xe đều sẽ cao.
Để người dùng Việt tiếp cận công nghệ thân thiện môi trường một cách phù hợp, hiệu quả, Toyota Việt Nam đặt kế hoạch tiếp tục phát triển các mẫu xe hybrid, vừa đảm bảo giảm khí thải, vừa duy trì hiệu năng tốt và quãng đường di chuyển tối đa.
Toyota Corolla Cross HV được trang bị công nghệ hybrid tự sạc điện. |
Tương lai của xe hybrid tại Việt Nam
Trên thế giới, mỗi quốc gia có điều kiện sử dụng khác nhau. Quá trình khai thác nhiên liệu ở từng nước cũng ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu bảo vệ môi trường của các loại xe có sử dụng điện. Xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo phát thải khí CO2 trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, xe điện tạo phát thải CO2 bằng không trong quá trình sử dụng, nhưng lại phát thải CO2 nhiều hơn so với xe động cơ đốt trong, do quá trình từ lúc khai thác nhiên liệu đến khi cung cấp năng lượng cho xe phải thêm công đoạn sản xuất ra điện. Xe động cơ đốt trong lại không gặp phải vấn đề này.
Về cơ bản, sử dụng xe điện chủ yếu dùng điện năng lấy từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đồng nghĩa với việc ô nhiễm chỉ đơn giản là chuyển từ nơi xe điện được sử dụng đến nơi sản sinh ra nguồn điện năng đó. Đơn cử, Na Uy biết tận dụng lợi thế tự nhiên, hệ thống thủy điện phát triển mạnh, nguồn cung cấp điện từ thủy điện dồi dào, chiếm đến 95% tổng nguồn năng lượng tạo ra điện. Điều này cho thấy nguồn điện tại Na Uy là nguồn năng lượng sạch, thích hợp chuyển đổi sang sử dụng các dòng xe thuần điện (BEV).
Còn tại Nhật Bản, trước năm 2009, tỷ lệ nguồn cung cấp điện năng phần lớn là thủy điện và hạt nhân. Tuy nhiên, sau thảm họa Fukushima, khả năng tự cung cấp nguồn năng lượng không phát thải CO2 có tỷ lệ thấp do loại bỏ nguồn năng lượng hạt nhân. Do đó, trong những năm vừa qua, Nhật Bản đẩy mạnh sử dụng, phát triển xe HEV và nghiên cứu sâu hơn các dòng xe sử dụng nguồn năng lượng bằng khí hydro (FCEV).
Tùy thuộc cơ cấu nguồn năng lượng điện và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, dân số ở từng nước, tỷ lệ phát triển xe điện có sạc (PHEV, BEV) là khá khác nhau. So sánh một số nước phát triển như Nhật Bản (dân số 126,3 triệu người vào năm 2020), tỷ lệ xe điện (BEV) trên số lượng xe mới bán ra trên thị trường chỉ chiếm 0,6%. Trong khi tỷ lệ này ở Đức (dân số 83,8 triệu người năm 2020) là 13,5% và cao nhất là 74% ở Na Uy, nhưng dân số chỉ có 5,3 triệu dân vào năm 2020.
Theo phân tích quá trình khai thác năng lượng tại Việt Nam, tỷ trọng nhiệt than đóng góp vào cơ cấu nguồn điện năng sản xuất toàn quốc là 50% (số liệu tính đến hết năm 2020). Nhiều chuyên gia đánh giá xe hybrid là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Corolla Cross HV giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2 so với xe dùng động cơ đốt trong. |
Tuy nhiên, số lượng xe điện hóa đăng ký tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, thậm chí ngay cả khi so sánh với các nước ASEAN. Việt Nam chỉ có hơn 1.000 xe (số lũy kế tính đến hết năm 2020), trong khi con số đó của Thái Lan cao gấp 35 lần.
Một số hãng xe tại Việt Nam đã bắt đầu sản xuất và kinh doanh các loại xe điện thuần điện hoặc xe hybrid. Điều này là cần thiết để giúp thị trường ôtô Việt không bị bỏ lại phía sau khi cả thế giới đang phát triển ôtô điện. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, việc phát triển xe điện hóa tại Việt Nam khó lòng đuổi kịp các nước trong khu vực.
Trong ngắn hạn, việc hỗ trợ các dòng xe hybrid là cần thiết để người dùng quen với việc sử dụng xe điện hóa. Điều này vừa làm giảm phát khí thải CO2, tăng chất lượng không khí và tiết kiệm nhiên liệu, vừa có thêm thời gian cho hệ thống trạm sạc phát triển rộng khắp cả nước. Trong dài hạn, cần có các chính sách hỗ trợ để nhóm xe xanh này dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng cảm thấy hạnh phúc tự hào khi đầu tư phát triển công nghệ mới.
Thêm vào đó, ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cũng cần có giai đoạn chuyển tiếp từ nhóm cơ khí chế tạo (động cơ, hộp số) sang nhóm điện hóa (pin, hệ thống sạc). Những hỗ trợ hợp lý có thể đảm bảo sự chuyển tiếp nhịp nhàng, góp phần vào sự phát triển của toàn ngành.
Sản xuất các mẫu xe thân thiện với môi trường là xu thế chung trên thế giới. |
Gần đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các bộ có liên quan, đề xuất những chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa. VAMA mong muốn có các ưu đãi về thuế môi trường, lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt theo từng dòng xe điện cụ thể, kèm các vấn đề về pin, xử lý pin và trạm sạc cho xe điện. Nếu được Chính phủ và các bộ cân nhắc, những đề xuất của VAMA hứa hẹn giúp xe điện hóa trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, vì một môi trường xanh và sạch hơn.
Với giá bán 910 triệu đồng, Toyota Corolla Cross HV hiện là mẫu xe hybrid có giá hấp dẫn tại Việt Nam. Toyota Corolla Cross HV được trang bị công nghệ hybrid tự sạc điện. Sức mạnh của xe đến từ động cơ xăng 1.8L (công suất 97 mã lực, mô men xoắn 142 Nm), kết hợp động cơ điện (53 mã lực, 163 Nm), cho công suất tối đa 169 mã lực. Ngoài khả năng vận hành mạnh mẽ, giảm thiểu tiếng ồn, xe giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2. Xe có tuổi thọ hệ thống pin ngang tuổi thọ xe.
Bình luận