Thông tin trong cuộc họp báo mới đây, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO, cho hay tuần qua, số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Ông nói: “Chúng ta chưa bao giờ ở một giai đoạn tốt hơn để sớm kết thúc đại dịch. Dù dịch Covid-19 chưa thực sự dừng lại, chúng ta đã có thể nhìn thấy tương lai đó”.
Người lãnh đạo của WHO ví hệ thống y tế và cộng đồng trên toàn cầu như một vận động viên marathon.
“Một vận động viên chuyên nghiệp sẽ không dừng lại khi vạch đích ở trước mắt. Thậm chí chúng ta phải ‘chạy’ nhanh hơn với tất cả sức lực còn sót lại”, ông nói.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO, cho rằng dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc. Ảnh: AFP. |
Từ đây, vị lãnh đạo này nhận định ở giai đoạn này, toàn thế giới cần nỗ lực hơn để đảm bảo chúng ta có thể “về đích” và chiến thắng đại dịch Covid-19 sau khoảng thời gian dài vừa qua.
Trong tháng 10 sắp tới, một cuộc họp giữa các chuyên gia của WHO sẽ diễn ra để quyết định đại dịch Covid-19 có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nữa hay không.
Đến nay, dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 năm, khiến hơn 6 triệu người trên thế giới tử vong. Đến lúc này, con số đó vẫn chưa dừng lại. Điều tích cực là với chiến dịch tiêm chủng thành công, số người tử vong vì Covid-19 đã giảm chỉ còn một phần nhỏ so với thời điểm dịch năm 2020, 2021.
Tính riêng trong năm 2022, hơn một triệu trường hợp đã qua đời do mắc Covid-19.
Tổng giám đốc WHO nhận định các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu bao phủ vaccine Covid-19 cho hơn 70% dân số của mình.
Ông cũng cảnh báo chính phủ các quốc gia nên lên sẵn kế hoạch cho các trường hợp số ca mắc gia tăng và thường xuyên đảm bảo nguồn cung thuốc, trang thiết bị và nhân viên y tế trong các trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời, việc chăm sóc, điều trị Covid-19 nên được tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của mỗi người dân.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm, dự đoán: “Nhiều khả năng sẽ có thêm những làn sóng lây nhiễm trong tương lai. Chúng có thể xuất xuất hiện vào những thời điểm khác nhau và trên khắp thế giới do các biến thể phụ khác nhau của Omicron hoặc những biến chủng khác”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận nhận định những làn sóng lây nhiễm trong tương lai có thể sẽ không nguy hiểm và gây tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân là chúng ta đã có những công cụ có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, từ đó hạn chế khả năng lây truyền.
Cụ thể, điều quan trọng là sử dụng vaccine cũng như điều trị sớm bằng thuốc khác virus. Từ đó, chúng ta có thể ngăn diễn biến bệnh nặng và tử vong.