Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM gặp khó khăn khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

Học sinh được học 2 buổi/ngày, khó tiếp cận chương trình, là những vấn đề mà ngành giáo dục TP.HCM đang phải giải quyết.

Trong báo cáo ngày 30/10 về chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới sau hai tháng triển khai, ngành giáo dục TP.HCM thừa nhận thành phố có một số khó khăn khách quan và chủ quan khi bắt tay thực hiện chương trình mới.

sach giao khoa lop 1 anh 1

Học sinh mua SGK đầu năm học. Ảnh: Q.T.

Không thể đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày

Việc tăng dân số cơ học tại một số quận, huyện khiến TP.HCM không thể đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày như yêu cầu của chương trình mới.

Ngành giáo dục thành phố đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn, tổ chức tập huấn, trực tiếp đi đến các cơ sở giáo dục tại những địa bàn nhiều khó khăn để hướng dẫn. Những nơi khó khăn về phòng học được hướng dẫn tổ chức dạy 1 buổi/ngày, hoặc trên 5 buổi/tuần.

Trước những ý kiến về chương trình lớp 1 mới nặng, học sinh khó tiếp cận, sở đã chỉ đạo giáo viên lớp một chủ động điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát thực tiễn học sinh, không nóng vội, không gây áp lực cho các em trong năm đầu cấp.

Sở cũng tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ phụ huynh, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục từ các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thành phố.

Ghi nhận ý kiến nhiều phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá tình hình triển khai chương trình mới gặp khó khăn trong khoảng 2 tuần đầu tiên. Nguyên nhân là năm học bắt đầu trễ hơn các năm trước 2-3 tuần nên học sinh có thời gian tiếp cận, làm quen môi trường mới ít hơn những năm trước.

Một số giáo viên lúng túng khi triển khai chương trình và SGK mới với nhiều yêu cầu mới cùng một số điểm chưa phù hợp. Những nội dung này đã được Sở GD&ĐT tháo gỡ bằng cách giao quyền tự chủ cho giáo viên, giáo viên chủ động thực hiện chương trình, chủ động sử dụng các ngữ liệu thay thế các ngữ liệu không phù hợp trong SGK.

Theo chương trình mới, SGK chỉ là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy và học. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường trang bị tất cả bộ sách trong thư viện để giáo viên tham khảo, đồng thời với các nguồn tư liệu sẵn có, kịp thời chủ động điều chỉnh những ngữ liệu chưa phù hợp.

Ngoài ra, sở cũng khuyến cáo phụ huynh không nên so sánh giữa chương trình mới và chương trình cũ vì những yêu cầu, mục tiêu khác biệt. Giáo viên cũng không nóng vội mà cần bám sát các chuẩn kiến thức, kỹ năng để chủ động điều chỉnh theo thực tế lớp học.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng thừa nhận giá SGK mới cao hơn nhiều lần so với trước đây. Do SGK mới được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn sự bao cấp, trợ giá của ngân sách nên về cơ bản, giá sách cao. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục không thực hiện đúng theo quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh vào dịp đầu năm học.

Sở GD&ĐT khẳng định có việc thiếu SGK đầu năm học. Nguyên nhân là năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách cũng có thay đổi từ năm học tới nên các đại lý phát hành, nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm (hầu hết nhà sách đều không đủ sách hoặc không bán riêng).

Đề xuất xã hội hội hóa dạy 2 buổi/ngày

Với những khó khăn trước mắt, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình mới.

Đồng thời, cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức.

Bên cạnh đó, xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.

Sở cũng đề nghị điều chỉnh Thông tư 36 của Bộ Tài chính về kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trước yêu cầu của chương trình mới, nhất là đối với các trường tiểu học không thu học phí, việc nhà trường tự cân đối nguồn kinh phí để tập huấn, bồi dưỡng giáo viên là không phù hợp.

Trẻ lớp 1 ở TP.HCM khó học chương trình mới

Một tháng sau khi bước vào năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận học sinh lớp 1 trên địa bàn đang khó tiếp cận chương trình.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm