Chiều 8/7, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính hết ngày 7/7, trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27-4), thành phố đã ghi nhận 8.151 ca nhiễm trong cộng đồng đã được Bộ Y tế công bố.
Đặc biệt trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày phát hiện 500-600 trường hợp nhiễm mới. Số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố.
"Thành phố cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày sắp tới với các giải pháp, chiến lược phù hợp, quyết liệt hơn để kiểm soát dịch bệnh", HCDC thông tin.
Tận dụng ưu điểm của xét nghiệm nhanh kháng nguyên
Theo HCDC, điều tra, truy vết khoanh vùng dập dịch vẫn là mũi tấn công quan trọng để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Hoạt động này đã được tổ chức lại và tăng cường nhân sự phụ trách điều tra, truy vết tại các quận huyện.
Thực hiện điều tra nhanh các mốc dịch tễ của F0, nhanh chóng lập danh sách, truy vết các F1, chuyển cách ly tập trung, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR.
Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho kết quả trong vòng 30 phút, từ đó sẽ có những quyết định can thiệp nhanh không cần chờ kết quả xét nghiệm rRT-PCR như trước đây.
Ở khu vực phong tỏa, khu vực đánh giá có khả năng lây nhiễm cao liên quan đến bệnh nhân, xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ được triển khai bên cạnh xét nghiệm rRT-PCR. Xét nghiệm này sẽ giúp tìm ra nhanh các trường hợp nghi nhiễm và xử trí nhanh không cần chờ kết quả rRT-PCR. Điều này sẽ giúp khoanh vùng những trường hợp nghi nhiễm một cách nhanh chóng, hạn chế tiếp tục lây nhiễm cho những người xung quanh.
Xét nghiệm tầm soát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với năng lực
Qua thông tin điều tra, truy vết, thành phố lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí).
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác.
Ưu tiên thời gian trả kết quả của các F1, mẫu trong khu cách ly, khu phong tỏa theo đúng quy định để phục vụ cho công tác khoanh vùng, dập dịch, đánh giá nguy cơ.
Nhiều người ở TP.HCM tập trung tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chờ lấy giấy chứng nhận âm tính để lưu thông, đi làm ăn qua các địa bàn lân cận. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Sở Y tế, hiện nay, thành phố có khả năng lấy 1,3 triệu mẫu/ngày. Công suất xét nghiệm là 400.000 mẫu/ngày. Thành phố đang phối hợp với doanh nghiệp để tăng cường thêm năng suất xét nghiệm với mục tiêu 1 triệu mẫu/ngày trong thời gian sắp tới. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cần rút kinh nghiệm khâu tổ chức để đảm bảo việc giãn cách khi thực hiện trong thời gian tới.
Theo kế hoạch triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn, TP.HCM yêu cầu thực hiện khoảng 200.000 xét nghiệm/ngày. Các quận huyện sẽ căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh ở địa phương để sử dụng phù hợp, tận dụng ưu điểm của xét nghiệm nhanh nhưng cũng không được lạm dụng.
HCDC cũng đã triển khai tập huấn truy trình triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh ở các khu công nghiệp do doanh nghiệp tự chi trả.
Nâng cao khả năng cách ly lên 30.000 giường, khả năng điều trị 20.000 giường
Thành phố mở rộng khu cách ly tập trung thành phố với năng lực cách ly là 30.000 giường. Tổ chức hoạt động khu cách ly theo quy định để hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Ngành y tế đề xuất cách ly tập trung F1 trong vòng 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo. Thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn nhưng phải đảm bảo việc tự cách ly này là an toàn không làm lây lan tiếp tục mầm bệnh ra cộng đồng. Sở Thông tin - Truyền thông cũng đã đề xuất các giải pháp bằng công nghệ thông tin để quản lý người thực hiện cách ly tại nhà.
Sở Y tế đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng: cấp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cấp có triệu chứng và cấp điều trị bệnh nhân nặng.
Bệnh viện dã chiến số 3 ở được thiết lập trên cơ sở khu tái định cư ở Thủ Thiêm trên đường Lưu Đình Lễ, phường An Khánh, TP Thủ Đức, với quy mô 3.000 giường. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã lên kế hoạch điều trị 20.000 giường. Tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức), kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ công tác điều trị.
Cơ quan y tế căn cứ tình hình dịch bệnh, nguồn nhân lực cần thiết cho kế hoạch điều trị, điều tra, truy vết, xét nghiệm tính toán đề xuất sự hỗ trợ của Trung ương của cá tỉnh thành phố khác.
"Người dân cần ủng hộ và nghiêm túc thực hiện đúng các nội dung của Chỉ thị 16. 15 ngày sắp tới là thời điểm quan trọng cho trận chiến và chỉ có đoàn kết chúng ta mới có thể chiến thắng", HCDC nhấn mạnh.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.