"Tổng đơn 670.000 đồng, em chuyển khoản rồi anh nhé!", Thanh Nhàng (27 tuổi, nhân viên văn phòng) nói vọng xuống với người giao hàng từ tầng 3. Anh shipper đặt túi thực phẩm trước cổng, rửa tay bằng cồn rồi nhanh chóng lên xe rời đi.
Nhàng bước xuống lấy túi đồ, ngó nghiêng ngoài đầu hẻm đã thấy chiếc rào chắn chi chít kẽm gai được tháo dỡ từ bao giờ.
"Nghĩ về thời gian tới, mình vừa mừng, vừa lo. Thành phố mở cửa nhưng dịch vẫn còn. Do đó, tôi chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết", cô nói.
Sau hơn 122 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ, TP.HCM đã chính thức mở cửa trở lại.
"An tâm ra đường nếu tiêm đủ vaccine và 5K"
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong bối cảnh dịch xâm nhập sâu trong cộng đồng ở TP.HCM, việc bùng phát dịch hoàn toàn có thể xảy ra sau khi thành phố nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, người dân không nên vì thế mà quá lo lắng.
Lực lượng chức năng tháo dỡ rào chắn tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Ảnh: Y Kiện. |
"Chúng ta có thể tạm yên tâm rằng dịch cơ bản được kiểm soát và giai đoạn căng thẳng nhất cũng qua đi. Tuy nhiên, thành quả này có giữ được tốt hay không, một phần rất lớn nhờ vào người dân", PGS Dũng chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cho biết những ngày qua, nhiều người tỏ ra lo lắng và chưa tự tin ra đường khi số ca nhiễm tại thành phố vẫn ở mức cao.
"Khi thành phố bắt đầu giai đoạn bình thường mới, mở cửa và đã có những tiêu chí riêng về các loại hình được hoạt động, đối tượng được ra đường. Do đó, nếu chưa yên tâm, không có việc cần thiết và chưa tiêm đủ liều vaccine, người dân tiếp tục ở nhà. Đó cũng là giải pháp tốt", ông nói.
Chuyên gia này cho biết thêm biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm cao, nguyên tắc 5K cần được áp dụng ở mức độ cao nhất khi thành phố mở cửa trở lại.
"Chúng ta có thể an tâm ra đường nếu đã tiêm đủ liều vaccine và thực hiện tốt 5K. Tuy nhiên, phải cân nhắc bản thân có mức độ bảo vệ thế nào, nên ra đường khung giờ nào, tới khu vục nào, sẽ tiếp xúc ai. Tất cả yếu tố này cần phân tích chứ không phải thành phố mở cửa thì có thể tự do đi lại và nghĩ là đã hết dịch", bác sĩ Khanh nói.
"2K" phòng tránh biến chủng Delta
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, 5K là thông điệp quan trọng phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người dân khi các hoạt động sản xuất nối lại. Trong đó, "2K" quan trọng nhất cần thực hiện là khẩu trang và khử trùng tay.
Biến chủng Delta lây lan nhanh và phát tán trong không khí, nhất là không gian kín, đông đúc. Do đó, xét về mức độ lây lan, nếu đeo khẩu trang sai, nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở người dân không tập trung đông tại các khu vực công cộng trong đêm 1/10 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Hiện nay, người lành tiếp xúc bất kỳ F0 nào trong phòng kín chắc chắn bị nhiễm. Do đó, ngoài khẩu trang, người dân hãy rửa tay đúng cách, khử khuẩn bất cứ lúc nào, đặc biệt là trước khi muốn đưa tay lên mắt, mũi, miệng, phải nghĩ ngay là tay sạch chưa", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết khi đến các sự kiện, địa điểm tập trung đông người, chúng ta nên cân nhắc mức độ an toàn, độ phủ vaccine tại đó để xác định có hòa nhập với đám đông hay không. Người cao tuổi và trẻ em trong giai đoạn này cũng không nên ra đường nếu chưa có việc thật sự cần thiết.
Chủ động nhắc nhở nhau
Bác sĩ Khanh khuyến cáo tình huống sau khi mở dần các cửa hàng kinh doanh, việc tập trung đông đúc khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo giãn cách, lực lượng quản lý, bảo vệ, chủ quán nên chủ động nhắc nhở khách hàng.
Theo ông, tại cơ sở kinh doanh, 3 tình huống lây nhiễm chủ cơ sở cần lưu ý. Thứ nhất là nhân viên có khả năng lây nhiễm cho khách hàng. Thứ 2 là khách hàng có thể lây nhiễm cho nhân viên tại quán và thứ 3 là các khách hàng có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Cửa hàng điện thoại, laptop ở TP.HCM tấp nập khách đến sửa máy trong ngày 1/10. Ảnh: Duy Hiệu. |
Người tiếp xúc gần và tập trung đông đúc có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Các chủ cửa hàng nên lưu ý điều này và chủ động kiểm soát không gian trong cơ sở kinh doanh.
"Đặc biệt là không cả nể khách hàng, nhắc nhở họ đeo khẩu trang đúng, giữ khoảng cách, không buôn chuyện. Nếu tất cả cùng làm được thì virus không thể đi xa. Nếu các cơ sở kinh doanh chiều khách, không nhắc nhở mà để xảy ra lây nhiễm, nỗ lực chung của chúng ta coi như bị hủy bỏ", bác sĩ Khanh cảnh báo.
Tình hình dịch trên địa bàn cũng như tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong ở TP.HCM có nhiều tín hiệu khả quan. Theo công bố của Bộ Y tế, trung bình 7 ngày qua, số ca mắc tại TP.HCM khoảng 4.000.
Nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ tại TP.HCM được hoạt động trở lại. Người dân đi lại không cần giấy đi đường. Các chốt chặn, rào chắn tại các tuyến đường, ngõ hẻm đã được tháo dỡ, công an TP.HCM duy trì 12 chốt kiểm soát chính và 39 chốt kiểm soát phụ tại cửa ngõ giáp ranh.
TP.HCM tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.