Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y tế TP.HCM sau khi hợp nhất Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Dân số tăng gần 4 triệu người, địa bàn mở rộng gấp ba lần, hệ thống y tế TP.HCM đối mặt nhiều áp lực mới khi hợp nhất, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho gần 14 triệu dân.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh trước đây là Bệnh viện Quận 2, toạ lạc tại 130 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức. Ảnh: Duy Hiệu.

Sở Y tế TP.HCM vừa phối hợp Sở Y tế Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức hội thảo lần thứ nhất nhằm đánh giá quy mô cung ứng dịch vụ y tế sau khi hợp nhất 3 địa phương.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo toàn diện của ba Sở Y tế cùng ngồi lại thảo luận, chuẩn bị cho bước chuyển lớn trong tổ chức ngành y tế phục vụ gần 14 triệu người dân tại vùng đô thị mới.

Nhu cầu y tế tăng đột biến

Theo phân tích tại hội thảo, khi ba địa phương hợp nhất, diện tích TP.HCM sẽ tăng từ 2.095 km² lên 6.772 km², dân số tăng từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Khi đó nhu cầu cung ứng dịch vụ y tế sẽ tăng lên rất cao, cả về nhu cầu và phạm vi cung ứng. Trong khi nguồn lực y tế có tăng nhưng chắc chắn trong giai đoạn đầu chưa tương xứng với sự gia tăng về nhu cầu và phạm vi.

Số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng từ 134 lên 164 bệnh viện, số giường bệnh từ 41.525 giường tăng lên 49.147 giường. Đồng thời, tỷ số giường bệnh/vạn dân sẽ giảm từ 41,7 xuống còn 31,3 (chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 42 giường bệnh/vạn dân).

Số bác sĩ từ 20.727 bác sĩ sẽ tăng lên 24.629 bác sĩ, tỷ số bác sĩ/vạn dân sẽ giảm từ 20,8 xuống còn 13,08 (chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 21 bác sĩ/vạn dân); tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân sẽ giảm từ 37 điều dưỡng/vạn dân xuống còn 29 điều dưỡng/vạn dân (chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 39 điều dưỡng/vạn dân). Bên cạnh đó, tổng số dịch vụ công của ngành y tế từ trung bình hơn 20.000 hồ sơ/năm sẽ tăng lên mức trên 30.000 hồ sơ/năm.

sap nhap 3 tinh thanh anh 1

Thời điểm chưa sáp nhập, nhiều bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đã rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: Duy Hiệu.

Các đại biểu dự báo số lượt khám, chữa bệnh sẽ tăng cao tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM sau khi hợp nhất. Cụ thể, số lượt khám bệnh sẽ tăng từ trên 42 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 51 triệu lượt/năm, số lượt điều trị nội trú sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 3,8 triệu lượt/năm.

Như vậy, nếu so sánh trên phạm vi cả nước thì hệ thống y tế TP.HCM sẽ cung ứng khoảng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nguy cơ các bệnh viện tuyến cuối của thành phố sẽ bị quá tải gần như khá rõ nếu ngành y tế không chủ động có giải pháp trước mắt và lâu dài phù hợp. Đây là thách thức rất lớn, nhưng là cơ hội để ngành y tế chủ động nghiên cứu, mở rộng thêm cơ sở phục vụ theo mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tham mưu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế như phát triển thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ 4, thứ 5 (trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và khẩn trương nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh lại chỉ tiêu số giường/vạn dân và số bác sĩ và số điều dưỡng/vạn dân cho phù hợp với tình hình mới của thành phố.

Gần 70.000 tỷ đồng cho đầu tư công

Hợp nhất TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ mở rộng địa bàn và dân số mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn trong đầu tư phát triển hệ thống y tế. Giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư công cho ngành y tế thành phố dự kiến tăng từ 48.549 tỷ đồng lên 52.424 tỷ đồng, với 154 dự án trải đều trên ba địa phương.

Đến giai đoạn trung hạn 2026-2030, nguồn vốn đầu tư tiếp tục tăng lên 65.134 tỷ đồng, cùng 98 dự án và 6 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.

sap nhap 3 tinh thanh anh 2

Bệnh viện Lê Văn Việt nằm trên con đường huyết mạch, dân cư đông đúc của TP Thủ Đức (đường Lê Văn Việt) nhưng cơ sở vật chất của bệnh viện hiện chưa xứng tầm với một bệnh viện khu vực. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng kéo theo áp lực lớn về năng lực quản lý và triển khai dự án khi nhiều công trình vẫn còn chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Các đại biểu tham dự hội thảo đồng thuận kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cần sớm có giải pháp căn cơ để quản lý hiệu quả các dự án đầu tư công, đặc biệt khi 3 Sở y tế hợp nhất thành một hệ thống.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chưa được triển khai, tạo ra khoảng trống chăm sóc khẩn cấp cho người dân tại hai tỉnh này.

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã lên kế hoạch khảo sát thực địa và mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu cấp cứu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khu vực mới.

Để thích ứng với tình hình mới, các đơn vị chức năng của 3 Sở y tế sẽ thành lập tổ công tác phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ và dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của gần 14 triệu dân. Những giải pháp này sẽ được trình bày, thảo luận kỹ hơn tại Hội thảo lần 2 dự kiến tổ chức ngày 6/6.

Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

TP.HCM sẽ kiểm tra sản phẩm giảm cân của DJ Ngân 98

Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra các sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo và kinh doanh, sau khi xuất hiện nhiều tranh cãi trên mạng xã hội về nghi vấn sản phẩm chứa chất cấm.

Bé 2 tuổi bị chó nhà nuôi cắn xé khắp mặt

Gia đình cho biết trẻ không may bị chó nhà tấn công, nhiều vết thương rách da vùng mặt phức tạp.

Dấu hiệu khi nhiễm biến thể Covid-19 XEC

XEC có tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng triệu chứng của nó không quá khác biệt so với các biến thể Covid-19 trước đó.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm