Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TPP là cơ hội để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam

Nhiều khả năng các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam sẽ chuyển sang sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ cho các hãng xe hơi trong khu vực khi thuế nhập khẩu về 0%.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhận định sẽ đem lại nhiều thay đổi cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. 

TPP cũng mở ra cơ hội mua xe hơi giá rẻ cho người Việt, bởi theo lộ trình 10 năm, các nước phải giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với những dòng xe được sản xuất nội khối.

Tuy nhiên, TPP sẽ trở thành thách thức không nhỏ đối với các hãng sản xuất xe hơi trong nước. Khi giá xe nhập khẩu giảm xuống, người dùng có xu hướng mua xe nhập khẩu nguyên chiếc nhiều hơn. 

Các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) đang đứng trước sự lựa chọn: Tiếp tục sản xuất, lắp ráp xe hơi thành phẩm hay chuyển hướng sản xuất phụ tùng, linh kiện cho các quốc gia khác trong khối. 

Ông Phạm Văn Dũng -  Tổng Giám đốc công ty Ford Việt Nam - Phó Chủ tịch VAMA. Ảnh: Minh Anh.

Trả lời phỏng vấn Zing.vn về vấn đề này, ông Phạm Văn Dũng -  Phó Chủ tịch VAMA cho rằng, TPP sẽ mở ra cơ hội đối với các nhà sản xuất trong nước.

Theo ông Dũng, mục tiêu cuối cùng của TTP là đưa thuế suất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia thành viên về 0%. Đối với ngành công nghiệp ôtô, các thành viên sẽ có quyết định chung về tỷ lệ thuế suất dựa trên tỷ lệ sản xuất nội khối. 

Về sơ bộ, trong vòng 9-13 năm tới, thuế suất những dòng xe nội khối sẽ giảm. Theo đánh giá khái quát ban đầu của VAMA, đây sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất xe hơi trong nước đầu tư và phát triển phụ tùng, phụ kiện. 

Các thành viên VAMA có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện ôtô cho các quốc gia trong khối. Ảnh: Minh Anh.

Cụ thể, nếu linh kiện sản xuất ở Việt Nam và lắp ráp tại các nước thành viên TPP khác sẽ được ưu đãi thuế. Đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nhằm hưởng lợi thế về thuế suất.

Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành, từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp. Bởi trong ngành công nghiệp ôtô, chi phí sản xuất là yếu tố quyết định tới tính cạnh tranh. 

Việt Nam có lợi thế nhân công giá rẻ, nhưng đây chỉ là một trong những yếu tố cấu thành giá sản phẩm. Công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ góp phần giảm chi phí giá thành cho xe hơi sản xuất trong nước. TPP là cơ hội đang mở ra phía trước để đưa ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sánh ngang với quốc gia trong khu vực - ông Dũng nhấn mạnh.

Một số mẫu xe giá rẻ tại Vietnam Motor Show. Ảnh: Minh Anh.

Đề cập tới vấn đề sản xuất xe hơi giá rẻ cho người Việt, Phó Chủ tịch VAMA cho rằng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam quá thấp (hơn 2.000 USD/năm), chính vì vậy sức mua hạn chế. 

Các nước đang phát triển thường có xu hướng chuyển từ xe máy sang ôtô. Những người mua ôtô lần đầu chọn các dòng xe nhỏ, sau đó chuyển lên các mẫu xe lớn hơn. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua xe giá rẻ của người dân, các thành viên VAMA liên tục tung ra những mẫu xe giá thấp như Kia Morning, Ford Fiesta, Mazda 2, Toyota Yaris...

Theo VAMA, phân khúc giá rẻ có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Dự đoán, tổng cầu thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2015 sẽ vượt mức 200.000 chiếc. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, báo hiệu sự bùng nổ của loại phương tiện này trong những năm tới. 

Công nghiệp xe hơi Nhật Bản thắng lớn với TPP

Khoảng 87% trong số 6.500 sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản được dỡ bỏ thuế ngay lập tức khi TPP có hiệu lực.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm