Ứng viên không thành thạo kỹ năng thiết kế gặp khó khi trình bày CV. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
“Tôi trả 500.000 đồng cho một bản CV giống hệt hàng trăm người khác”, Thu Thảo (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với Tri thức - ZNews, nói thêm rằng cô cảm thấy như "bị lừa gạt".
Để gây ấn tượng từ bước nộp hồ sơ vào tập đoàn công nghệ mình yêu thích, nhân viên hành chính nhân sự chi tiền thuê người thiết kế bộ CV và portfolio.
Khi liên hệ qua mạng xã hội, một tài khoản tự xưng là "CV Master" đã báo giá chi tiết cho cô. Theo đó, gói thiết kế CV, portfolio cơ bản (hiệu chỉnh 2 lần) có giá 500.000 đồng, gói dịch vụ nâng cao (bổ sung bìa, hiệu chỉnh 3 lần) được định giá 550.000 đồng.
Thu Thảo chọn gói đầu tiên. Những gì cô cần làm là cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân cho designer.
Nhiều nhân sự chán nản khi nhận về CV thiếu tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân từ các đơn vị cung cấp gói dịch vụ thiết kế. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Thế nhưng, sau 5 ngày chờ đợi, cô thất vọng với bản thiết kế thiếu tính sáng tạo và không có dấu ấn cá nhân, dù đã hiệu chỉnh 2 lần. Một số nội dung cô muốn truyền tải đến nhà tuyển dụng cũng bị lược bỏ khỏi bộ hồ sơ này.
Khi phản hồi với designer, cô nhận được câu trả lời: “Bản CV thể hiện sự chuyên nghiệp. Tất cả khách hàng của tôi đều sử dụng hồ sơ xin việc như vậy”.
Thu Thảo là một trong nhiều ứng viên trên thị trường lao động khi sử dụng dịch vụ thiết kế CV, portfolio. Các mẫu hồ sơ họ nhận về thường không đảm bảo đủ nội dung muốn truyền đạt, có thiết kế như “đúc ra từ một khuôn”.
Về phía người thực hiện, một designer cung cấp dịch vụ này thừa nhận các sản phẩm có mức độ trùng lặp nhất định. Tuy nhiên, họ cho biết không thể đem đến các mẫu thiết kế sáng tạo hơn vì khả năng chi trả của khách hàng có giới hạn.
Trăm người một khuôn
Trao đổi với Tri thức - Znews, bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc điều hành khối Nhân sự và Cố vấn Kinh doanh của nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV Việt Nam, nhận định rằng việc sử dụng dịch vụ thiết kế CV có ưu và nhược điểm riêng.
Thuê người thực hiện hồ sơ xin việc hộ, ứng viên có thể tạo CV nhanh chóng, đảm bảo thiết kế đẹp, bắt mắt. Nếu người cung cấp dịch vụ này có kinh nghiệm trình bày nội dung thư xin việc, nhân sự sẽ nhận được tư vấn về cách viết, gia tăng tỷ lệ qua vòng gửi hồ sơ, có cơ hội tham gia phỏng vấn.
Tuy nhiên, ứng viên cũng phải đối mặt với một số rủi ro khi sử dụng dịch vụ này. Nhược điểm đầu tiên là sự tốn kém về mặt chi phí. Hơn nữa, CV có tính trùng lặp lớn, tuân theo một số nguyên tắc chung, giảm tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân của ứng viên.
Hà Quyên nghi ngờ designer sử dụng công cụ AI để thiết kế CV cho cô. |
Hồ sơ được thiết kế sẵn thường tập trung vào phần hình ảnh, bỏ qua yếu tố nội dung, có khả năng làm mất đi một số thông điệp mà nhân sự muốn truyền tải.
Đó cũng là lý do Hà Quyên (26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chấp nhận bỏ phí 480.000 đồng tiền thuê designer, thà tự tay thiết kế lại từ đầu.
Nhân viên kinh doanh cho biết sau 2 lần feedback, cô vẫn nhận về bản thiết kế sơ sài, giống mẫu có sẵn trên mạng tới 80%. Hà Quyên cũng nghi ngờ designer sử dụng công cụ AI để thiết kế CV.
“Chỉ cần gõ vài câu lệnh trên Copilot, tôi hoàn toàn có khả năng nhận sản phẩm tương tự mà không tốn đồng nào”, cô bức xúc chia sẻ.
Biết giao dịch "hớ", nhưng Hà Quyên không thể bắt đền vì hiểu rằng lĩnh vực sáng tạo tồn tại nhiều vùng xám. Cô cũng là người tự tìm đến đơn vị thiết kế này và thể hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Cái khó của designer
Có lý do để Trung Thành (28 tuổi, quận 8, TP.HCM), chuyên viên thiết kế tại một agency quảng cáo, chỉ coi thiết kế CV và portfolio là một nghề tay trái.
Nhu cầu sử dụng gói dịch vụ này chưa lớn, chỉ phù hợp để làm thời vụ. Mùa tuyển dụng đầu năm là đợt đông khách nhất đối với chuyên viên thiết kế này. Số lượng đơn hàng giảm dần về cuối năm. Hơn nữa, khách hàng cũng không chịu chi.
Nghề part-time này của Trung Thành được phát sinh từ những lời nhờ cậy của bạn bè, người quen làm hồ sơ xin việc. Nhận thấy cơ hội gia tăng thu nhập, anh biến khả năng này thành một công việc phụ, tranh thủ kiếm thêm mỗi tối.
Các bên cung cấp gói thiết kế CV, portfolio gặp áp lực cân bằng giá thành và chất lượng dịch vụ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Trung Thành đã xây dựng sẵn khoảng 10 mẫu CV cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Tùy vào thông tin, hình ảnh mà khách hàng cung cấp, anh tinh giản một số yếu tố, tạo thành những sản phẩm mới. Anh lấy giá từ 300.000-500.000 đồng/thiết kế tuỳ độ dài, yêu cầu riêng của khách.
Nhân viên thiết kế cho biết không ít khách hàng nhắn tin chê đắt, muốn mặc cả nhưng anh từ chối giảm giá dịch vụ. Anh cho rằng mức giá này không cao so với mặt bằng chung, trong khi sản phẩm được thực hiện dựa trên mẫu CV anh tự tay thiết kế, không lấy trên mạng và tinh chỉnh tùy yêu cầu cá nhân.
“Khách không chịu chi nhưng vẫn yêu cầu CV có tính độc bản. Với mức giá hiện tại, tôi chỉ có thể cung cấp những sản phẩm có mức độ trùng lặp nhất định”, Thành chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Có nên thuê người thiết kế CV không?
Theo bà Nguyễn Thu Thủy (TopCV Việt Nam), ứng viên nên xem CV là một phương pháp thể hiện dấu ấn cá nhân, lợi thế riêng.
Ngoài giao diện, nội dung hồ sơ xin việc là yếu tố mang tính then chốt, quyết định nhân sự có lọt vào vòng phỏng vấn hay không. Ứng viên là người hiểu rõ nhất năng lực chuyên môn, các định hướng và mục tiêu cá nhân.
Vì vậy, việc tự trình bày, sắp xếp, làm chủ nội dung trong CV làm nổi bật tính cá nhân, giúp người lao động tự tin hơn khi tham gia phỏng vấn.
Hiện tại, các mẫu CV “ăn điểm” cũng xuất hiện trên nhiều website tuyển dụng, ứng dụng thiết kế, cho phép ứng viên tham khảo, học theo. Nếu chưa tự tin về nội dung trong hồ sơ xin việc, nhân sự cũng có thể nhờ bạn bè, người quen công tác trong lĩnh vực đào tạo - tuyển dụng hỗ trợ tư vấn, chỉnh sửa.
Ngoài ra, việc cập nhật CV thường xuyên cũng giúp người lao động liên tục định vị bản thân, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển ưu điểm và khắc phục nhược điểm.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?