Thời gian gần đây, không khó để người dân Hà Nội bắt gặp những chiếc xe thô sơ chở đầy trái cây dọc các con phố. Rất nhiều loại quả cũng được bày bán tràn lan trên vỉa hè, lề đường, đi cùng là các tấm biển thủ công thu hút người qua đường bởi mức giá rẻ bất ngờ.
Dù hấp dẫn nhưng quan ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khiến nhiều người bỏ qua chúng.
Những chiếc xe bán trái cây trước cửa các toà nhà văn phòng dọc đường Phạm Văn Bạch (Hà Nội). Ảnh: Quốc Toàn. |
Giá rẻ nên kén người mua
Chỉ một đoạn ngắn khoảng 300 m ở đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên ghi nhận có tới 6 xe đẩy với 6 loại quả khá nhau. Tất cả đều có mức giá không quá 50.000 đồng/kg. Đáng chú ý là nho đen có đơn giá chỉ 35.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm, một siêu thị khá lớn tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cách con đường này không xa cũng đang bày bán các loại quả tương tự với mức giá cao gấp 2-3 lần nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Trên các vỉa hè dọc nhiều tuyến phố lớn như Nguyễn Xiển, Xuân Thủy, Giải Phóng, Nguyễn Trãi,... giá các loại trái cây cũng rẻ tương tự, thậm chí với những loại đắt đỏ, ví dụ sầu riêng, mãng cầu.
Tuy nhiên, không nhiều người dừng lại để mua trái cây ở những sạp bán này bởi họ cho rằng trái cây được bán ở lề đường chứa nhiều hóa chất không an toàn. Chính vì giá rẻ, người tiêu dùng lại tỏ ra ái ngại.
Không khác về chất lượng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Hoa quả được trồng và thu hoạch theo mùa vụ, không giống các thực phẩm khác nên chúng không thể được nhân tạo và cũng không có trái cây rởm. Bởi vậy, không thể nói trái cây bán tại vỉa hè là không tốt, không an toàn".
Theo PGS.TS Thịnh, sự khác biệt trong giá cả đến từ quy mô kinh doanh, địa điểm bán hàng hay điều kiện bảo quản, không phải ở chất lượng của loại trái cây đó. Do đó, người dân có thể yên tâm khi lựa chọn và mua trái cây bất kể ở vỉa hè hay siêu thị.
Trái cây là mặt hàng không thể bảo quản lâu nhưng hiện nay, chúng lại được vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại với số lượng lớn cùng giá khá rẻ.
Mức giá của giống nho đỏ Việt Nam tại siêu thị là 65.300 đồng/kg và nho xanh Việt Nam là 90.400 đồng/kg. Ảnh: Quốc Toàn. |
Về điều này, ông Thịnh cho rằng chúng ta đang sở hữu rất nhiều phương tiện vận tải có thể lưu thông nhanh, giúp người nông dân và thương lái bảo quản trái cây tốt hơn. Chỉ với 2-3 ngày, chúng ta có thể vận chuyển chôm chôm, sầu riêng từ miền Nam ra miền Bắc.
Cùng với đó, khoa học công nghệ hiện đại giúp chúng ta có thêm nhiều phương pháp bảo quản, điển hình là kỹ thuật sử dụng nhiệt độ, kìm hãm không cho trái cây chín xuyên suốt quá trình vận chuyển, không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.
"Đây thực chất là một tín hiệu đáng mừng về kinh tế, việc vận chuyển đang dần được đẩy nhanh, mang lại lợi nhuận cho người nông dân mà vẫn có thể giảm giá bán cho người tiêu dùng", ông Thịnh nhận định.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng người kinh doanh vì lợi nhuận đã sử dụng nhiều loại hoá chất độc hại làm tăng độ ngọt cũng như thời gian bảo quản của trái cây. Theo PGS Thịnh, người dân không nên vì tình trạng này mà đánh đồng với tất cả người kinh doanh trái cây khác.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (Viện Y học Ứng Dụng Việt Nam) cho biết: "Trái cây vẫn là một nguồn thực phẩm rất tốt mang lại các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Bởi vậy, chúng ta nên duy trì thói quen ăn đa dạng các loại trái cây để có một sức khoẻ tốt nhất".
Theo chuyên gia này, tuy có nhiều lợi ích, việc ăn trái cây cũng nên chú ý về số lượng. Tùy vào thể trạng và điều kiện của mỗi cơ thể, mỗi người nên ăn lượng phù hợp bởi ăn quá nhiều cũng ảnh hưởng tới việc tiêu hoá cũng như cân nặng. Ví dụ một người làm việc văn phòng bình thường nên ăn khoảng 2-3 khẩu phần mỗi ngày, nhưng với người tập luyện thể thao với cường độ cao sẽ cần một lượng lớn hơn.