Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải nghiệm làm người đánh giầy của một 9X

Dành trọn một buổi chiều đi lang thang qua khắp con phố, trải nghiệm công việc đánh giày của anh thanh niên nghèo, chàng sinh viên Đỗ Văn Phú mới thấm thía sự vất vả.

Đây là câu chuyện của chàng sinh viên Đỗ Văn Phú (năm thứ 4 khoa Quan hệ Quốc tế - HV Báo chí và Tuyên truyền). Chứng kiến cảnh những người lao động nghèo phải vất vả mưu sinh, Văn Phú đã quyết định thực hiện một buổi chiều trải nghiệm công việc đánh giày. Toàn bộ số tiền kiếm được sau buổi đánh giày sẽ dành tặng cho anh Nguyễn Văn Kiên (27 tuổi).

Anh Kiên quê ở Thanh Hóa, lên Hà Nội từ năm 17 tuổi và mưu sinh bằng nghề đánh giày đã 2 năm nay. Hàng ngày, anh đi bộ qua các con phố, ngày nắng cũng như ngày mưa, lang thang kiếm sống. Mỗi ngày, được vài chục nghìn tiền công lãi, tối về ngả lưng ngủ trọ cùng 20 người khác cũng làm công việc giống mình. Anh Kiên không biết tương lai của mình sẽ đi về đâu, chỉ cầu trời có đủ sức khỏe, để đôi chân đi qua các con phố tiếp tục kiếm miếng cơm manh áo.

Văn Phú đánh giày cho vị khách đầu tiên.
Văn Phú đánh giày cho vị khách đầu tiên.

Dưới đây là câu chuyện của Đỗ Văn Phú:

Một buổi chiều cuối tuần, thay vì tụ tập với đám bạn, tôi đã quyết định sẽ dành thời gian để giúp anh Kiên – người đánh giày mà tôi tình cờ quen trong thời gian gần đây.

Trước đó, mỗi lần thấy anh đi qua quán nước quen thuộc tôi hay ngồi, từng giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt khắc khổ, dáng dấp lủi thủi ăn vội vàng hộp cơm đạm bạc khiến khóe mắt tôi cay cay. Tôi hy vọng mình có thể giúp anh một việc gì đó.

Tôi phải thuyết phục một hồi lâu, anh Kiên mới đồng ý cho tôi giúp anh đánh giầy. Còn anh sẽ ngồi uống nước, nghỉ ngơi trong một buổi chiều.

Anh nhanh chóng dạy tôi những kỹ thuật đánh giày, cách cầm giày, cách đánh bóng…

Phú đi mời các vị khách đánh giày,
Phú đi mời các vị khách đánh giày,

Trong lúc học việc, tôi tranh thủ hỏi về gia đình anh. Anh Kiên kể: "Tôi lên Hà Nội mưu sinh từ năm 17 tuổi, nhà nghèo nên không được học hành đầy đủ, chưa kể tôi còn bị tật ở chân, tay nên nhiều nơi không nhận vào lao động. Trước tôi có làm thợ mộc, nhưng 2 năm trở lại đây thì đi đánh giày. Hàng ngày lang thang qua các khu phố, rong ruổi mãi tới khi mỏi chân, buồn ngủ thì nghỉ ở vỉa hè. Tối về ngủ ở ngoài đường hoặc về căn phòng trọ chung với 20 người nữa. Ngày nào khá thì lãi được 50.000–70.000 đồng, ngày nào kém thì chỉ được 20.000 đồng thôi. Nhiều tháng, còn chẳng dám ở trọ vì tốn kém quá".

Nghe anh kể, vẻ mặt buồn buồn, tôi cũng không dám hỏi thêm, anh chỉ lẳng lặng bảo: "Cứ làm thế này thôi, tương lai cũng chưa biết sẽ mưu sinh bằng công việc gì".

Sau hơn 30 phút học việc, tôi bắt đầu xách bộ đồ nghề của anh Kiên đi qua một số tuyến phố. Đi dưới thời tiết nắng nóng gay gắt, quả thực tôi cảm thấy rất khó chịu, mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

Vị khách đầu tiên của tôi là một anh bảo vệ nhà hàng ăn uống. Đưa đôi dép xốp cho anh đi tạm và bắt đầu công việc của mình. Những thao tác đầu tiên khiến tôi không khỏi lóng ngóng, vụng về. Sau gần 15 phút, tôi đã đánh xong đôi giày cho khách, và được trả 10.000 đồng tiền công.

Cảm ơn vị khách đầu tiên, tôi tiếp tục đi tới những con phố khác, trời nắng nóng nên các quán nước vỉa hè dần ít người, tôi đành vào các quán cà phê, hy vọng sớm có vị khách thứ 2 gọi tới. Đáp lại lời mời ân cần của tôi, chỉ là những cái lắc đầu nhẹ nhàng.

2 tiếng sau, vị khách thứ 2 gọi tôi tới. Tôi vui mừng, nhanh chóng bỏ đồ nghề xuống và thực hiện công việc của mình. Lần này, thao tác thực hiện đã thuần thục hơn, và 10.000 đồng tiếp theo là tiền công dành cho 10 phút làm việc của tôi.

Sau một buổi chiều đi qua 5 con phố, tôi mời được 2 vị khách đánh giày. Lúc này, tôi đã thấm mệt, cái nắng nóng khiến tôi cảm thấy hoa mắt. Dừng chân nghỉ lại dưới bóng râm mát, tôi vẫn không thể tin được, mình đi cả buổi chiều, qua bao nhiêu hàng quán mà chỉ mời được 2 vị khách đánh giày. Và càng không thể tin được, công sức một chiều chỉ thu được 20.000 đồng ít ỏi. Nghĩ tới đây, mới biết, anh Kiên đã phải vất vả, chật vật như thế nào để có được miếng cơm manh áo, không chỉ nuôi bản thân, mà còn nuôi cả gia đình.

Bất giác, tôi nghĩ đến manh áo cộc, cũ sờn mà anh Kiên hay mặc đi ngoài đường, và cả đôi dép tổ ong cũ kỹ. Cả những bữa cơm đạm bạc mỗi buổi trưa, không biết những suất cơm này có giúp anh đủ sức đi qua hết đoạn đường này, tới đoạn đường khác để mưu sinh.

Tìm tới quán nước cũ, anh Kiên đang nghỉ ngơi, tôi trả đồ nghề cho anh và kết thúc chiều làm việc của mình. Anh Kiên trông tươi tỉnh hơn vì đã có một khoảng thời gian được nghỉ ngơi. Tôi gửi tặng anh 20.000 đồng kiếm được sau một chiều lao động, anh ngại ngần không nhận. Phải nói mãi, giải thích nhiều lần, anh mới cầm 20.000 đồng nhỏ nhoi của tôi. Anh bảo: "Được nghỉ ngơi một chiều đã là quý lắm rồi, lại còn được cho thêm 20.000. Với số tiền này, cộng với tiền công 30.000 đồng trong buổi sáng nay, đến tối, tôi sẽ mua một suất cơm ngon tự thưởng cho mình".

Nhìn bóng dáng gầy gò của anh bước đi trong cái nắng chiều, khóe mắt tôi cay cay. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng thật sự trải nghiệm rồi mới thấm thía hết những khó khăn, vất vả. Trải nghiệm này giúp tôi cảm nhận được phần nào những nhọc nhằn mưu sinh của người lao động nghèo. Hy vọng, thời gian tới, anh Kiên sẽ có sức khỏe để tiếp tục công việc, nuôi sống gia đình mình. Và tương lai, anh sẽ có kiếm được một công việc tốt hơn, với mức thu nhập ổn định hơn.

http://www.tiin.vn/chuyen-muc/thien/trai-nghiem-lam-nguoi-danh-giay-cua-mot-9x.html

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm