Tại TP.HCM, chăm sóc sức khỏe tâm thần đang rất được quan tâm sau đại dịch.
Trầm cảm tự tử tăng hơn 20% sau Covid-19
Tháng 5/2022, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã cứu sống một thanh niên 29 tuổi, tên K., sau khi uống 80 viên thuốc ngủ.
Cha của K. cho biết anh có tiền sử trầm cảm từ khi học cấp 2. Lớn lên, K. học rất giỏi và tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, duy trì điều trị trầm cảm. K. từng tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành.
Bệnh nhân bị các đơn vị tuyển dụng từ chối vì thấy vết rạch tay, nghĩ rằng anh nghiện ngập. Tâm lý bi quan ngày càng lớn. Đỉnh điểm là trong đợt dịch Covid-19, K. ngưng uống thuốc trầm cảm.
Bệnh nhân trầm cảm tự tử bằng thuốc ngủ được lọc máu. |
Cuối tháng 4, K. mua 4 hộp thuốc an thần (80 viên) trên mạng để tự tử. Gia đình đã đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Đáng chú ý, trước đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh chỉ tiếp nhận 1-2 ca tự tử/tháng nhưng sau dịch Covid-19, mỗi tuần có 3-4 ca.
Trong khi đó, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân trầm cảm, có ý định tự tử sau dịch Covid-19.
Đơn cử, một nữ sinh viên năm 2 đại học tại TP.HCM bị kẹt lại thành phố, không thể về quê do đại dịch. Họa vô đơn chí, người nhà cô lại tử vong vì Covid-19. Cô gái trẻ rơi vào căng thẳng kéo dài. Học phí đại học ngày càng cao, kinh tế gia đình kiệt quệ. Để trang trải, nữ sinh này phải đi làm thêm liên tục.
Cô gái rơi vào trầm cảm và có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Người bạn ở trọ cùng đã động viên và đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần. Bác sĩ xác định cô bị trầm cảm mức độ nặng.
“Những trường hợp này, uống thuốc trong 2 tuần đầu có thể giải ức chế nhưng bệnh nhân sẽ có ý định tự tử rất cao. Vì thế, tôi không dám đưa thuốc cho cô gái mà giao cho người bạn cùng phòng. Người này sẽ giám sát việc uống thuốc”, bác sĩ Hoàn nói.
Sau khoảng một tháng rưỡi, tình trạng bệnh nhân khá hơn và ổn định dần sau 6 tháng. Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP, tình trạng trầm cảm tự sát sau Covid-19 hiện tăng cao, khoảng 20-25%, gây ra nhiều lo ngại.
Cấp cứu trầm cảm như thế nào?
Tại TP.HCM, ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất của người dân sau đại dịch Covid-19, sức khỏe tâm thần cũng được coi trọng. Trước tình trạng tăng cao trầm cảm tự tử, TP.HCM đã thí điểm “Cấp cứu trầm cảm” do Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ đạo.
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết bất cứ khi nào người nhà hoặc người dân phát hiện trường hợp có dấu hiệu trầm cảm tự tử, hãy gọi đến số 19001267 hoặc 115. Kể cả khi thấy người sắp nhảy cầu tự tử, người dân cũng có thể liên hệ.
Sau khi ghi nhận, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ có mặt tại hiện trường ngay, giúp ổn định người bệnh và chuyển họ đến Bệnh viện Tâm thần.
Tổng đài 19001267 của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM luôn có điều dưỡng trực vào mọi lúc. |
Tại đây, bác sĩ sẽ khám và chỉ định nhập viện nếu cần thiết. Các bệnh nhân ở mức độ nặng được chăm sóc đặc biệt, theo dõi 24/24. Bởi lẽ, họ có thể tự sát bất cứ lúc nào.
Với người nhập viện một mình, sau khoảng 1-2 tuần, bệnh viện sẽ khai thác thông tin và liên hệ với người nhà. Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn cần điều trị ngoại trú 6-24 tháng.
Trước đây, Bệnh viện Tâm thần đã nhận nhiều cuộc gọi báo về trầm cảm tự tử nhưng chưa có chức năng tiếp nhận trực tiếp. Bác sĩ cho hay, trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm, giải quyết nguyên nhân gốc. Nếu không, bệnh nhân sẽ bị thúc đẩy đến suy nghĩ tự tử ngày càng nghiêm trọng.
“Nhiều người sau khi tự tử không thành, bình tĩnh lại, họ thấy hối hận. Họ tích cực làm từ thiện vì thấy trân trọng sự sống. 'Cấp cứu trầm cảm' giúp bệnh nhân bình tĩnh và can đảm hơn để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Đây là giải pháp rất nhân văn của thành phố”, bác sĩ Hoàn nói.
Hiện nay, thuốc men, giường bệnh… đều đầy đủ. Các bác sĩ chỉ lo ngại về sự ổn định của mạng khi tiếp nhận cuộc gọi.
“Người dân khi cần hỗ trợ khẩn cấp nhưng không gọi được sẽ rất bức xúc. Trong tình huống cấp cứu trầm cảm, nếu mạng rớt, mạng người cũng khó cứu được”, bác sĩ Hoàn chia sẻ.