Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Mạnh Tuấn và con gái: Cha con nhà saxophone

Từ khi An Trần tìm đến chiếc kèn Saxophone, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã có thêm một đồng nghiệp, một người bạn ngoài tình cha con.

Nghệ sĩ Trần Mạh Tuấn và con gái An Trần như hai người bạn - đồng nghiệp.

- Hẳn anh không thể quên lần đầu tiên hai bố con biểu diễn cùng nhau?

- Một hôm, tôi đi công tác ở châu Âu về thấy con gái chơi bài Bèo dạt mây trôi bằng kèn saxophone, tôi hỏi “Ai dạy con?”, cháu bảo “Anh dạy”. Hai tháng sau, tôi và con gái chơi bài này trong chương trình Dấu ấn, đêm diễn của tôi vào tháng 9/2013.

Đêm đó, con không run nhưng bố run vì truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh, nếu có gì trục trặc thì khổ. Cô nàng ôm kèn bước ra sân khấu tỉnh bơ, mặc kệ bố run (cười). Đó là một kỷ niệm, một “dấu ấn” của hai bố con.

- Hình ảnh cô bé An Trần lúc đó có giống anh ngày xưa?

- Con bé làm tôi nhớ lại lần biểu diễn chuyên nghiệp đầu tiên của tôi lúc 11 tuổi cùng với dàn nhạc của đoàn cải lương Chuông Vàng. Đó là một chiều mùa hè, tôi mặc bộ pyjama màu beige cũng tỉnh bơ đứng trên bục, mặc kệ vẻ mặt đầy lo lắng của các chú, các bác.

- Trên sân khấu, dường như anh thường “nhường nhịn” con gái?

- Thật ra chúng tôi chơi có sự tương tác, y như những người đồng nghiệp, đương nhiên, tôi cho cháu nhiều cơ hội hơn. Ở thời điểm này, khán giả và đồng nghiệp đã biết tôi chơi như thế nào nên tôi không cần phải chứng tỏ với ai nữa, có chăng là chứng tỏ với chính mình.

Khi biểu diễn với những bạn trẻ hay học trò, tôi luôn để họ có nhiều cơ hội hơn. Được cọ xát thực tế từ các buổi trình diễn sẽ giúp họ rút ra được những bài học quan trọng cho nghề nghiệp.

- Với con mắt nhà nghề, anh có nghĩ rằng con gái mình sẽ chọn chiếc kèn saxophone cho sự nghiệp sau này?

- Tôi nghĩ là cháu sẽ theo nghiệp này. Tuy nhiên, bây giờ cháu còn nhỏ quá nên bố mẹ hướng thế nào thì làm theo thôi. Tôi thấy được sự thích thú và hứng khởi của con bé trong những lúc tập và biểu diễn.

- Là con nhà nòi thì con gái anh có quá nhiều điều kiện thuận lợi để thành công?

- “Con nhà nòi” mà bạn nói chính là điều kiện được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm và hàng ngày. Nhà tôi lúc nào cũng ngập tràn âm nhạc, sáu cây piano để khắp nơi mà bất cứ lúc nào các con cũng thuận tiện ngồi vào đàn và có phòng tập nhạc rộng với nhiều thiết bị, nhạc cụ hiện đại.

Điều kiện tập luyện như hiện nay khó có thể tốt hơn. Khi bố con nói chuyện với nhau chủ yếu cũng là về âm nhạc và ngôn ngữ.

Con gái nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn rất say mê với cây saxophone như cha mình.

- Âm nhạc lan tỏa trong nhà anh một cách tự nhiên và vốn dĩ là như thế. Nhưng anh có bao giờ tự hỏi nếu con mình không theo âm nhạc thì sao?

- Nếu con tôi không có tố chất tốt thì tôi chẳng thúc ép làm gì, vì với người làm âm nhạc, yếu tố bản năng chiếm 70%, việc học chỉ chiếm 30%, là để đúc kết lại những điều đã học. Sự sáng tạo và trí tưởng tượng của một nghệ sĩ rất quan trọng, nếu cháu không có điều đó thì tôi không cố thúc đẩy.

Tôi không thích làm nghệ thuật làng nhàng, kiểu chơi tàm tạm mỗi tối kiếm một vài trăm nghìn cũng được. Tôi thấy sự thích thú và tiềm năng của con gái trong lúc chơi kèn saxophone thì tôi ủng hộ. Con trai tôi chơi kèn tốt lắm nhưng lại thích máy móc và thu âm, tôi cũng chẳng ép con làm khác.

- Kỹ thuật thì anh có thể dễ dàng dạy cho con nhưng thần thái khi biểu diễn thì anh truyền đạt đến con bằng cách nào?

- Cháu được xem các chú chuyên nghiệp biểu diễn và nhất là được xem bố thường xuyên nên phong thái cũng gần giống bố, sau đó thì cháu sẽ tự nhiên có chất riêng của mình thôi. Nói chung, hiện giờ con gái tôi có ảnh hưởng lớn từ bố, từ cách sống, cách sinh hoạt, giao tiếp cho đến cách biểu diễn…

- Và cô bé ngưỡng mộ bố?

- Đương nhiên, tôi hiểu được điều đó. Khi tham gia vào công việc giống bố thì con bé hiểu được khả năng chuyên môn của bố và cách bố tiếp xúc với các đồng nghiệp trong nước hay quốc tế thì còn ngưỡng mộ nhiều hơn.

- Anh có thấy hình ảnh của mình lúc nhỏ trong con gái không?

- Nhiều chứ. Cháu có rất nhiều cái giống bố, đáng lý ra con bé phải là con trai mới đúng (cười).

- Bé An Trần thần tượng bố, còn anh là một ông bố may mắn khi có một đứa con nối dài niềm đam mê âm nhạc của mình...?

- Có một đứa con đi theo nghiệp của mình thì đó là điều hạnh phúc. Tôi là ông bố may mắn, đúng như bạn nói. Khi con gái là đồng nghiệp của mình thì kỷ niệm tuổi thơ của con gắn liền với hình ảnh của tôi.

Tôi chia sẻ với con rất nhiều, từ chuyện ngày xưa bố đi học như thế nào, ăn uống ra sao. Khi con gái đi diễn, tôi vui vẻ đi theo xách kèn, chuẩn bị micro cho con, mẹ con bé thì lo trang phục, trang điểm.

- Việc anh làm bạn với con có dễ dàng không?

- Dễ lắm. Chúng tôi giờ như đồng nghiệp, bạn bè. Khi tôi cầm iPad tìm kiếm những bài hát hay thông tin mới thì cô nàng hay ngồi bên cạnh hỏi han đủ điều, ngoài giờ tập thì thích đi chơi cùng bố, ăn uống hay mua sắm, bởi vì bố thường nói “đồng ý” với những yêu cầu của con gái.

Tôi thích gần gũi, thích chia sẻ, thích dạy con rồi thời gian cứ cuốn đi, cảm giác càng ngày càng gần gũi hơn về mọi mặt.

- Anh xác định một vài năm tới là thời gian con gái anh tập luyện hay biểu diễn nhiều hơn?

- Tôi không ép cháu nhiều. Đối với một đứa trẻ 11 tuổi, phải để nó phát triển tự nhiên và chơi vui vẻ với bạn bè, đừ ng kỳ vọng nhiều để tạo áp lực cho con.

Tôi là người không có tuổi thơ, ngoài nhạc ra tôi không biết bất cứ một trò chơi nào của trẻ con nên không muốn con mình như vậy. Ngoài việc học ở trường, cháu phải học piano, lý thuyết âm nhạc, học kèn... là tôi đã thấy cực hơn những đứa trẻ khác rồi.

- Nhưng hầu hết những tài năng thành danh trong nghệ thuật muốn gắn bó mãi với một con đường thì đều phải trải qua thời gian tập luyện khắc nghiệt?

- Đúng ra là phải thúc ép nhiều hơn nhưng nhiều lúc tôi vẫn muốn dãn ra, không cần thiết phải tập luyện căng thẳng và xuất hiện nhiều quá. Tôi cho cháu tham gia những chương trình có chuyên môn cao, muốn cháu theo mình để hiểu được đời sống âm nhạc nhiều hơn là biểu diễn.

Đào tạo được những tài năng là điều quan trọng nhưng với tôi thì việc làm thế nào để con mình trở thành một người có tình thương và biết chia sẻ với mọi người, với cộng đồng thì đáng quý hơn.

Tôi thường nói với các con của mình là bố mẹ đã nhận được chia sẻ quá nhiều tình yêu thương từ anh chị em, đồng nghiệp, người yêu âm nhạc… để vượt qua được những khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống nên các con phải có trách nhiệm chia sẻ điều kiện mình có cho những người khác.

Điều băn khoăn lớn nhất của tôi hiện nay là làm thế nào để bọn trẻ biết được giá trị của cuộc sống, bởi vì với chúng có được mọi thứ quá dễ. Đôi lúc, tôi phải mang các con đi đến các buổi bán tranh từ thiện để hiểu về cuộc sống của những người khó khăn hơn.

http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%E2%80%93-choi/cha-con-nha-saxophone-59918/?paged=2

Theo Lâm Hạnh/Báo Phụ Nữ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm