Vô bổ, mất thời gian
Trước những ý kiến trái chiều của các bạn trẻ về đề nghị đóng cửa trang confession của teen Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng nhà trường - đã có những lý giải xung quanh quyết định này.
Thầy Cương cho biết, sau một thời gian tìm hiểu những hoạt động của trang này, ban giám hiệu nhà trường nhận thấy rất mất thời gian và không có lợi ích gì bởi đây là nơi để các em tranh thủ nói chuyện nhảm nhí.
“Các em “thú tội” nhưng chuyện như mê anh này, thích anh kia và hỏi có ai biết chàng trai đó học lớp nào không… Nếu đó chỉ là những câu chuyện nói riêng với nhau thì được, nhưng khi đưa lên mạng xã hội, những người khác xúm lại bàn tán thì lại trở nên không hay”, thầy Cương nhận định.
Vì vậy, đề nghi này của nhà trường chỉ nhằm mục đích chấn chỉnh lại bộ phận admin của trang, và cùng các em quản lý nên đăng tải những nội dung gì.
Đề nghị đóng cửa trang thú tội trên mạng xã hội của ban giám hiệu nhà trường. |
Thầy Cương cũng cho biết trước khi ra quyết định này, ban giám hiệu đã gửi tin nhắn và thông báo nếu học sinh nào là chủ trang thì lên gặp để trao đổi, và không hề đánh giá nặng nề trách nhiệm của các em. Nhưng hiện tại, chưa có học sinh nào nhận là chủ trang confession này.
Vì vậy, vị hiệu trưởng này còn lo lắng liệu đây có phải trang do các học sinh trong trường lập nên hay của người ngoài trường: “Nếu có sự nặc danh để lôi kéo các học sinh trong trường tạo nên những tin đồn không đúng sự thật, và nói cho sướng mồm thì đó là việc rất nguy hiểm”.
Hãy có trách nhiệm với phát ngôn của mình
Măc dù, thời gian qua, trang mạng xã hội này chưa có thông tin nào sai sự thật về trường nhưng do tính chất ẩn danh nên các bạn học sinh dường như “thích gì nói nấy” và không hề nghĩ đến hậu quả.
Thầy Cương ví dụ: “Ngay trước khi lễ khai giảng năm học mới diễn ra, một thành viên của trang này lại chia sẻ “Ước gì ngày mai trời mưa to”. Tôi cho rằng đây chỉ là lời nói đùa của một em học sinh, nhưng khi đưa lên mạng, các em khác vào bình luận, tưởng là có bức xúc gì với nhà trường và thành ra to chuyện, thiếu tinh thần xây dựng”.
“Hơn nữa, khi học sinh phản ánh, góp ý với ban giám hiệu nhà trường mà chưa đúng thì sẽ được giải thích rõ ràng. Nhưng nếu ý kiến này được đưa lên mạng, khi chưa được xác minh, mọi người cho rằng sẽ nghĩ rằng điều đó là đúng, vào bình luận, bàn tán, khiến sự việc trở lên phức tạp”, thầy Cương lo ngại.
Thầy Cương cũng cho biết nhà trường luôn khuyến khích các em bày tỏ ý kiến về giáo viên. Thậm chí, trường đã từng thay giám thị khi nhận được sự góp ý của các học sinh.
Vì vậy, vị hiệu trưởng khẳng định nhà trường rất tôn trọng dân chủ và không đến mức các em bị “áp đặt, đè nén chỗ này mà phải tìm chỗ kia để giải tỏa", và cảm thấy buồn trước hành động của học sinh
Trước đây, khi đưa ra quy định về những điều cấm kỵ khi sử dụng mạng xã hội, nhà trường cũng đều yêu cầu các lớp tổ chức họp và thống nhất ý kiến của tất cả học sinh.
Đánh giá về trào lưu đang được rất nhiều bạn trẻ ưa thích này, thầy Cương cho rằng: “Giới trẻ hiện nay thấy có trào lưu gì mới là thích và tham gia theo kiểu a dua, bầy đàn. Có lẽ, một thời gian sau chắc các em cũng chán. Vì vậy, tôi nghĩ không phải các em ngại nói thẳng, hay bức xúc mà không tìm được nơi bày tỏ mà hành động như vậy”.
Qua sự việc này, vị hiệu trưởng bày tỏ: “Đôi khi vì muốn bày tỏ một chuyện tế nhị mà mình ngại nói tên. Nhưng dù có ẩn danh hay không, các em cũng nên có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Bởi phát ngôn bừa bãi có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường”.