Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi khả năng dẫn độ nghi phạm hành hạ trẻ em Campuchia

Có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể từ chối dẫn độ Dũng sang Campuchia; số khác lại cho rằng nghi phạm vi phạm pháp luật tại Campuchia, không thể bị chi phối bởi pháp luật Việt Nam.

Theo luật sư  Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội), Khoản 1 Điều 6 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 quy định: "Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này".

Căn cứ theo Điểm b Khoản 2, Điều 3 của Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia ký kết ngày 23/12/2013 (có hiệu lực ngày 9/10/2014) thì việc dẫn độ có thể bị từ chối trong các trường hợp sau: "Theo pháp luật của mình, bên được yêu cầu có thẩm quyền tài phán đối với tội phạm nêu trong yêu cầu dẫn độ. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền của bên được yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó".

Be trai Campuchia bi hanh ha anh 1
Nguyễn Thành Dũng. Ảnh: Facebook.

Còn Điểm a, Khoản 1 của Điều 344 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về từ chối dẫn độ thì "cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ chối dẫn độ, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Từ những căn cứ trên, luật sư Quynh cho rằng khả năng Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, An Giang - nghi can hành hạ bé trai Campuchia) không bị dẫn độ sang Campuchia để xử lý là rất cao. Khi đó, thanh niên này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật Việt Nam, do cơ quan tiến hành tố tụng trong nước thực hiện.

"Hành vi của Dũng như trong các clip thể hiện rõ là Hành hạ người khác. Tình tiết định khung trong trường hợp này là 'phạm tội đối với trẻ em' theo Khoản 2 Điều 110 Bộ Luật hình sự có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Quá trình điều tra, nếu đủ căn cứ thì Dũng có thể bị khởi tố thêm hành vi Cố ý gây thương tích hoặc tội khác", luật sư Quynh phân tích.

Ngược lại với ý kiến của đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nói: "Dũng có thể bị dẫn độ vì Việt Nam và Campuchia có ký kết Hiệp định dẫn độ. Anh này vi phạm pháp luật tại Campuchia thì không thể bị chi phối bởi pháp luật Việt Nam".

Trao đổi với Zing.vn một ngày trước, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết Dũng sẽ bị xử lý tại Việt Nam, theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

"Đó là nguyên tắc của mỗi quốc gia, mình có quyền tài phán của mình. Từ trước đến nay, chưa có trường hợp công dân Việt Nam nào bị dẫn độ sang một nước khác xử lý. Trường hợp của Dũng, nếu xác lập hành vi phạm tội, có đầy đủ chứng cứ, người này sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam", ông Quân nhấn mạnh.

Còn thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) thì nói: "Về mặt tố tụng, hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp, Dũng là người Việt và bị cảnh sát Việt Nam bắt nên chúng tôi đề nghị phía Campuchia cùng điều tra và chuyển hồ sơ cho bên này xử lý theo pháp luật Việt Nam".

Kẻ bạo hành trẻ Campuchia bị phát hiện khi cầm cố điện thoại

Dũng hết tiền xài nên mang điện thoại đi cầm cố, sau đó clip bạo hành trẻ Campuchia bị phát hiện và được phát tán lên mạng xã hội.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm