Theo đó, võ sĩ Imane Khelif (đến từ Algeria) sẽ thi đấu ở hạng cân 66 kg, và Lin Yu Ting (đại diện Đài Loan) sẽ tranh tài ở hạng cân 57 kg, AFP đưa tin.
Trước đó, tại giải quyền Anh thế giới năm 2023, Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (IBA) đã thực hiện xét nghiệm DNA với Khelif và Lin. Chủ tịch Hiệp hội Quyền anh Quốc tế, Umar Kremlev, cho biết xét nghiệm DNA đã chứng minh Khelif và Lin đều có nhiễm sắc thể XY nên bị loại khỏi nội dung thi đấu dành cho nữ.
Tại Olympic năm nay, IOC đã đưa ra tuyên bố thẳng thắn rằng họ sẽ không can thiệp để loại các võ sĩ khỏi cuộc thi. Quyết định của Ủy ban Olympic nhanh chóng gây ra làn sóng phản đối dữ dội, trong đó cựu võ sĩ Barry McGuigan cho biết ông "bị sốc".
Chủ đề gây tranh cãi
Vấn đề giới tính sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trong suốt Thế vận hội - đặc biệt là khi Khelif và Lin bước lên võ đài.
Khelif và Lin đều bị loại tại Giải vô địch thế giới ở New Delhi năm ngoái sau khi không vượt qua được bài kiểm tra giới tính của IBA.
Nhưng IBA đã chính thức bị loại khỏi Olympic vào năm ngoái sau một cuộc tranh chấp gay gắt và bị cấm tổ chức các trận đấu quyền Anh tại Olympic Paris 2024.
Vì vậy IOC đã thành lập Ban quyền Anh Paris 2024 (PBU) để thay thế. Các luật lệ PBU áp dụng thoáng hơn so với IBA nên Khelif và Lin đã được phép tham dự Olympic.
PBU sử dụng luật quyền Anh Olympic Tokyo 2020 (áp dụng tại Olympic được tổ chức năm 2021 và các vòng loại liên quan) làm cơ sở để xây dựng quy định của mình. Luật này được kế thừa từ luật của Olympic Rio 2016. PBU hạn chế sửa đổi luật thi đấu để giảm tác động đến sự chuẩn bị của VĐV, đảm bảo tính nhất quán giữa các kỳ Thế vận hội.
Việc Imane Khelif (ảnh trái) và Lin Yu Ting không vượt qua bài kiểm tra giới tính vào năm ngoái vẫn được thi đấu tại Olympic năm nay đã gây ra làn sóng phản đối. Ảnh: @imane_khelif_10, CNA. |
Tuy nhiên, hồ sơ nội bộ của IOC (được cung cấp cho các nhà báo tại Paris) vẫn ghi nhận tại giải Vô địch năm 2023 ở Ấn Độ, Khelif bị loại chỉ vài giờ trước trận chung kết gặp Yang Liu do nồng độ testosterone của cô vượt quá mức cho phép. IOC cũng thừa nhận Lin bị tước huy chương đồng vì không đáp ứng các yêu cầu về giới tính, dựa trên kết quả kiểm tra sinh hóa.
Nhưng IOC không bị lay chuyển bởi các cuộc tranh luận đang diễn ra.
Người phát ngôn của IOC, Mark Adams, trả lời các phóng viên rằng: "Tất cả VĐV tham gia thi đấu ở hạng mục nữ đều tuân thủ các tiêu chí đủ điều kiện".
"Họ là phụ nữ trong hộ chiếu và điều đó được ghi rõ, và họ là phụ nữ. Những vận động viên này đã thi đấu nhiều lần trong nhiều năm. Họ không bỗng nhiên xuất hiện trên sàn đấu", Adams nhấn mạnh.
Cơn giận dữ chia rẽ Paris
Giới tính của vận động viên đã gây chia rẽ Olympic Paris. Lập trường của IOC đã vấp phải những bình luận giận dữ từ nhiều nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, trong đó có cựu VĐV bơi lội người Mỹ Riley Gaines.
Gaines, kình ngư nổi tiếng với chiến dịch "thể thao trong sạch", đã gây xôn xao với những bình luận cô đưa ra trên X (Twitter) trong đoạn video lan truyền, thu hút hơn 4,7 triệu lượt xem, cho thấy Khelif đã giành chiến thắng trong một trận đấu nghiệp dư trước đó vào năm 2022.
Gaines đã gây ra phản ứng dữ dội với những bình luận gay gắt của mình, trong đó cô gọi Khelif là "võ sĩ quyền anh nam" và cho rằng Thế vận hội đang "vinh danh việc đấm vào mặt phụ nữ".
"Hãy tưởng tượng bạn là cô gái đã nỗ lực cả đời để tập luyện, trở nên đủ giỏi để giành được một suất tham dự Olympic, hy vọng giành được huy chương, rồi bỗng dưng bạn được bảo rằng phải đấu với một người đàn ông. Đó chính là thực tế bi thảm đối với những vận động viên nữ", cô đăng trên X.
Trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Australia với Zambia hôm 29/7 cũng trở thành chủ đề bàn luận quốc tế, liên quan đến màn thể hiện của tiền đạo Racheal Kundananji - người đã ghi hai bàn vào lưới đội tuyển Australia.
Tiền đạo Racheal Kundananji của tuyển bóng đá nữ Zambia cũng gây tranh cãi khi được phép thi đấu tại Olympic Paris. Ảnh: Shutterstock. |
Kundananji từng bị cấm tham dự giải đấu Cúp các quốc gia châu Phi năm 2022 sau khi "không vượt qua được bài kiểm tra đủ điều kiện về giới tính", do mức testosterone tự nhiên của cô cao hơn mức cho phép của Liên đoàn bóng đá châu Phi.
IOC trước đây đã giải quyết vấn đề đưa Kundananji vào cuộc thi. Cô đã chơi bóng đá quốc tế cho Zambia kể từ năm 2018.
Hôm 30/7, sau chiến thắng của đội bóng nữ Australia với Zambia, bình luận viên bóng đá người Australia Lucy Zelic đã chỉ trích việc đưa Kundananji vào đội hình trong một bài đăng trên X để "thảo luận về vấn đề nhạy cảm".
Zelic, đang là bình luận viên Thế vận hội cho đài phát thanh Nine, đã bày tỏ: "Chúng tôi có quyền đặt câu hỏi. Chúng tôi có quyền biết tại sao các bài kiểm tra xác minh giới tính không đạt yêu cầu được thực hiện vào năm 2022 lại bị FIFA hoàn toàn bỏ qua vào năm 2023 và tiếp tục bị bỏ qua vào năm 2024".
"Việc Ủy ban Olympic quốc tế không có những quy định 'nghiêm ngặt' khi xét nghiệm giới tính cũng ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức này và các môn thể thao được tổ chức", Zelic cho biết thêm.
Zelic là người chỉ trích thẳng thắn việc các VĐV chuyển giới được phép thi đấu ở môn thể thao dành cho nữ và cho rằng thật "đáng báo động" khi những lo ngại đó bị phớt lờ và dập tắt.
Adams cho biết việc xác định tiêu chí đủ điều kiện tham gia thể thao nữ là "rất phức tạp" và nên do các liên đoàn thực hiện.
"Mọi người đều muốn có một câu trả lời duy nhất, được hoặc không. Các liên đoàn cần đưa ra các quy tắc để đảm bảo sự công bằng nhưng cũng đảm bảo khả năng cho những ai muốn tham gia", Adams nhấn mạnh.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.