Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học, câu chuyện lạm thu tại các trường học lại được bàn tán sôi nổi và được dư luận xã hội quan tâm.
Dù ngành giáo dục và các địa phương đã có quy định rất rõ ràng về những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu và không được phép thu, ở nhiều nơi, các khoản thu sai quy định vẫn ngang nhiên tồn tại dưới mỹ từ "tự nguyện", "thỏa thuận" khiến không ít phụ huynh bức xúc.
Nhà trường không cho phép, phụ huynh nào dám thu
Là phụ huynh có con đang học tiểu học, chị Lê Quỳnh Nga (Kim Bảng, Hà Nam) cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường có mối quan hệ mật thiết bởi việc thu chi các khoản phải có sự cho phép từ phía hiệu trưởng.
“Cốt lõi vấn đề của các khoản thu thêm của hội phụ huynh phần lớn liên quan đến nhà trường. Nếu ban giám hiệu, lãnh đạo của cơ sở giáo dục nào cũng có trách nhiệm, công khai minh bạch, không bắt tay tư lợi, tình trạng lạm thu sẽ không bao giờ xuất hiện”, chị Nga nêu ý kiến và khẳng định thêm, nếu nhà trường không đứng ra “xi nhan”, khó có hội phụ huynh nào dám đứng ra thu thêm những khoản phụ phí như vậy.
Đầu năm, mỗi học sinh lớp 11A2 Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa phải đóng hơn 10 triệu đồng. Ảnh: NTCC. |
Bàn về việc có hay không sự đồng nhất giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh, cô Trần Thị Nhâm, giáo viên trường Tiểu học Tràng An (Đông Triều, Quảng Ninh), cho biết trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ làm việc với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng số tiền đó sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
“Thu chi tài chính phải có sự bàn bạc và được sự đồng thuận của hiệu trưởng trước khi quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí. Điều này cũng được pháp luật quy định rất rõ ràng. Vậy nên, không có chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh làm việc độc lập”, cô Nhâm nói.
Cần chấm dứt lạm thu ở trường học
Là một giáo viên, đồng thời cũng có con đang trong độ tuổi đến trường, cô Ngô Thị Lê (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) nhận định lạm thu là câu chuyện không mới và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường giáo dục. Để hạn chế điều này, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của hội phụ huynh khi vận động đóng góp tiền.
“Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu các quy định về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản ban đại diện cha mẹ học sinh được phép, không được phép thu. Từ đó, có sự đối sánh, tố giác những trường hợp vi phạm quy định để kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm thu mỗi dịp đầu năm học”, cô Lê nói.
Theo quan điểm của nhiều phụ huynh, để chấm dứt tình trạng lạm thu cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và chính các phụ huynh.
Bên cạnh đó, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong quá trình kiểm soát các khoản thu phí đầu năm. Xã hội hóa phải được thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không dùng mọi cách ép phụ huynh phải đóng cho đủ.
“Việc đề ra các khoản thu chi là việc của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng các khoản tiền đó phải được tham vấn ý kiến giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường. Vì vậy, nhà trường cần sát sao, minh bạch và có trách nhiệm góp ý cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Phải lên án, bài trừ những hành vi bắt tay tư lợi và kiên quyết bác bỏ những khoản thu, khoản chi không phù hợp, biến tướng”, chị Nguyễn Thị Tâm (Quế Võ, Bắc Ninh) nêu quan điểm.