Mới đây, Facebook cá nhân của dịch giả, nhà văn, nhà thơ Thái Bá Tân đăng tải status nêu quan điểm cá nhân về học tiếng Anh: Không bắt trẻ học thêm tiếng Anh.
Ông đặt vấn đề, người lớn, nhất là sinh viên không chịu học, lại bắt trẻ con nói chưa sõi học và mất cả "núi tiền".
Ý kiến cá nhân của ông Thái Bá Tân nhận được 1.500 lượt thích, gần 1.000 chia sẻ và rất nhiều bình luận. Phần lớn đồng ý với quan điểm này của tác giả.
Quan điểm của nhà thơ Thái Bá Tân về việc học tiếng Anh quá sớm. |
Trẻ em Việt chỉ nên học... tiếng Việt?
Bạn Duy Hân Trịnh viết: "Hoàn toàn đồng ý với thầy. Trẻ em Việt hãy học tốt tiếng Việt, dành đầu óc tư duy cảm quan thế giới và diễn tả tốt bằng tiếng Việt đã. Tiếng Anh hay ngôn ngữ gì đi nữa chỉ là công cụ mà khi lớn học một vài năm là được, đâu có gì ghê gớm mà bắt bọn trẻ phải nhồi nhét từ bé tí".
Tài khoản Facebook Diệp Nguyễn đang băn khoăn cho con đi học tiếng Anh hay không, cũng đồng quan điểm với nhà thơ: "Thương các bé chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ đã phải bập bẹ ngôn ngữ khác".
Nhiều gia đình đang có con ở độ tuổi mẫu giáo cũng đồng cảm với ông Thái Bá Tân. Anh Nguyễn Quang Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự, con anh năm nay 6 tuổi. Trước đây, vì kỳ vọng của gia đình, vợ chồng cho con học tiếng Anh từ năm 4 tuổi.
"Hiệu quả không thấy đâu mà chỉ thấy con mệt mỏi và không còn vui vẻ như trước. Vợ chồng mình quyết định cho con nghỉ. Các con tuổi còn nhỏ, việc chính vẫn là ăn và chơi, quan sát nhận biết tốt mọi thứ xung quanh, không phải việc cố gắng nhớ ABC là gì".
Trái lại, không ít gia đình bảo vệ quyết định cho con đi học tiếng Anh từ sớm, vì sợ trẻ không theo kịp chương trình ở lớp.
Chị Nguyễn Tú Quyên (sinh năm 1983) có con 5 tuổi tâm sự, chị biết nhiều nhà không cho con đi học trước, sau đó đến trường học chậm hơn các bạn, bị cô giáo đánh giá kém.
"Bây giờ không chỉ tiếng Việt đâu, mà tiếng Anh cũng cần. Lớp 1 mà con không có vốn tiếng Anh khá là bị tụt hậu so với bạn cùng lớp ngay", nữ phụ huynh nêu quan điểm.
Theo anh Trần Thanh Tùng (sinh năm 1973, Hà Nội), con lớn của anh không học tiếng Anh cho đến lớp 10. Khi các bạn bắt tay vào thi IELTS, tìm học bổng du học, viết luận, xem phim không phụ đề từ lâu, thì con anh vẫn chật vật với ngữ pháp, chia động từ, học từ mới.
"Rút kinh nghiệm, bé thứ hai nhà mình học tiếng Anh luôn từ lớp 1. Nói thật cũng không biết con sẽ tiếp thu được đến đâu, nhưng phải học cho chắc", anh Tùng nói.
Lớp học tiếng Anh miễn phí của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam dành cho các em nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Không coi nặng thành tích khi học tiếng Anh
Theo thành viên Phương Nguyễn, học ngôn ngữ cũng gần giống âm nhạc. Khả năng cảm âm của trẻ con rất tốt. Nếu học ngôn ngữ và âm nhạc từ nhỏ, các bé nghe và phát âm tốt hơn.
"Đây gọi là bilingual brain, được nghiên cứu rồi. Tất nhiên không nên cho con học kiểu nhồi nhét, mà tìm ra phương pháp dạy hợp lý để tạo hiệu quả tốt. Không thể không cho con tiếp xúc với tiếng Anh được", người này nói.
Còn Đỗ Mai Anh (nhân viên ngân hàng, Hà Nội) phát biểu, chị từng đi nhiều quốc gia, kể cả những nước không nói tiếng Anh, trẻ con cũng nói tiếng Anh rất tốt.
"Người Việt ta luôn kể về Thái Lan, Nepal, nhất là Singapore, Nhật Bản là trẻ con ở đó nói tiếng Anh rất tốt. Vì chúng được tiếp xúc và đầu tư học tiếng Anh từ rất sớm. Nếu trẻ Việt Nam không học sao có thể được như thế. Kinh tế, xã hội có phát triển hay không, dựa rất nhiều vào tiếng Anh, nhưng giờ lại bảo không nên cho học sớm. Lớp 10 mới học liệu có kịp không?", chị Mai Anh nêu câu hỏi.
Bùi Hồng Huy, du học sinh Bỉ, chia sẻ quan điểm, không thể đánh đồng tất cả những gia đình cho con đi học tiếng Anh sớm là bắt ép, nhồi nhét. Anh đồng ý rằng, hiện nay, nhiều gia đình không có điều kiện nhưng vì "thời thế" mà cho con đi học ở trung tâm đắt đỏ, vừa tốn kém lại không mang lại lợi ích.
"Thế nhưng nếu có phương pháp tốt, giáo viên tâm huyết, mức học phí phù hợp, chẳng có lý do gì không cho con đi học. Phụ huynh là người phải phân tích được có cho con đi học hay không. Có những đứa trẻ bộc lộ khả năng ngoại ngữ từ rất sớm. Với trường hợp này, cha mẹ hãy cho con học tiếng Anh".
Hồng Huy khẳng định, việc học gì cũng vậy, nếu là mong muốn của trẻ thì hãy đưa con đến lớp để giao lưu với thầy cô và các bạn bằng tiếng Anh. Được rèn luyện cách phát âm, phản xạ, tư duy trong môi trường ngôn ngữ khác hoàn toàn có lợi cho đứa trẻ và kích thích não bộ phát triển.
Nguyễn Hồng Mây, cô giáo 9X từng dạy tiếng Anh tại nhiều nước, nhận định, việc cho trẻ học tiếng Anh sớm không chỉ có ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới.
"Đây không phải mốt mà là khoa học. Rất nhiều gia đình chọn nói tiếng Tây Ban Nha, Pháp hay Đức để dạy con mình, vì khi ở trong môi trường có những ngôn ngữ khác nhau, ít nhiều con cũng tiếp nhận ngôn ngữ mới nhanh hơn, tai nhận âm tốt dẫn đến lưỡi và răng, môi sản xuất ra âm thanh đó chuẩn hơn, rõ hơn", nữ giáo viên 9X cho biết.
Cũng theo cô giáo này, khi trẻ còn nhỏ, không quá nhiều môn học và các mối lo khác, khả năng nhận biết, bắt chước và nhớ hiện tượng nhanh, chính xác hơn nhiều lần so với khi chúng lớn. Vậy việc cho trẻ đi học sớm là rất nên làm, tuy nhiên cho con đi học như thế nào, ở đâu, phương pháp gì là phù hợp thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
"Trẻ sẽ nghĩ bị bắt học nếu bé không thích và không hứng thú, cảm thấy không thoải mái khi đến lớp, không có cảm giác thành công và được động viên. Còn trẻ vui vẻ đến lớp và tha thiết được đi học vì chúng yêu việc được thể hiện quan điểm bằng ngôn ngữ mới thì tại sao lại không?", Hồng Mây đưa câu hỏi.
Mây chia sẻ ý kiến, học gì cũng vậy, đừng coi đó là cuộc chạy đua mà là quá trình khám phá tìm hiểu khả năng và đam mê của chính đứa trẻ.
Đồng quan điểm với Hồng Mây, cô Nguyễn Thị Ngọc (giáo viên tiếng Anh THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) cho rằng, chính cha mẹ là người quyết định con có nên học tiếng Anh sớm không.
"Độ tuổi nên tiếp xúc tiếng Anh là từ khi trong bụng mẹ. Bố mẹ có thể cho con nghe nhạc, hoặc nói tiếng Anh cho con quen. Cứ như vậy đến khoảng 3 tuổi thì có thể cho con làm quen với sách tranh, bài hát, trò chơi bằng tiếng Anh. Độ tuổi lý tưởng học ngôn ngữ mới ở trẻ là từ 4 đến 8 tuổi".
Cô Ngọc khẳng định, việc học tiếng Anh sớm là tốt cho não bộ của trẻ. Nhưng tất nhiên, phải tìm ra phương pháp học hợp lý, không nặng thành tích.