![]() |
Tác phẩm chuối dán tường giá 6,2 triệu USD. Ảnh: Reuters. |
Joe Morford, nghệ sĩ tại California, từng hy vọng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ công nhận ông là người đầu tiên tạo ra tác phẩm nghệ thuật với trái chuối dán lên tường. Tuy nhiên, ngày 8/4, Tòa án Tối cao đã bác đơn kháng cáo của ông, khép lại hành trình pháp lý kéo dài nhiều năm.
Trước đó, Morford đã kiện nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan - tác giả của tác phẩm nghệ thuật “Comedian” (Danh hài), vốn từng gây bão tại Art Basel Miami năm 2019 và được bán với giá khoảng 6,2 triệu USD. Morford cho rằng Cattelan đã sao chép ý tưởng từ tác phẩm “Bananas and Oranges” (Chuối và Cam) mà ông thực hiện từ năm 2000.
Tác phẩm của Morford bao gồm trái chuối và trái cam - đều là trái cây nhựa - được gắn trên các tấm bảng xanh hình chữ nhật. Trong khi đó, Cattelan sử dụng một trái chuối thật, được dán trực tiếp lên tường trắng bằng băng keo xám, với các thông số cụ thể như độ cao so với sàn nhà hay chiều dài miếng băng keo đều được niêm phong hồ sơ.
Tòa sơ thẩm tại bang Florida, do Thẩm phán Robert Scola Jr. chủ trì, nhận định hai tác phẩm không có mức độ tương đồng đủ lớn để vi phạm bản quyền. Ông cũng cho rằng Morford không chứng minh được Cattelan từng xem hoặc biết đến tác phẩm của mình, vốn chỉ được công bố rất hạn chế trên mạng và có mức độ phổ biến thấp.
Một trong những lập luận của Morford là góc nghiêng của trái chuối trong hai tác phẩm khá giống nhau. Tuy nhiên, thẩm phán Scola phản bác: "Có rất ít góc để có thể dán một trái chuối lên tường". Ông từ chối thiết lập “giới hạn pháp lý đáng kể nào về số cách mà một trái chuối có thể được dán lên tường”.
Phán quyết của tòa sơ thẩm được Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 11 tại Atlanta giữ nguyên, trước khi Morford kháng cáo lên Tòa án Tối cao và bị từ chối.
Cattelan trong quá trình xét xử khẳng định ý tưởng của ông xuất phát từ một tác phẩm cũ từng thực hiện cho tạp chí New York Magazine năm 2018, trong đó một trái chuối được treo lên bảng quảng cáo bằng băng keo đỏ. Các trợ lý của ông cũng làm chứng đã thử nhiều vị trí và góc độ khác nhau để chọn ra hình thức phù hợp nhất cho “Comedian”.
Morford, người tự đại diện trong phiên kháng cáo, chia sẻ trong đơn gửi Tòa Tối cao rằng ông hiểu tác phẩm của mình có vẻ đơn giản, nhưng việc bảo vệ quyền tác giả là điều cần thiết. “Vâng, chỉ là một trái chuối ngu ngốc dán lên tường. Nhưng nếu bản quyền chỉ dành cho những tác phẩm nổi tiếng hoặc thành công, thì khái niệm bảo vệ bản quyền là một sự giả tạo”, ông viết.
Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở
Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.