Trong vài tuần qua, âm thầm nghỉ việc đã nổi lên như một xu hướng nhờ nền tảng TikTok. Trào lưu tiêu cực này về cơ bản không hướng tới việc thực sự từ bỏ mà chỉ là để được làm lượng công việc ít nhất có thể, theo New York Post.
“Không phải bạn từ bỏ hoàn toàn công việc của mình mà chỉ đang bỏ đi ý nghĩ cố gắng phấn đấu. Bạn vẫn làm những công việc thường ngày nhưng không phải với cường độ hối hả như trước nữa”, một trong những người mở đầu cho xu hướng này trên TikTok cho hay.
Tư tưởng thích nghỉ ngơi đang trở thành trào lưu trong giới trẻ. Ảnh: New York Post. |
Hưởng ứng một cách mù quáng
Ví dụ điển hình để định nghĩa cho âm thầm nghỉ việc là các clip dạng tiểu phẩm. Thậm chí còn có người lập kênh TikTok chỉ để đăng các nội dung xoay quanh đề tài “quiet quitting”. Cụ thể, trong số đó có một video đạt hơn 6 triệu lượt xem, diễn tả lại cảnh đi làm của một cô gái trẻ.
Cô tới nơi làm sát giờ tới từng phút, vui vẻ nói chuyện phiếm trong giờ làm và tự cho rằng chỉ cần gọi 50 cuộc thay vì 500 theo chỉ tiêu. Khi cấp trên tới yêu cầu nhận thêm nhiệm vụ, cô không ngần ngại nói: “Đã là 2022 rồi, chúng tôi làm theo mức lương mình được nhận nên đừng giao thêm việc cho tôi”.
Nhiều người hưởng ứng với tư tưởng làm ít chơi nhiều. Ảnh: New York Post. |
Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những video với nội dung tương tự. Mặc dù vô lý và lố bịch, nó đang trở thành động lực thúc đẩy tư tưởng này phổ biến hơn.
Hàng loạt lời hưởng ứng với hành động trong các clip được chia sẻ ở phần bình luận. Nhiều người cũng nhận thấy nếu làm vậy trong thực tế sẽ có khả năng thất nghiệp. Tuy nhiên, có thể do phúc lợi xã hội ngày càng tốt đã khiến nhiều người trẻ không còn quá lo lắng về công việc.
“Nếu muốn tôi nỗ lực và tiến lên thì lương của tôi cũng phải được tăng theo như vậy”, một tài khoản viết.
Không dừng lại ở đó, có ý kiến còn cho rằng nhân viên làm đúng phần việc của họ là điều may mắn. Có người chia sẻ mình đã cố tình làm ít đến nỗi mà tiền lương nhận về chẳng khác nào “cướp” được.
Một người khác đưa ra quan điểm: “Khi làm ít đi, tôi có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Hãy làm ít hơn nữa”.
Sự thụt lùi
Thế hệ trẻ ngày nay đang sống trong cảnh lạm phát nghiêm trọng. Các khoản chi tiêu như nhà ở, đồ dùng, nhu yếu phẩm ngày càng tăng. Mức lương thực tế giảm xuống. Và nền kinh tế hiện trong tình trạng tệ hơn bao giờ hết.
Theo Brad Polumbo, nhân viên chính sách tại Quỹ Giáo dục Kinh tế, ở hoàn cảnh này, âm thầm nghỉ việc là suy nghĩ xấu xa và nó chỉ khiến cho người trẻ ngày càng kém đi.
Những tư tưởng tương tự với “quiet quitting” đang "ăn mòn" chí tiến thủ ở giới trẻ. Ảnh: Forbes. |
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, số lượng việc làm tuy đang còn nhiều nhưng sẽ sớm bị lấp đầy. Khi số lượng lao động đã đủ và dần thừa ra, những người công khai chia sẻ về âm thầm nghỉ việc sẽ là đối tượng bị đào thải đầu tiên.
“Họ có thể tự hào khoe khoang mình đã làm ít ra sao và chểnh mảng như thế nào trên mạng xã hội nhưng đó cũng sẽ là cơ sở khiến họ mất đi việc làm trong tương lai”, ông cho biết.
Ngay cả khi không đăng tải hay nói về điều đó, những người ủng hộ tư tưởng này và lười biếng trong công việc cũng vẫn sẽ phải đối mặt với việc bị đuổi. Đây chính là viễn cảnh nhiều người đang tự chuốc lấy chỉ vì có ý nghĩ lệch lạc.
Hệ quả kéo dài
Polumbo cũng chỉ ra rằng không chỉ có nguy cơ mất việc làm, những người này còn đang ngầm phá hoại chính triển vọng về tài chính và nghề nghiệp trong lâu dài của mình.
“Bạn sẽ không có cơ hội thăng tiến nếu chỉ làm lượng công việc tối thiểu. Khi cơ hội ở công ty được mở ra, cấp trên rõ ràng sẽ chỉ nâng đỡ cho nhân viên làm việc chăm chỉ, tận tụy và thực sự tích cực chứ không phải người luôn làm lượng việc ít nhất có thể”, ông chia sẻ.
Người trẻ cần nhận thức rõ rằng làm việc chăm chỉ sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Ảnh: The Independent. |
Theo Econ 101, lý thuyết về kinh tế học cổ điển, năng suất của người lao động sẽ phản ánh rõ rệt trong mức thu nhập dài hạn họ nhận được.
Điều này là do trong một thị trường đầy tính cạnh tranh, khi nhân viên nỗ lực tạo ra nhiều giá trị họ sẽ nhận lại khoản thu xứng đáng từ người quản lý. Nếu không trả công phù hợp, họ có thể nghỉ việc và tới làm ở những công ty có chính sách tốt hơn.
Theo Polumbo, đối với những người có năng lực, nhiều công ty sẵn sàng mời chào các vị trí cao và mức lương hậu hĩnh hơn để thuê họ về làm việc. Chỉ cần là người có khả năng đem lại nhiều giá trị, các doanh nghiệp sẽ không ngần ngại trả giá.
Ông cũng cho rằng đây là lý do mọi người nên cố gắng để vươn xa.
“Trào lưu âm thầm nghỉ việc là hoàn toàn nhảm nhí. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nhiều người trẻ lại tán thành với hệ tư tưởng độc hại này. Nó chỉ khiến họ tự chuốc lấy thất bại và khó khăn”, ông kết luận.