Phương Nguyên (bên trái) trong mẫu váy cưới đính cườm mà mẹ mình (ảnh phải) yêu thích nhất. |
Nhìn những bộ váy được Phương Nguyên (24 tuổi, Hà Nội) mặc trong bộ ảnh, bạn bè tỏ ra ngạc nhiên bởi các thiết kế khá lạ so với mẫu váy hiện đại, thường thấy. Ít ai biết đây là 3 mẫu váy được mẹ của cô mặc trong ngày cưới cách đây 27 năm.
Chia sẻ với Zing, Phương Nguyên tâm sự trong một lần gia đình sửa nhà, cô vô tình tìm thấy những chiếc váy cưới mà mẹ cất giữ cẩn thận trong tủ. Ba chiếc váy khác nhau về màu sắc, chất liệu và phong cách thiết kế.
Trước đây, mẹ của cô là thợ may. Các mẫu váy cưới tự do bà chọn lựa kỹ lưỡng, chi số tiền tương đương một chỉ vàng theo giá trị bấy giờ.
“Những chiếc váy của mẹ đến nay vẫn không lỗi thời. Vốn dĩ xu hướng vẫn luôn lặp lại, những mẫu váy cổ điển vẫn tạo được vẻ ngoài rất thời trang, nhất là khi chụp ảnh”, Phương Nguyên nói.
Hai trong 3 mẫu váy cưới được mẹ của Phương Nguyên mặc cách đây gần 3 thập kỷ. |
Chiếc váy cưới của mẹ
Theo Phương Nguyên, vào thời cha mẹ mình, cô dâu thường chỉ mặc 1-2 chiếc áo dài hoặc váy cưới trong ngày thành hôn. Nhưng mẹ cô lại diện đến 3 mẫu váy, cùng gia đình chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Trong đó, bà yêu thích nhất mẫu màu trắng, đính nhiều hạt cườm lấp lánh.
Sau gần 30 năm, nhờ được giữ gìn tốt, những chiếc váy vẫn giữ được phom dáng, màu sắc cùng những chi tiết đính kết tỉ mỉ.
“Tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc váy màu đen. Thiết kế váy ngang vai với chất liệu vải ánh kim khiến người mặc trở nên sang trọng và quý phái hơn hẳn. Gần 3 thập kỷ trước, tôi nghĩ không có nhiều cô dâu mặc váy đen trong lễ cưới”, cô nói.
Đối với Phương Nguyên, những chiếc váy cưới của mẹ rất đẹp và mang nhiều kỷ niệm ý nghĩa, do vậy cô xin phép mẹ để được mặc trong bộ ảnh cưới của mình. Đây cũng là cách cô “xin vía” để có được cuộc hôn nhân hạnh phúc, viên mãn như cha mẹ.
Tú Anh diện chiếc váy cưới đơn giản nhưng chứa nhiều kỷ niệm của mẹ. |
Tương tự Phương Nguyên, Tú Anh (23 tuổi, Hà Nội) cũng tái hiện hình ảnh của mẹ trong bộ váy cưới có tuổi đời 30 năm. Váy cưới của mẹ cô có màu trắng, dáng suông, thiết kế khá đơn giản. Đây là kiểu váy góp phần làm nổi bật khuôn mặt sắc sảo của cô dâu.
Chia sẻ với Zing, Tú Anh cho biết những ngày còn bé, cô thường tưởng tượng hình ảnh mẹ lung linh trong chiếc váy cưới. Để hiện thực hóa liên tưởng đó, cô quyết định mặc lại áo cưới của mẹ và chụp hình.
Khi thực hiện bộ ảnh, Tú Anh đã phải tự thiết kế thêm chiếc voan đội đầu từ vải màn bởi tấm voan mẹ đội ngày cưới đã bị thất lạc từ lâu.
“Mặc dù được mẹ nâng niu, váy cưới vẫn xuất hiện vài vệt ố. Đối với tôi, đó chính là dấu tích của thời gian và minh chứng cho tình yêu của cha mẹ suốt 3 thập kỷ”, cô xúc động tâm sự.
Hiện nay, thời trang cưới đã thay đổi nhiều so với trước kia. Những chiếc váy cưới hiện đại có nhiều kiểu dáng, từ đuôi cá đến bồng bềnh. Tuy nhiên, Tú Anh luôn dành tình cảm đặc biệt cho tấm áo cưới cổ điển khi xưa.
Cô cũng có ý định thực hiện bộ ảnh cưới theo phong cách vintage. Trong bộ ảnh, Tú Anh sẽ mặc váy cưới của mẹ một lần nữa. Mặc cho chiếc váy trắng không vừa vặn với cơ thể, cô không muốn sửa chữa.
“Trong đám cưới, tôi sẽ diện một thiết kế cho riêng mình chứ không mặc váy của mẹ nữa. 30 năm sau, biết đâu con gái cũng muốn tái hiện hình ảnh của tôi khi còn trẻ”, cô bày tỏ.
Xuân Nhi tỏa sáng trong ngày cưới với chiếc áo dài đỏ của mẹ. |
Khác với Phương Nguyên và Tú Anh, Xuân Nhi (24 Tuổi, Phan Thiết) không chỉ mượn áo dài cưới của mẹ để chụp hình mà còn diện trong ngày vu quy.
Trong đám cưới của mình, cô quyết định tái sử dụng bộ đồ cưới mà mẹ nâng niu thay vì chọn một thiết kế tân thời.
Khi nghe về mong muốn của Xuân Nhi, các thành viên trong gia đình đều bất ngờ.
Mẹ của cô nói rằng chiếc áo dài này không còn mới và đề nghị may cho cô một chiếc váy cưới khác. Tuy nhiên, Nhi không đồng ý và nhờ mẹ sửa tấm áo dài cũ theo số đo của mình.
“24 năm trước, mẹ tôi diện tấm áo cùng quần trắng. Trong đám cưới mình, tôi đã đổi sang mặc một chiếc quần đỏ đồng màu”, cô kể lại.
Theo chia sẻ của Xuân Nhi, khi nhìn thấy con gái xuất hiện bên cạnh chàng rể với chiếc áo dài cưới năm xưa, mẹ cô đã lén lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc.
“Mẹ đã thấy lại hình ảnh của chính mình ngày lễ thành hôn. Đó không chỉ là ngày cưới của tôi mà còn là ngày đặc biệt trong cuộc đời mẹ”, Xuân Nhi nói.
Đến bây giờ, chiếc áo dài đặc biệt vẫn được cô treo trang trọng trong tủ quần áo. Xuân Nhi mong rằng chiếc áo dài cưới này còn được các thế hệ sau mặc lại.
Đằng sau chiếc váy cưới
Xuân Nhi tâm sự chiếc áo dài cưới là kỷ vật mà cha may tặng mẹ nhân ngày thành hôn. Đối với mẹ, đó là món quà quý giá nhất, bà luôn gìn giữ như minh chứng cho tình yêu của hai vợ chồng.
“Mẹ tôi tâm sự rằng vào thời đó, các cặp cô dâu chú rể thường đi thuê áo cưới để tiết kiệm chi phí. Cha là người hiếm hoi tự may áo dài cho vợ và cả vest cưới cho mình. Tuy nhiên, bộ vest của cha đã bị thất lạc trong những lần dọn đồ hoặc chuyển nhà, chỉ còn chiếc áo dài vẫn còn nguyên”, Nhi cho biết thêm.
Trong những năm tháng đồng hành bên nhau, cuộc sống của cha mẹ cô có nhiều nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, cả hai vẫn nắm chặt tay nhau đi qua 24 năm thăng trầm. Đó cũng chính là nguồn động lực lớn lao để Xuân Nhi vun đắp gia đình nhỏ hiện nay.
Chiếc áo dài cưới là món quà mà cha Xuân Nhi tự tay may tặng người vợ của mình. |
“Cuộc hôn nhân của cha mẹ là biểu tượng tình yêu trong lòng tôi. Vì vậy, tôi luôn thầm nghĩ mình nhất định phải mặc chiếc áo dài may mắn của mẹ trong ngày cưới”, cô chia sẻ.
Trong khi đó, Phương Nguyên trân quý ba chiếc váy cưới của mẹ bởi đó còn là kỷ vật duy nhất cha để lại cho mẹ trước khi qua đời.
Biến cố gia đình ập đến khi ông qua đời năm Nguyên học lớp 6. Một mình nuôi 3 con, mẹ cô phải đối mặt với áp lực kinh tế lớn. Trong giai đoạn khó khăn, bà không có thời gian chăm sóc bản thân.
“Tiền mua thức ăn cho các con còn thiếu, mẹ không còn đồng nào sắm sửa cho mình. Tôi thấy mẹ mặc lại vài bộ quần áo nhiều lần. Những chiếc áo sờn vải, đứt khuy, mẹ vẫn ngồi cần mẫn khâu vá và mặc lại”, Phương Nguyên xúc động.
“Sau khi nhìn thấy 3 chiếc váy cưới cầu kỳ và kiểu cách, tôi mới nhớ ra mẹ cũng từng là một thợ may có tiếng. Mẹ tôi nâng niu những chiếc váy như tài sản quý giá. Ngày bé, chị em tôi từng lôi váy của mẹ ra nghịch và bị phạt nặng. Bây giờ, tôi đã lớn nên mới được mẹ cho phép mặc thử và chụp hình”, cô kể thêm.
Chiếc váy cưới của mẹ Tú Anh lại ẩn chứa một câu chuyện khác. Ngày cha mẹ thành hôn, quê nhà còn chưa có điện và việc chụp ảnh cưới khi đó được coi là chuyện hoang đường.
“29 năm trước, cha mẹ tôi chỉ có thể tổ chức một đám cưới nhỏ và về chung sống. Đây là điều thiệt thòi của thế hệ cha mẹ so với chúng ta ngày nay”, cô chia sẻ.
Suốt nhiều năm, mẹ Tú Anh vẫn giữ gìn cẩn thận bộ váy cưới. Ngày kỷ niệm 20 năm lễ thành hôn, mẹ còn lấy chiếc váy ra mặc lại. Khi đó, cô không biết đây là váy cưới kỷ niệm nên lỡ lời chê khiến mẹ giận mấy hôm.
“Vì không được chụp ảnh trong ngày trọng đại, trang phục cưới là món đồ kỷ niệm duy nhất mẹ còn giữ. Qua nhiều lần dọn nhà, mẹ vẫn cố gắng bảo quản chiếc váy đặc biệt”, cô nói.
Trước đây, mẹ không cho Tú Anh động vào món kỷ vật đó vì sợ hư hỏng. Khi biết nguyện vọng của con gái muốn thay mẹ ghi lại hình ảnh chiếc váy, bà đã xúc động trao tấm váy trắng cho cô.
Theo NYPost, xu hướng mặc lại váy cưới của mẹ đang phổ biến khắp thế giới. Thay vì chọn những thiết kế hiện đại, các cô dâu muốn tái sử dụng chiếc váy cổ điển của mẹ trong ngày trọng đại. Họ đang đưa thời trang thập niên 1980 trở lại các lễ đường.
Một số cô dâu muốn giữ nguyên áo cưới cũ và chỉ thay đổi số đo để vừa vặn với cơ thể. Một số khác lại biến tấu váy cưới của mẹ bằng cách cắt ngắn hoặc khoét cổ sâu hơn. Với sự trợ giúp của các nhà thiết kế, váy cưới của mẹ trở nên mới mẻ và phù hợp xu hướng thời trang đương đại.
Các nhà thiết kế tại Mỹ cho biết gần đây họ nhận được nhiều yêu cầu tái chế áo cưới cũ hơn các đơn hàng mới. Nhiều cô dâu muốn xuất hiện ý nghĩa trong đám cưới. Việc tái hiện hình ảnh mẹ từ 30-40 năm trước chính là ước mơ của các cô gái.