Bé nhà tôi năm nay 3 tuổi, mắc bệnh chân tay miệng ngày thứ 2. Xin hỏi bác sĩ tôi nên cho con ăn những loại thực phẩm nào và có cần kiêng gì không?
Bác sĩ Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Đây là bệnh do virus gây ra nên cha mẹ cần cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con để nâng cao sức đề kháng và nhanh hồi phục. Chế độ dinh dưỡng cho bé cần đảm bảo đầy đủ các chất đạm, mỡ, đường, vitamin và khoáng chất. Lượng nước cũng cần đảm bảo cung cấp đủ theo độ tuổi, bao gồm cả nước trong bữa ăn, nước quả chín và sữa.
Đặc biệt, khi trẻ bị mắc bệnh, bạn cần chú ý cho bé ăn đủ đạm, vitamin, kẽm, giúp nhanh lành vết thương. Phụ huynh không nên bắt trẻ quá kiêng khem làm con thêm chán ăn, mệt mỏi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
Bạn có thể cho con ăn thêm các loại quả có nhiều vitamin C như: Cam, ổi, nho, quýt, kiwi, bơ, chanh dây… Tuy nhiên, trẻ cũng cần hạn chế ăn những quả quá ngọt, lượng đường cao như mít, vải, nhãn…
Ngoài ra, phụ huynh có thể bổ sung cho con các loại vitamin tổng hợp, khoáng chất được các nhà sản xuất tính đúng theo nhu cầu của trẻ.
Khi chế biến, phụ huynh nên để đồ ăn nên ở dạng lỏng, mềm để trẻ dễ nuốt. Món ăn cần được thay đổi và chia làm nhiều bữa nhỏ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Trẻ bị tay chân miệng thường nổi nốt ban loét ở niêm mạc miệng nên cần tránh ăn thực phẩm cay, nóng, chua. Bên cạnh đó, trẻ cũng không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ. Nhóm thực phẩm này thường khó tiêu hóa và không tốt với sức khỏe của trẻ đang bị bệnh.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.