Khi thời tiết giao mùa, trẻ em mắc viêm đường hô hấp lại tăng cao. Ảnh: Blog.aegon. |
Trong thời gian gần đây, khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, thường xuyên có số lượng bệnh nhân trên 50, cao điểm có thể lên đến 70 trường hợp. Các bác sĩ cho biết bệnh nhi nhập viện với bệnh hay gặp khi thời tiết giao mùa như tiêu chảy, cảm cúm, sốt và nhiều nhất là bệnh viêm đường hô hấp.
Dấu hiệu trẻ viêm đường hô hấp
Để thuận tiện cho việc nhận biết và điều trị bệnh, các nhà chuyên môn chia viêm đường hô hấp (VĐHH) thành 2 loại, tùy theo vị trí tổn thương.
Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm các trường hợp viêm mũi - họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa, ho và cảm lạnh. VĐHH trên thường gặp và diễn biến nhẹ. VĐHH dưới ít gặp hơn nhưng thường nặng, bao gồm các trường hợp viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Những virus thường gặp gây VĐHH ở trẻ em gồm: Virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, virus á cúm, virus sởi, Adenovirus (còn gọi là virus hạch), Rhinovirus, Enterovirus, cornavirus...
Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, căn nguyên nhiễm khuẩn vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) ở trẻ em là: Hemophilus influenzae, liên cầu, tụ cầu, Bordetella, Klebsiella pneumoniae, Chlamydia trachomatis..
Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên được chia làm 2 loại là cấp tính và mạn tính. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng. Trẻ em dưới một tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi khám họng, niêm mạc họng trẻ đỏ rực, sau đó các dấu hiệu trên mất đi.
Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi. Khi bị VĐHH cấp tính mà không được điều trị hoặc không dứt điểm, bệnh rất dễ chuyển thành mạn tính. Triệu chứng của VĐHH mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng. Đặc biệt, trẻ em thường là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi).
Một số trẻ bị viêm VA mạn tính kéo dài với căn nguyên do vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh. Ngoài chảy mũi, trẻ ngủ thường thở bằng miệng.
Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng. Ảnh: Bzi. |
Viêm tai giữa cấp cũng là một biến chứng hay gặp của nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, chúng sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai.
Viêm đường hô hấp dưới
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, viêm phế quản phổi là tổn thương viêm cấp tính lan tỏa cả phế nang, mô kẽ lẫn phế quản, khởi đầu thường do các tác nhân virus, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc cả hai.
Bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn nhẹ đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, rất dễ bị viêm phế quản phổi. Trẻ viêm phế quản phổi ở giai đoạn khởi phát chỉ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém.
Ở giai đoạn toàn phát, trẻ sốt cao hoặc có thể bị hạ nhiệt độ, ho khan, chảy nước mũi và bắt đầu xuất hiện đờm. Lúc này, trẻ thấy khó thở, cánh mũi phập phồng, thở nhanh. Trẻ sơ sinh, đang còn bú, có những triệu chứng và dấu hiệu: Trướng bụng, da xanh tím, giảm trương lực cơ...
Cách xử trí
Điều quan trọng trong thái độ xử trí VĐHH là lựa chọn được cách điều trị thích hợp cho trẻ. Các bác sĩ khoa Nhi cho rằng không phải bất cứ trường hợp VĐHH nào cũng được chỉ định dùng thuốc kháng sinh hay cho nhập viện điều trị nội trú. Tuy nhiên, không phải vì coi nhẹ VĐHH, mọi trường hợp mắc bệnh đều được tự điều trị tại nhà và theo dõi qua loa.
Các trường hợp trẻ chỉ có ho, chảy mũi, không thở nhanh, không có rút lõm lồng ngực hay các dấu hiệu nặng khác như co giật, li bì, bỏ bú... được nhận định là không viêm phổi. Các biện pháp điều trị bao gồm khuyến khích sử dụng thuốc ho an toàn sẵn có như hoa hồng bạch hấp đường phèn, húng chanh hấp mật ong... Trẻ có thể dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt cao.
Trường hợp nhiễm khuẩn mức độ vừa, trẻ có dấu hiệu thở nhanh nhưng chưa có các biểu hiện nặng và biến chứng. Lúc này, thuốc kháng sinh bắt đầu được sử dụng. Bác sĩ cho trẻ uống liều thuốc đầu tiên tại các cơ sở y tế (trạm y tế, phòng khám ngoại trú...) rồi hướng dẫn cho người chăm trẻ biết cách cho bé uống thuốc tại nhà và chăm sóc trẻ. Trẻ cần được hẹn đến khám lại sau 2 ngày.
Trường hợp nặng, trẻ có các dấu hiệu như rút lõm lồng ngực, thở rít hay kèm theo li bì, co giật, bỏ bú... Đây là các trường hợp cần được cấp cứu. Cha mẹ cần phải tìm mọi cách đưa trẻ đến ngay bệnh viện, các trung tâm y tế có đủ phương tiện tốt để cấp cứu và điều trị.