Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ con nên ăn bao nhiêu quả trứng mỗi ngày?

Trứng là món ăn mềm, dễ chế biến, hương vị ngon, nhiều chất dinh dưỡng được rất nhiều trẻ em ưa chuộng. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần lưu ý khi chiều theo sở thích này của con.

Trứng là món ăn khoái khẩu của rất nhiều trẻ em. Thực phẩm này có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như rán, chưng, hấp, nấu canh vừa bắt mắt bởi màu vàng óng vừa ngon miệng.

Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cho rằng thực phẩm này được trẻ em yêu thích do có vị thơm ngon, mềm nên dễ ăn.

Không chỉ ngon miệng, trứng còn là một trong những thực phẩm có lượng chất đạm cân đối, đủ các axit amin, giàu vitamin, khoáng chất. Bác sĩ Lâm còn cho biết tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa. Vì vậy, đây là món ăn có thể xuất hiện thường xuyên trong thực đơn dành cho bé.

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng này cho rằng cha mẹ không nên chiều theo sở thích mà cho trẻ ăn quá nhiều trứng. Khi đó, trẻ dễ bị chướng bụng, không thể tiêu hóa hết năng lượng và phải đào thải ra ngoài, đôi khi dẫn đến hiện tượng phân sống. Hàm lượng protein cao trong thực phẩm này có thể khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải, gây ra hiện tượng táo bón.

Protein trong trứng không được phân giải hết dễ sinh ra những độc chất như amine, phenyl hydrad gây nguy hại cho sức khoẻ. Ngoài ra, trong trứng có chứa một hàm lượng lớn cholesterol nên nếu trẻ ăn nhiều trứng trong một thời gian dài có thể dẫn đến xơ hoá động mạch.

Vì vậy, các mẹ cần lưu ý khi trẻ bắt đầu ăn dặm có thể thêm trứng vào thực đơn hàng nhưng với lượng vừa đủ. Cụ thể, từ 6-7 tháng tuổi, mẹ chỉ nên cho con ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, 2-3 lần/tuần. Từ 1-2 tuổi trẻ có thể ăn được cả lòng trắng, khoảng 3-4 quả/tuần. 2 tuổi trở lên, bé có thể ăn một quả mỗi ngày.

Do hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, nên bác sĩ Lâm còn khuyến cáo các bà mẹ không được cho con ăn trứng sống hoặc đánh tan trong cháo nóng mà nên nấu chín. Bởi vi khuẩn có thể qua vỏ trứng xâm nhập bên trong, nếu còn sống, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.

Khi rán hoặc ốp la trứng các bà mẹ cũng nên lưu ý sử dụng lửa vừa, để món ăn chín đều và không bị cháy sém. Lòng trắng trứng khi bị cháy sẽ khó hấp thu, đồng thời tiêu hủy các vitamin tan trong nước như B1, B2.

Nếu ăn trứng gà sống, tỷ lệ hấp thu các chất và tiêu hóa chỉ được 40%, luộc 100%, rán chín tới 98,5%, ốp la 85%, chưng 87,5%. Vì vậy, các bà mẹ cần cân nhắc khi lựa chọn cách chế biến cho trẻ.

Đối với trẻ đang có vấn đề về đường tiêu hóa, thận, bác sĩ Lâm khuyên cha mẹ khi sử dụng trứng phải dựa trên tổng lượng đạm được cho phép.

Bên cạnh đó, dù trứng giàu đạm nhưng với những trẻ suy dinh dưỡng, gầy yếu, cha mẹ cũng chỉ được phép cho con ăn như bình thường (1 quả/1 ngày), và cần phải bổ sung các thực phẩm khác như sữa, thịt, cá, rau, củ quả.

Những món trứng gây tranh cãi

Ăn trứng ngỗng giúp con thông minh, trứng nấu cà chua có độc, tác dụng thực sự của món trứng vịt lộn là những vấn đề khiến nhiều người tranh cãi.

A.H

Bạn có thể quan tâm