Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ em bị bắt nạt dễ trầm cảm và 'tìm quên' trong chất kích thích

Theo một nghiên cứu mới, trẻ em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường có nhiều nguy cơ nghiện rượu và sử dụng ma túy trong những năm vị thành niên.

Đây là kết quả của quá trình thu thập, phân tích dữ liệu của rất nhiều công trình nghiên cứu, được các trường đại học và bệnh viện thuộc 6 tiểu bang Mỹ thực hiện, trong giai đoạn từ năm 2004-2011.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Valerie Earnshaw, chuyên gia tâm lý học thuộc Đại học Delaware, các em trong độ tuổi từ 10-11 (tương đương với học sinh lớp 5) thường xuyên bị bắt nạt sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm ở lớp 7 (12-13 tuổi). Nhiều em có xu hướng sử dụng rượu, cần sa hay thuốc lá ở lớp 10 (15-16 tuổi).

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi 4.297 em học sinh lớp 5 suốt một thời gian dài cho đến khi các em học lớp 10 (15-16 tuổi). Kết quả cho thấy, khoảng 24% số học sinh này thường xuyên uống rượu, 15,2% sử dụng cần sa và 11,7% hút thuốc lá.

bao luc hoc duong anh 1
Đối tượng của bạo lực tuổi học trò thường là bé trai. Ảnh: Shutterstock/wavebreakmedia.

Theo tiến sĩ Earnshaw, việc bị bắt nạt trong thời gian dài khiến các em dễ bị trầm cảm, dẫn đến việc sử dụng chất kích thích để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực này. Việc sử dụng chất gây nghiện có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tâm sinh lý của các em.

Sử dụng rượu và cần sa có thể gây ra những tác hại lên hệ thần kinh trung ương sinh ra ảo giác, không làm chủ được hành vi, và gây suy nhược cơ thể nhanh chóng. Việc sử dụng thuốc lá có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, ung thư và tử vong sớm.

Không riêng gì nạn nhân của bạo lực học đường, những “kẻ chuyên đi bắt nạt” cũng phải chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc hành hạ người khác khi đến tuổi trưởng thành.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Karen Matthews thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ), những kẻ chuyên đi bắt nạt từ khi còn nhỏ cũng có nhiều khả năng bị stress, hung hăng và có thái độ thù địch với người khác khi trưởng thành.

Bắt nạt không giống ẩu đả do bất đồng. Bắt nạt là việc làm cố ý gây tổn hại cho người khác cả về tinh thần và thể xác. Hành vi này được lặp đi lặp lại trong một thời gian và thường tạo cho nạn nhân cảm giác sợ sệt, lo lắng và không dám đối mặt. Kẻ bị bắt nạt thường rất “mạnh mẽ” dưới góc nhìn của nạn nhân.

Bắt nạt bao gồm các hành động đánh đập, mắng chửi, đe dọa, sỉ nhục, trêu chọc, hủy hoại tài sản, cô lập hay bôi nhọ nạn nhân dưới nhiều hình thức.

Minh Hải

Theo Daily Mail

Bạn có thể quan tâm