Khó chia sẻ cùng người lớn, học sinh chỉ có thể tự tìm hiểu về nội dung 18+. Ảnh: Pexels. |
Nhắc đến chuyện đọc những nội dung người lớn trên mạng, Vũ Ngọc* (học sinh lớp 11) cho biết thực ra em đã tiếp xúc với kiểu nội dung này từ khi lên lớp 9. Không chỉ đọc truyện, nữ sinh thậm chí còn viết fanfic 18+ cho idol của mình.
Tiếp xúc với đủ thể loại 18+
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Ngọc cho biết việc xem nội dung 18+ ở lớp em không phải hiếm, các bạn nam thậm chí còn cởi mở nói về việc xem những loại phim nào, diễn viên thể hiện ra sao.
Bản thân Ngọc có phần rụt rè hơn, không chia sẻ điều đó công khai mà chỉ cùng một người bạn thân thảo luận. Những nội dung em xem thường là truyện boylove được đăng trên các nền tảng trong và ngoài nước.
Cụ thể, nữ sinh đọc truyện đam mỹ của Trung Quốc, yaoi của Nhật Bản và manhwa boylove của Hàn Quốc. Nữ sinh nói em thích đọc truyện hơn vì thích cách các nhân vật trong truyện tương tác, thể hiện tình cảm với nhau. Truyện có cảnh 18+ thì thường sẽ thu hút hơn, nếu không có cảnh nóng, nữ sinh vẫn thích đọc vì thấy thú vị.
Vũ Ngọc đọc truyện, viết fanfic 18+ để tìm niềm vui. Ảnh minh họa: Pexels. |
Do chưa đủ tuổi, việc đọc truyện của Ngọc có đôi phần trở ngại vì một số nền tảng webtoon của Hàn Quốc yêu cầu xác thực tuổi. Người đủ 18-19 tuổi trở lên mới được phép đọc những bộ truyện dán nhãn 19+.
Không thể xác thực tuổi, nữ sinh quyết định tìm đến các trang web dịch truyện lậu của Việt Nam. Những trang web này không cần xác định tuổi, lại không mất tiền mua truyện nên Ngọc có thể đọc thỏa thích đọc mà không sợ bị cản trở.
Một niềm vui khác của Vũ Ngọc là viết fanfic 18+ cho idol. Trong văn hóa của người hâm mộ, fanfic là một thể loại truyện liên quan các nhân vật nổi tiếng (có thể là người thật hoặc nhân vật hư cấu) do người hâm mộ viết và chia sẻ trên Internet.
Ngọc là fan của một cặp đôi diễn viên Thái Lan mới nổi nên em thường viết một số bộ fanfic theo sở thích của bản thân, một phần để thỏa mãn niềm vui, một phần để chia sẻ cho các bạn cùng fandom đọc.
Fanfic do nữ sinh viết cũng chia ra nhiều thể loại như angst (truyện miêu tả nỗi đau thể xác, tinh thần), smut (truyện chứa nhiều chi tiết về quan hệ thể xác), MPreg (truyện nói về việc nam giới có thể mang thai)...
“Thật ra em không có kinh nghiệm về những thứ như quan hệ tình dục mà chỉ là góp nhặt thông tin từ lúc đọc truyện rồi tự phát triển theo tưởng tượng của bản thân. Ban đầu em viết còn ngại tay nhưng dần dần, truyện em viết được nhiều bạn hưởng ứng nên lại thích viết”, nữ sinh chia sẻ.
Tương tự, Phan Y. (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) cho hay vì tò mò, bản thân em cũng “tiêu thụ" sách có chứa nội dung tình dục.
Cũng có cảnh nóng, tuy nhiên, Y. cho hay em không quá bất ngờ hay băn khoăn bởi em nhận thức được đó chỉ là nhân vật ảo trong anime, manga, không đến mức có những mô tả trần trụi cảnh quan hệ tình dục.
Hơn nữa, trước đó, Y. đã được mẹ giáo dục giới tính thông qua những nói nói chuyện cởi mở về các biện pháp bảo vệ, xu hướng tính dục…
Tuy nhiên, Y. vẫn cho rằng việc xem truyện có chứa nội dung sex, tò mò về giới tính cũng là điều bình thường, không dựa vào việc đó mà đánh giá bạn đó là hư hay ngoan.
Tự tìm hiểu vì người lớn không chịu nói
Khi nói thêm về việc tiếp cận sớm với những nội dung 18+, Ngọc cho biết thực ra ban đầu em chỉ đọc truyện vì thấy bạn bè ở lớp ai cũng đọc. Sau đó, nữ sinh bắt đầu thấy tò mò hơn về các vấn đề này, nhưng người lớn lại rất ngại nói, nên em chỉ đành tự tìm hiểu và chia sẻ thêm với bạn.
Nữ sinh lấy ví dụ khi xem phim ở nhà, đến cảnh hai nhân vật trong phim có cảnh hôn hoặc đụng chạm cơ thể, em lại bị bố mẹ yêu cầu đi lên phòng hoặc quay mặt đi chỗ khác với lý do “còn bé chưa xem được”.
“Nhiều khi em cũng muốn nói với bố mẹ là mấy cái này em biết hết rồi, thậm chí còn biết nhiều hơn. Nhưng em cũng sợ bị bố mẹ mắng và tịch thu điện thoại nên lại giả vờ không biết gì”, nữ sinh chia sẻ.
Nhiều học sinh bị phụ huynh bắt che mặt khi phim chiếu đến cảnh hôn, tiếp xúc cơ thể. Ảnh: Sex Education/Netflix. |
Không riêng ở nhà, việc học ở trường cũng cản trở Ngọc rất nhiều trong việc tìm hiểu về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản. Nhớ lại năm lớp 8, khi học môn Sinh học ở trường, đến nội dung về bộ phận sinh dục và sức khỏe sinh sản, giáo viên chỉ dạy rất qua loa và không đi sâu vào chi tiết những nội dung quan trọng.
Đôi lúc, trường của Ngọc cũng tổ chức một số buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính nhưng cá nhân nữ sinh thấy ngoại khóa không dạy được nhiều kiến thức thực tế. Chính người dạy những kiến thức này cũng ngại ngùng nên Ngọc lại càng thấy chán.
“Em thấy tìm hiểu về giáo dục giới tính không có gì đáng xấu hổ cả nhưng vì người lớn cứ né tránh nên bọn em phải tự tìm hiểu. Em biết việc đọc truyện 18+ khi chưa đủ tuổi là không tốt, nhưng nếu người lớn muốn tốt cho bọn em, người lớn phải cởi mở hơn nữa để bọn em được học những kiến thức khoa học và phù hợp”, Ngọc nói.
Tương tự, Phan Y. cho hay trong suốt 12 năm học ở trường, em hầu như không được học bài giảng về giới tính đúng nghĩa. Bậc tiểu học, Y. chỉ được tham gia một buổi hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính, cấp 2 và cấp 3 thì tuyệt nhiên chưa thấy nhà trường tổ chức buổi nào.
Thông thường, Y. chỉ được giáo dục giới tính thông qua việc lồng ghép kiến thức vào các môn học như Sinh học hoặc Giáo dục công dân.
Tuy nhiên, khi lồng ghép các vấn đề này vào môn học, cách tiếp cận của thầy cô lại thiếu tự nhiên, chỉ giảng qua loa khiến nhiều học sinh không tránh khỏi ngượng ngùng, không muốn trao đổi.
“Nếu ở nhà không được mẹ dạy, rất có thể em sẽ ‘lạc đường', hiểu sai về giới tính, tình dục”, Y. chia sẻ.
Y. cũng cho rằng việc nhiều phụ huynh hay giáo viên né tránh chủ đề về giới tính suốt những năm học phổ thông đã góp phần tạo nên hậu quả xấu cho người trẻ.
Nhiều học sinh tìm cách giải tỏa sự tò mò một cách bản năng như như đọc truyện, xem phim 18+ như Y. hay Ngọc mà không dựa trên các hiểu biết về giáo dục giới tính. Từ đó dẫn đến thiếu hiểu biết, thậm chí xảy ra những điều tệ hơn như bị xâm hại tình dục, bị dụ dỗ, không biết cách bảo vệ bản thân…
Vì vậy theo Y., việc nhìn nhận giáo dục giới tính một cách nghiêm túc và cởi mở cũng là trách nhiệm của người lớn. Việc phụ huynh, giáo viên có kiến thức nhất định sẽ giúp học sinh định nghĩa lại những gì các bạn thấy một cách đúng đắn, thực tế dưới lăng kính giáo dục, khoa học, thay vì những thông điệp phi thực tế mà phim ảnh, sách truyện tạo dựng.
*Tên nhân vật được đổi để tránh ảnh hưởng việc học và cuộc sống của họ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.