Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo giới thiệu về đề án “Sách giáo khoa (SGK) điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3”, nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra: Trẻ ở độ tuổi này đã nên sử dụng máy tính bảng hay chưa, trẻ sẽ chịu tác động và phụ thuộc vào công nghệ ra sao nếu bắt đầu sử dụng máy tính bảng từ 6 tuổi?
Khi được hỏi, chính những giáo viên đứng lớp và hiệu trưởng đang trực tiếp quản lý cũng băn khoăn về tính khả thi của đề án 4.000 tỉ đồng này.
“Chúng ta chưa lường hết được nguy cơ của việc thay đổi phương pháp dạy học theo hướng này ở trẻ em. Sẽ rất nguy hiểm khi triển khai trên diện rộng rồi sau đó mới đánh giá, vì lúc đó cả một thế hệ trẻ tiểu học đã bị thí nghiệm, một hiệu trưởng có nhiều năm kinh nghiệm nêu ý kiến.
SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học các lớp 1, 2, 3 trong phòng học được giới thiệu tại Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 19/8. |
Lợi có bằng hại?
Theo đề án mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra ngày 18/8, sẽ có 60% học sinh (HS) lớp 1, 2, 3 tại TP.HCM học với máy tính bảng cá nhân đã tích hợp chương trình SGK trong phòng học được trang bị các thiết bị tương tác hiện đại khác. Giáo viên sẽ quản lý máy tính bảng của HS thông qua các phần mềm tương tác, qua đó thấy được thao tác, phần bài tập của từng em.
Việc sử dụng SGK điện tử nhằm làm giảm chi phí ấn hành, xuất bản, giảm mua sắm cho phụ huynh và giảm mang vác cho trẻ nhỏ, đồng thời mang lại nhiều tiện ích trong học tập như các nguồn tài nguyên trên mạng, khả năng tương tác, nắm bắt hình ảnh tại chỗ...
Tuy nhiên để lứa tuổi đầu cấp tiểu học sử dụng máy tính bảng xuyên suốt quá trình học tập lại là điều khiến các bậc phụ huynh cũng như chuyên gia về tâm lý, giáo dục lo lắng.
Một chuyên viên phòng giáo dục tại TP.HCM phân vân: “Trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi đầu cấp, cần được học với năm giác quan và vận động càng nhiều càng tốt".
"Cuốn SGK Tiếng Việt với nhiều hình vẽ cùng sự gợi mở của cô, trẻ sẽ có hình dung, cảm nhận của mình để khám phá thế giới xung quanh. Thay thế SGK bằng thiết bị cầm tay rõ ràng không ổn. Việc tập trung sử dụng thiết bị khiến trẻ hạn chế những cảm nhận, giao tiếp với thế giới quanh mình. Hầu như các em sẽ chỉ dùng hai giác quan, mắt nhìn và tai nghe. Vô hình trung chúng ta tập cho trẻ thói quen từ nhỏ đã sống gắn chặt vào chiếc máy tính”.
Cô N.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 2 một trường tiểu học ở Gò Vấp, cho rằng: “Bản thân tôi là người đứng lớp chưa tưởng tượng ra việc sử dụng máy tính bảng sẽ như thế nào, cô sẽ chấm chấm, trò mạnh ai nấy “quẹt” và không ai nhìn ai? Tôi chỉ nghĩ đơn giản là sẽ... rối.
"Vào giờ học, em này gọi cô ơi máy em không khởi động được, máy em hết pin, cô ơi tắt loa ở chỗ nào. Các em vốn đã hiếu động, sẽ khó kiềm chế trước một thiết bị hấp dẫn đến vậy. Giáo viên phải thật giỏi về công nghệ để kiểm soát hết các tình huống và đảm bảo bài dạy, nếu giáo viên cũng luống cuống thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu HS thao tác trên máy, các em bị cuốn vào máy, thời gian viết bị hạn chế, làm việc nhóm hay học theo dự án cũng thông qua cái máy có thể khiến các em trở nên thụ động và phụ thuộc vào thiết bị”.
Trong khi đó, một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 7 nêu quan điểm: “Tôi từng dự một lớp học mà tất cả học sinh sử dụng iPad và máy tính ở Thụy Điển. Với hệ thống wifi đủ mạnh, giáo viên quản lý lớp học và thao tác tốt trên máy, hiệu quả học tập rất cao, học sinh phấn khích. Tuy nhiên không phải tất cả tiết học đều sử dụng phương pháp học này.
Quay lại Việt Nam, theo tôi, nếu trình độ mình tới nơi, máy móc ổn, giáo viên giỏi như họ thì sẽ có hiệu quả. Quan trọng là giáo viên khai thác, quản lý các thiết bị ra sao, kiểm soát việc sử dụng của HS như thế nào? Thực tế HS của mình chơi game, xem video nhiều vì thiếu sân chơi. Người lớn phải tạo ra văn hóa sử dụng công nghệ, điểm dừng, quản lý giờ giấc cho các em. Lúc này vai trò của cả phụ huynh và nhà trường đều rất cao”.
Kết quả nghiên cứu đâu?
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, (giám đốc đào tạo trường ngoại khóa Tomato), người có nhiều thời gian nghiên cứu và làm việc với trẻ ở độ tuổi đầu cấp tiểu học, nêu quan điểm: “Chúng ta sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng thế hệ con cái của chúng ta sẽ lớn lên cùng với sự hiện diện của máy tính bảng. Giống như hồi xưa khi mình xài điện thoại di động/Internet thì ba mẹ rất lo lắng nhưng cũng không thể không dùng. Máy tính bảng hoàn toàn có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tổ chức bài học gọn gàng và khoa học hơn, chuyển tải nội dung bài học một cách sinh động hơn hay giúp tra cứu thêm các nguồn tư liệu hữu ích bất kỳ lúc nào".
"Tuy nhiên tôi không ủng hộ ý tưởng nếu triển khai ở Việt Nam thời điểm này. Thứ nhất, đề án chưa cho thấy được bước đột phá về hiệu quả giáo dục. Khi mà những thứ thuộc về phần “gốc” như SGK, chương trình học, phương pháp dạy và học... vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và chưa được đổi mới thấu đáo, thì việc thay đổi phần “ngọn” (công cụ học tập) như vậy liệu có mang lại hiệu quả gì? Về cách thức triển khai, việc áp dụng cho học sinh ở đầu cấp tiểu học là không phù hợp".
"Thật ra cái lớn nhất mà các em học được từ máy tính bảng không phải là công nghệ thông tin mà là khả năng sử dụng khéo léo các công cụ. Đây là thời điểm các em chỉ mới chập chững học chữ nên có sử dụng cũng chỉ như dùng một cuốn SGK hiện đại hơn một chút (mà lại đắt đỏ hơn rất nhiều)”.
Một hiệu trưởng trường tiểu học nêu ý kiến: “Khi anh thực hiện thí điểm ở trẻ nhỏ, anh phải nghiên cứu, xét trên đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, tác động của việc thí điểm, kết quả nghiên cứu đâu? Khi anh đánh giá kết quả thí điểm, anh sẽ dùng thước đo nào, khung đánh giá nào? Nếu thí điểm không thành công, trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?".
"Sử dụng đồng tiền nhà nước hoặc của người dân đóng góp, phải tính thật kỹ hiệu quả. Giao cho ai, làm như thế nào là trách nhiệm của nhà quản lý. Nếu là 4.000 tỉ đồng mà hiệu quả, đúng thời điểm, phù hợp điều kiện kinh tế đất nước thì cũng không lãng phí, nhưng 1 tỉ hay 1.000 tỉ đồng cũng phải sử dụng hiệu quả từng đồng một, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Nên nhớ khi anh xài lãng phí, niềm tin của người dân sẽ mất đi” .
Một thí nghiệm giá khủng
Đề án đưa ra tới sáu phương án kinh phí nhưng các phương án này lại tương đương nhau (dao động quanh con số 4.000 tỉ đồng), không cho một lựa chọn nào khác về quy mô đầu tư (nhỏ hơn, rẻ hơn chẳng hạn).
Ví dụ ở phương án 1, cũng là phương án sử dụng loại máy tính bảng rẻ nhất (3 triệu đồng, với pin 3.500mAh, ram 1GB, có kết nối WiFi, hai camera 0,3MP và 2 MP), tổng số tiền phải chi cho thiết bị lớp học và máy tính bảng là 2.700 tỉ đồng, trong đó phụ huynh sẽ chi khoảng 1.000 tỉ, cộng với phí khảo sát đánh giá, phần mềm, SGK điện tử, cơ sở hạ tầng, phí tổng kết khen thưởng sau thí điểm... thì quy mô dự án là 3.913 tỉ đồng. Các phương án khác với các loại máy tính bảng đắt hơn thì tổng kinh phí đội lên tới 4.300-4.400 tỉ đồng. Đúng là một thí nghiệm (chưa rõ kết quả) giá quá khủng.
Một đại biểu tham dự hội thảo ngày 18/8