Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Trẻ mắc Covid-19 sốt cao, khó hạ nhiệt chưa phải là diễn biến nặng

Con 4 tháng tuổi có biểu hiện sốt, thi thoảng ho, lo sợ con bị viêm phổi, chị Thúy (TP.HCM) lập tức đưa bé đến viện để thăm khám dù biết phải chờ đợi lâu.

Hơn 8 giờ, hành lang phía trước Phòng khám sàng lọc Covid-19 của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đông nghịt người.

Chị Trần Thanh Thúy (35 tuổi, quận 7, TP.HCM) chọn góc ngoài cùng của dãy ghế, ôm con trai mới hơn 4 tháng tuổi. Con trai chị chưa test nhanh Covid-19, phía trước là khu sàng lọc, nơi khám cho những trẻ dương tính.

"Đến viện chờ lâu nhưng yên tâm"

Chồng chị Thúy làm nghề dịch vụ và vô tình lây nhiễm nCoV. Sau một tuần tự điều trị tại nhà, vợ chồng chị cùng test nhanh âm tính. Tuy nhiên, con trai lúc này bắt đầu sốt, thi thoảng ho.

Người phụ nữ cho biết do con còn quá nhỏ nên gia đình không dám ngoáy mũi cho bé. Chị cho rằng triệu chứng này khả năng bé bị lây nhiễm từ bố rất cao.

Buổi chiều trước khi đưa con đến bệnh viện, chị Thúy phát hiện bé sốt 38 độ C và lập tức cho con uống 2 gói thuốc hạ sốt. Bé đỡ nóng hơn nhưng sau đó nhiệt độ cao trở lại. Bé ho ít, chảy nước mũi.

so tre mac Covid-19 tang o TP.HCM anh 1

Con trai chị Thúy bú sữa ngủ trong lúc cùng ba mẹ chờ xét nghiệm và khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh.

"Tôi đã tham khảo trên mạng và hỏi ý kiến bác sĩ qua online nhưng tâm lý cha mẹ thấy con sốt thì rất lo lắng. Tôi sợ bị con viêm phổi nên phải đưa con đi khám bệnh viện mới yên tâm được", chị Thúy nói.

Đưa con từ quận 7 qua quận 1, đến bệnh viện vừa hơn 8h. Tuy nhiên, đến hơn 9h30, hai vợ chồng vẫn chưa làm xong thủ tục đăng ký test nhanh.

"Quy trình là cho bé test nhanh, chờ kết quả âm hay dương tính, sau đó mới đưa con vào phòng khám bệnh. Tôi nghĩ sẽ chờ khá lâu nữa nhưng cố gắng vì sức khỏe của con", chị nói thêm.

Trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ thông thường như sốt, ho nhưng phụ huynh vẫn đưa con đến bệnh viện là tình trạng phổ biến.

Ghi nhận của Zing tại các bệnh viện nhi, số lượt trẻ mắc Covid-19 đến khám ngoại trú tăng đáng kể thời gian gần đây, song đa số trẻ có triệu chứng nhẹ. Tỷ lệ trẻ cần nhập viện điều trị nội trú thấp.

Không phải mọi trẻ mắc Covid-19 đều cần đến bệnh viện

Chia sẻ với Zing ngày 15/3, bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin số lượng bệnh nhi dương tính đến khám tại đơn vị này vẫn có chiều hướng tăng, tuy nhiên đa số trẻ có triệu chứng nhẹ.

"Một trong những nguyên nhân khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng cao là tâm lý quá lo lắng của phụ huynh. Sau khi được bác sĩ tư vấn, phân tích và hướng dẫn, phụ huynh an tâm hơn", bác sĩ Quy nói.

Trong khi đó, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết những trẻ mắc Covid-19 đến khám và điều trị tại đơn vị này đa phần biểu hiện nhẹ, nhiều nhất là sốt, ho. Một số bé gần như không triệu chứng đáng kể.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, cũng khuyến cáo hiện nay, trẻ mắc Covid-19, nhất là chủng Omicron, đa số rất nhẹ.

Khi mắc bệnh, bé có triệu chứng sốt song sốt cao khó hạ hay sốt kèm lạnh run không có nghĩa là tình trạng nặng. Lúc này, phụ huynh chỉ cần chăm sóc, theo dõi và cho trẻ uống thuốc tương tự những lần trẻ sốt trước đó.

Bác sĩ Khanh hướng dẫn trẻ đau đầu, nôn ói nhưng sau đó sẽ tự hết hoặc ba mẹ có thể dùng thuốc chống ói. Nếu nhiệt độ âm ấm khoảng 35 hay 36 độ C, chỉ cần cho bé uống nhiều nước ấm.

Ngoài ra, trẻ khó ngủ có thể là xem điện thoại hay tivi nhiều, ba mẹ bình tĩnh điều chỉnh thời gian sinh hoạt của trẻ hoặc có thể uống vitamin nhóm B, dùng thêm thuốc ho nếu bé bị ho.

"Phụ huynh bình tĩnh, đừng lo lắng quá mức. Trẻ ăn được, bú tốt, hết sốt, có thể ngồi dậy chơi là ổn, đa số bé sẽ ổn sau 48 giờ. Nếu đi khám, cha mẹ chỉ cần cho bé khám gần nhà, không nhất thiết lên bệnh viện nhi đồng. Bác sĩ chuyên khoa nhi hay bác sĩ nội tổng quát hoàn toàn chữa được Covid-19 vì tương tự sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên", bác sĩ Khanh khuyên.

Ngoài ra, ông cũng khuyến cáo phụ huynh không cần dùng kháng sinh hay kháng viêm dù trong 48 giờ đầu trẻ sốt cao khó hạ.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, số trẻ mắc Covid-19 khi học trực tiếp có xu hướng tăng rất cao trong thời gian gần đây. Cụ thể, số ca tăng giữa các tuần dao động trên 12.000-16.000 ca.

Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP.HCM đã họp, triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, xây dựng kịch bản đáp ứng tùy theo điều kiện tình hình.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh dù số lượng tăng, trẻ F0 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều. Trước đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc Covid-19, tăng giường bệnh.

Điều quan trọng cần biết khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19

Khi trẻ em mắc Covid-19 điều trị tại nhà, cha mẹ cần theo dõi các triệu chứng bất thường của con để báo nhân viên y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bình an qua đợt Delta ở TP.HCM nhưng trở thành F0 vì Omicron

Minh Tâm vô tình trở thành F0 và mất nhiều ngày tự điều trị tại nhà. Chị không hiểu bản thân bị lây nhiễm từ đâu.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm