Từ 4/5, học sinh các cấp THPT, THCS ở nhiều tỉnh, thành phố đã đi học trở lại. Học sinh cấp tiểu học, mầm non cũng bắt đầu quay trở lại học tập trung tại trường.
Việc rút ngắn thời gian học tập tại trường, tách lớp thành nhiều ca cũng khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đón và chăm sóc con.
Cùng con "sống chung với dịch"
Từ 4/5, học sinh cấp tiểu học ở tỉnh Bình Phước đã đi học trở lại. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lớp học được các trường triển khai liên tục. Các biện pháp khử khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay cho học sinh luôn được nhà trường chú ý. Tuy nhiên, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng về việc đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các em học sinh.
Cô Tùng, giáo viên trường Tiểu học Phú Riềng B (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết: "Vì các em học sinh còn nhỏ, ham chơi và chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, nên việc giữ khoảng cách gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ cần lơ là không để ý là các em sẽ tụ tập để nói chuyện, vui chơi. Giáo viên phải tập trung thì mới có thể kiểm soát được".
Phụ huynh Nguyễn Văn Huy (Bình Phước) thông tin lịch học của con gái anh tại trường Tiểu học Phú Riềng B là cả tuần, mỗi ngày học nửa buổi. Do nhà xa, nên việc đưa, đón con đi học gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi đón con về, anh Huy phải tự "kèm" thêm cho con tại nhà.
"Mình hướng dẫn con học thì không thể bằng giáo viên nhưng hiện tại cháu chỉ học nửa buổi mỗi ngày nên bố mẹ phải cố gắng", anh Huy chia sẻ.
Học sinh đi học trở lại được giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang. Ảnh: V.L. |
Phụ huynh phải cố gắng hơn
Khi việc đưa đón trẻ gặp nhiều khó khăn, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn phụ huynh cố gắng hơn nữa. Trước những khó khăn tạm thời, phụ huynh cần thực hiện tốt để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
TS Vũ Thu Hương cho hay việc để trẻ em ở nhà chưa hẳn đã tốt, có thể nảy sinh nhiều hệ lụy.
"Nếu gò bó các con trong môi trường nhân tạo ở nhà quá lâu, không giao tiếp xã hội, các con sẽ gặp phải những bất ổn về tâm lý và sức khỏe. Việc ở nhà nhiều, còn có thể khiến thời gian biểu hoạt động của trẻ bị lệch lạc, nhiều trẻ thức khuya, dậy muộn. Lâu dần sẽ để lại những hậu quả to lớn đến sức khỏe và tâm lý" - chuyên gia Vũ Thu Hương nói.
Cũng theo chuyên gia, thời gian học tập của trẻ tại trường bị rút ngắn, để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đây còn là biện pháp tốt, giúp trẻ lấy lại cân bằng và thích ứng với việc đi học trở lại.
Nếu khoảng cách di chuyển đến trường quá dài trong khi thời gian học tập tại trường lại quá ngắn, nhà trường có thể bố trí lịch học là 3 ngày/tuần thay vì chỉ học nửa ngày. Thời gian này sẽ phù hợp với điều kiện của nhà trường, đồng thời giảm khó khăn cho các phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ.
"Cha mẹ bình tâm, con mới bình an. Nếu cha mẹ quá lo lắng, hoảng hốt thì sẽ khiến trẻ bất an, bấn loạn. Điều quan trọng là sự chung tay của toàn thể chúng ta và sự bình tĩnh đối phó. Tôi mong các bậc phụ huynh nỗ lực thêm chút nữa. Chúng ta đã gần lắm với đích an toàn trong thời đại dịch, cần động viên nhau đi nốt con đường khó khăn này" - chuyên gia Vũ Thu Hương khuyên.