Sáng nay, Bộ Y tế đã công bố ca nhiễm virus corona thứ 15 ở Việt Nam. Bệnh nhi mới 3 tháng tuổi, sinh sống tại Vĩnh Phúc, ca bệnh nhỏ tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Bệnh nhi bị lây nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) từ bà ngoại P.T.B. Đây là người được xác định lây từ N.T.D. (một trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc).
Trẻ nhỏ hoàn toàn có thể bị nhiễm nCoV
Thông tin về ca bệnh mới khiến nhiều người thắc mắc liệu tình hình dịch bệnh có phức tạp hơn, lây lan mạnh hơn. Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay đây vẫn là ca bệnh lây trong cộng đồng ở Vĩnh Phúc và có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo ông Phu, việc trẻ nhỏ nhiễm bệnh là điều đã được tính trước, không nằm ngoài dự đoán của ngành y tế.
"Do trẻ con ít đi lại nên được đánh giá sự lây lan không nhiều, không phải do hệ miễn dịch có thể chống lại virus. Bản chất việc lây bệnh là có tiếp xúc hay không nên bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm virus. Đó là lý do chúng ta cho học sinh các cấp nghỉ học, bao gồm cả trẻ mầm non”, ông Phu cho biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng cho biết trẻ sơ sinh nhiễm bệnh không phải là điều lạ. "Khi đứa trẻ ở chung với một người bệnh trong 4 ngày thì lây là điều dễ hiểu. Tất cả đều có nguy cơ lây bệnh như nhau", ông nói.
Về việc điều trị cho bệnh nhi 3 tháng tuổi này, bác sĩ Khanh cho biết phác đồ điều trị của Bộ Y tế không có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên (xoang, đường mũi, hầu họng, thanh quản) không cần điều trị. Hiện tại, bệnh nhi này chỉ cần bù đủ nước bằng cách cho bú nhiều cữ.
Số ca mắc chưa dừng lại
Tính đến 11/2, 10/14 ca bệnh dương tính với virus corona sinh sống tại Vĩnh Phúc. Vì vậy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết Vĩnh Phúc được xác định là tâm dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định: “Qua ca bệnh này, chúng ta thấy rõ dịch bệnh lây rất mạnh, dù các ca bệnh không nặng. Nếu không khoanh vùng, cách ly, giải quyết tốt vấn đề, dịch sẽ lây lan nhanh. Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt, trong đó, từng người dân phải có ý thức tự biết cách phòng bệnh, có ý thức cộng đồng cao. Nếu các ngành làm tốt, người dân lại không hợp tác, bỏ mặc thì rất khó”.
Theo ông Phu, những biện pháp quyết liệt đã được thực hiện tại Vĩnh Phúc, hy vọng chúng ta sẽ ngăn chặn được dịch bệnh.
Nhiều năm trong công tác chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Khanh khẳng định: "Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có các ca mới, chưa thể dừng lại. Việc một người nhiễm lây sang những người khác là bình thường. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể bùng phát mạnh mẽ như Trung Quốc bởi chúng ta đang làm tốt khi tất cả cùng chung tay, ngăn chặn từ xa và người dân đã có ý thức rất nhiều. Khoảng một tháng sau, khi nắng nóng và nguồn lây du nhập bên ngoài không còn, chúng ta sẽ hết dịch".
Đối với Vĩnh Phúc, bác sĩ Khanh cho rằng hiện tại nên hạn chế đi lại, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và phân tuyến điều trị. "Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ yếu tố nguy cơ. Đó là những người mang thai, lớn tuổi, có yếu tố bệnh nền, dễ dẫn đến biến chứng nặng. Vì vậy, các đối tượng này không nên đến những nơi đông người, giữ gìn vệ sinh, tăng cường đề kháng", bác sĩ Khanh nhận định.
Riêng về trường hợp nữ công nhân Vĩnh Phúc đã lây bệnh sang nhiều người, bác sĩ Khanh cho rằng nguyên nhân có thể người này đi lại nhiều, cách giữ gìn vệ sinh của cô cũng như những người xung quanh chưa tốt. Bên cạnh đó, môi trường bí bách, lạnh, ẩm cũng là điều kiện để virus lây cho nhiều người hơn.
Về việc có thể nhận định trường hợp này là “siêu lây nhiễm” hay không, bác sĩ Khanh cho biết đây không phải là người siêu lây nhiễm. “Siêu lây nhiễm phụ thuộc tính lây lan và sống ngoài cộng đồng của virus và độ cảm miễn của cộng đồng. Với virus corona, người ta tính mức độ lây từ 1,4-2,5, chưa là gì so với các dịch khác như sởi, thủy đậu, rubella, quai bị, ho gà”, ông nói.