Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Trêu nhau 'thao túng, trầm cảm', đùa nhưng không vui

Những thuật ngữ tâm lý như "thao túng", "OCD" hay "trầm cảm" đang bị lạm dụng trong giao tiếp. Việc làm này có thể khiến nhiều người hiểu sai hoặc xem nhẹ các chứng bệnh tâm thần.

Tram cam anh 1

Nhiều bạn trẻ đang lạm dụng thuật ngữ tâm lý mà không hiểu nghĩa.

Tram cam anh 2Tram cam anh 3
  • Chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Tram cam anh 4Tram cam anh 5
  • Thạc sĩ tâm lý, khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

"Tự nhiên tôi thích ca sĩ này, hay tôi bị thao túng rồi?".

"Bạn OCD vừa phải thôi, tôi không thấy bừa bộn gì cả".

Đó là hai trong rất nhiều câu nói có chứa thuật ngữ tâm lý mà chúng ta dễ dàng nghe thấy thời gian gần đây. Không ít người, phần lớn là nhóm trẻ tuổi, sử dụng các cụm từ như "OCD", "chằm zn" (cách viết teencode của "trầm cảm") hoặc "sang chấn" để miêu tả cảm xúc, tính cách, đặc điểm của bản thân, người khác.

Trao đổi với Zing, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên cho biết đây có thể là một tín hiệu tích cực bởi chứng minh cộng đồng, giới trẻ đã có sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, vì không hiểu ý nghĩa thực sự, nhiều bạn trẻ lại dùng thuật ngữ một cách vô nghĩa, sai hoàn cảnh. Bên cạnh đó, lạm dụng thuật ngữ cũng có thể khiến mọi người đánh giá thấp các rối loạn tâm lý, bỏ qua những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra.

Trong Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (Mental Health Day) 10/10, Zing trao đổi với các chuyên gia về một số thuật ngữ tâm lý đang bị nhiều người hiểu sai, lạm dụng và ý nghĩa thực tế dưới góc nhìn chuyên ngành.

Tram cam anh 6Tram cam anh 7
Tram cam anh 8Tram cam anh 9

Thao túng tâm lý

Cách dân mạng hiểu: Từ để chỉ hành động thuyết phục, thương lượng nhằm khiến người khác làm theo ý mình. Ngoài ra, từ còn được sử dụng để chỉ hành động của đối tượng có khả năng "tẩy não", biến người khác thành con rối hoặc thôi miên họ.

Góc nhìn chuyên ngành:

- Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên: Thuật ngữ “thao túng tâm lý” (gaslighting) có nguồn gốc từ tiêu đề tác phẩm điện ảnh Gaslight (năm 1944).

Trong phim, nhân vật người chồng dùng thủ đoạn để thuyết phục vợ rằng cô ấy không khỏe, sau đó tước đoạt những tài sản, giá trị quan trọng. Suy nghĩ và hành động của người vợ bị dẫn dắt theo ý chồng, đi kèm với cảm giác có tội, cần sửa đổi.

Tựu trung, thuật ngữ được dùng để gọi tên những tình huống mà trong đó, cá nhân bị dẫn dắt suy nghĩ một cách độc hại, thậm chí bị buộc tội, nhưng không hề hay biết rằng mình đang chịu tác động lớn từ đối phương.

- Chuyên viên Đào Lê Tâm An: Theo từ điển của Hội Tâm lý học Mỹ, thao túng là hành vi nhằm mục đích kiểm soát, gây ảnh hưởng lên một người khác nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân. Trong một số trường hợp, sự thao túng này diễn ra một cách không có chủ đích.

Người thao túng thường dùng một số tổ hợp các hành vi như: làm cho người khác nghi ngờ về quyết định hoặc niềm tin của họ; đóng vai “nạn nhân”, đổ lỗi cho người khác; biến mất một cách chủ đích, không để lại bất kỳ sự thông báo nào nhằm khiến đối phương bất an.

Tram cam anh 10Tram cam anh 11
Tram cam anh 12Tram cam anh 13

OCD

Cách dân mạng hiểu: Chỉ người có thói quen sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, sạch sẽ, dễ khó chịu khi ai đó đụng vào hoặc làm thay đổi bố cục của mình. Bên cạnh đó, cá nhân khó tính, cầu toàn cũng bị cho là mắc chứng OCD.

Góc nhìn chuyên ngành:

- Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên: OCD là tên viết tắt của thuật ngữ Obsessive Compulsive Disorder (tiếng Việt: rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Người bệnh mắc chứng OCD thường có những hành vi, suy nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa để giảm bớt căng thẳng, lo âu.

Trên thực tế, rối loạn này diễn biến từ bên trong bệnh nhân. Họ mang nỗi lo sợ không làm tốt điều gì đó, hoặc không thể kiểm soát tình huống trong đời sống. Sự lo lắng này thường kéo dài, thống nhất trong nhiều tình huống dù có biểu hiện khác nhau.

- Chuyên viên Đào Lê Tâm An: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được đặc trưng bởi ám ảnh, cưỡng chế, hoặc cả hai. Ám ảnh liên quan đến các ý nghĩ (tránh bệnh tật, tội lỗi), trong khi cưỡng chế thường liên quan đến hành vi có chủ đích (kiểm tra, đếm, sắp xếp).

Thông thường, ám ảnh và cưỡng chế sẽ kết hợp tạo thành một lý do hợp lý, ví dụ như rửa tay liên tục để phòng tránh bệnh tật.

Tram cam anh 14Tram cam anh 15
Tram cam anh 16Tram cam anh 17

Trầm cảm

Cách dân mạng hiểu: Diễn tả một sự việc ngoài sức tưởng tượng của cá nhân, gây ra cho họ sự mệt mỏi.

Đôi khi, sự kiện ấy chỉ đơn giản diễn tả cảm xúc khó chịu, bất lực. Ví dụ, khi một người cứ chia tay rồi quay lại với bạn trai, bạn bè có thể sử dụng từ “trầm cảm” để miêu tả cảm giác chán chường.

Góc nhìn chuyên ngành:

Chuyên viên Đào Lê Tâm An: Thuật ngữ "trầm cảm" thường được sử dụng để miêu tả giảm khí sắc hoặc nản lòng do những thất vọng, mất mát như tai họa tài chính, mắc bệnh nặng hoặc cái chết của người thân.

Tuy nhiên, các thuật ngữ chuẩn hơn cho những loại khí sắc như vậy là mất tinh thần và sự thương tiếc. Sự khác biệt giữa những khí sắc này với trầm cảm bao gồm:

  • Khi sự kiện được giải quyết thì tâm trạng cũng tốt hơn
  • Thường kéo dài vài ngày hoặc vài tuần
  • Không đi kèm với suy nghĩ vô dụng hoặc tự ghê tởm bản thân

Rối loạn trầm cảm được đặc trưng bởi buồn trầm trọng hoặc dai dẳng, đủ để ảnh hưởng vào hoạt động chức năng. Lý do thường gặp là giảm sự quan tâm hoặc thích thú trong các hoạt động.

Trầm cảm gây ra các rối loạn nhận thức, tâm thần vận động và các dạng rối loạn chức năng khác. Ví dụ như tập trung kém, mệt mỏi, mất ham muốn tình dục, mất hứng thú hoặc thích thú trong hầu hết hoạt động trước đây, rối loạn giấc ngủ, tâm trạng chán nản.

Những người bị rối loạn trầm cảm thường có ý nghĩ tự sát và có thể tìm cách tự sát. Các triệu chứng hoặc rối loạn tâm thần khác (các cơn lo âu và hoảng sợ) thường cùng tồn tại, đôi khi làm phức tạp thêm việc chẩn đoán và điều trị.

Tram cam anh 18Tram cam anh 19
Tram cam anh 20Tram cam anh 21

Sang chấn tâm lý

Cách dân mạng hiểu: Một tình huống gây sốc, có thể đi kèm cảm xúc thất vọng, giận dữ, buồn bã.

Góc nhìn chuyên ngành:

- Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên: Sang chấn tâm lý là hệ quả của việc trải qua tình huống căng thẳng hay mang tính đe dọa đến cuộc sống. Nó khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc và thể chất, từ đó để lại những tác động, hậu quả lâu dài lên các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội, tinh thần hay tâm linh.

Các biểu hiện thực sự của sang chấn tâm lý nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cách thức dân mạng đang dùng. Nó có thể gây rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống hoặc giấc ngủ, đi kèm các cơn hoảng loạn hoặc lo hãi quá mức, có sự ám ảnh không dứt ra được.

- Chuyên viên Đào Lê Tâm An: Sang chấn tâm lý là một tổn thương về mặt tinh thần sau khi trải qua một sự kiện cực kỳ đáng sợ và có thể dẫn đến sự thay đổi mãnh liệt về hành vi và suy nghĩ sau này. Thông thường, sự kiện đáng sợ ấy có liên quan trực tiếp đến sự tổn thương thể chất nặng nề; mạng sống; hoặc quấy rối, xâm hại tình dục.

Trong một số trường hợp, sự kiện này có thể không trực tiếp gây tổn hại đến họ, mà có thể là đã chứng kiến trực tiếp một tai nạn kinh hoàng nào đó.

Sau sang chấn, một rối loạn thường được nhắc đến là “rối loạn stress sau sang chấn” (PTSD). Đây là những hồi tưởng mang tính thâm nhập, tái hiện của một sự kiện sang chấn quá mạnh; sự hồi tưởng bắt đầu trong vòng 6 tháng sau sự kiện, thường kéo dài trên một tháng.

Thông thường, bệnh nhân thường xuyên có những ký ức không mong muốn tái hiện lại sự kiện khởi phát. Gặp ác mộng về sự kiện là chuyện phổ biến.

Tram cam anh 22Tram cam anh 23

Tâm thần phân liệt

Cách dân mạng hiểu: Chỉ người nói hoặc nghĩ một đằng, làm một nẻo.

Góc nhìn chuyên ngành:

Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên: Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Nó làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu mình; khả năng học tập, làm việc ngày một sút kém, có những hành vi, ý nghĩ dị kỳ, khó hiểu.


Tram cam anh 24Tram cam anh 25
Tram cam anh 26Tram cam anh 27

Thiểu năng (thiểu năng trí tuệ)

Cách dân mạng hiểu: Dùng để trêu chọc khi người khác suy nghĩ có phần ngờ nghệch, khó nắm ý nhanh, không bắt kịp câu chuyện hoặc không đáp trả được một cách phù hợp.

Góc nhìn chuyên ngành:

Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên: Thiểu năng trí tuệ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ, đặc trưng bởi trí thông minh dưới mức bình thường (chỉ số IQ dưới 75).

Người mắc chứng thiểu năng có một số giới hạn về chức năng não bộ và thiếu những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như giao tiếp, tư duy logic... Để chẩn đoán được tình trạng này, cá nhân cần thực hiện một số trắc nghiệm trí tuệ với các tiêu chuẩn đo lường cụ thể và tuân thủ quy trình được đưa ra.

Theo chuyên viên Đào Lê Tâm An, việc chẩn đoán ai đó có những rối loạn tâm lý cần có ý kiến đánh giá chuyên môn từ nhà tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần.

Một người có thể đã xuất hiện dấu hiệu đặc trưng của rối loạn nào đó, nhưng không có nghĩa là họ mắc phải rối loạn này. Để chẩn đoán, rối loạn ấy phải kéo dài một khoảng thời gian đủ lâu, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ.

Những dấu hiệu được liệt kê trong bài chỉ nên được tiếp nhận như một gợi ý. Nếu chúng khiến bạn lo lắng, hãy liên hệ những dịch vụ tâm lý uy tín tại các trung tâm, bệnh viện, các trường đại học để được hỗ trợ.

Chi hơn 100 triệu đồng để trị liệu tâm lý

Mai Huyền (23 tuổi, Hà Nội) đã chi 125 triệu đồng cho 25 buổi gặp gỡ chuyên gia tâm lý. Cô thừa nhận đây là mức giá cao, song vẫn thấy đáng tiền.

Hồng Anh - Thiên Trang

Minh họa: Anny Nhi

Bạn có thể quan tâm