Bác sĩ da liễu nhi khoa Lisa Arkin, Đại học Wisconsin-Madison, chỉ điều trị cho một vài bệnh nhân bị tổn thương da tạm thời (thường được gọi là pernio hoặc chilblains) mỗi năm. Nhưng vào tháng 4/2020, khi số ca mắc Covid-19 đầu tiên tăng lên, bác sĩ đã tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân bị chilblain.
Các phòng khám chật kín người với những ngón chân tím tái, bị sưng đỏ, phồng rộp, khó chịu và đau đớn. Điều này khiến bác sĩ Lisa rất sốc.
Tình trạng có thể kéo dài tới hàng năm
Theo National Geographic, các bác sĩ da liễu ở những vùng khác của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới cũng báo cáo tình trạng tương tự. Họ tiếp nhận nhiều ca có biểu hiện tổn thương ở ngón chân. Họ gọi tình trạng này là chilblains hay "ngón chân Covid-19". Tổn thương của các F0 tương tự bị cước tay, chân vào mùa lạnh.
Tình trạng này thường phát triển trong vòng 1-4 tuần sau mắc Covid-19. Các vết sưng, đỏ thường tập trung ở ngón chân, thậm chí lan ra cả hai bàn chân. Những vết loét gây đau đớn, cảm giác nóng rát và ngứa. Ban đầu, các ngón chân sẽ có màu đỏ, sau đó chuyển tím và có tình trạng viêm.
Thông thường, bệnh nhân sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vài tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp cho hay họ bị "ngón chân Covid-19" kéo dài hàng tháng, thậm chí một năm hoặc hơn.
Bác sĩ da liễu, nhà dịch tễ học Esther Freeman, Trường Y Harvard, Mỹ, cho hay: "Ở mức độ nhẹ nhất, các bệnh nhân cảm giác như vết ngứa nhẹ. Trong giai đoạn nghiêm trọng nhất, nó khiến người bệnh đau đớn đến mức không thể xỏ giày trong vài tuần".
"Ngón chân Covid-19" thường tự khỏi sau vài tuần và không gây biến chứng nghiêm trọng. Ảnh: Science. |
Không hiếm trường hợp nhiễm virus như bệnh sởi, thủy đậu, tăng bạch cầu đơn nhân, gây phát ban mụn nước, vết sưng nhỏ hoặc các mảng khác nhau trên cơ thể. Các triệu chứng này xuất hiện khi hệ thống miễn dịch phản ứng với virus hoặc tế bào da bị virus phá hủy.
Tương tự, các bác sĩ da liễu đã phát hiện hàng loạt bệnh lý về da liên quan Covid-19. Theo TS Freeman: “Nếu bạn hỏi 100 bác sĩ da liễu trước đại dịch về vết phát ban do virus gây ra, hiện tượng chilblains gần như sẽ không được nhắc đến. Bởi chilblains hiếm khi liên quan virus".
Nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng - thường là trẻ em và thanh niên - không gặp các triệu chứng điển hình của Covid-19 như ho, sốt, đau cơ. Nếu có, các triệu chứng của họ thường rất nhẹ.
Các tổn thương ở ngón chân thường xuất hiện sau 1-4 tuần có kết quả dương tính với nCoV. Song, nhiều bệnh nhân trẻ mà bác sĩ Lisa tiếp nhận, ngay cả khi có xét nghiệm PCR âm tính và thậm chí họ cho rằng chưa bao giờ mắc Covid-19, cũng gặp phải tình trạng này.
Tương tự, một nghiên cứu được thực hiện ở Bắc California cho thấy chỉ có 17/456 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh chilblains từ tháng 4 đến tháng 12/2020 có kết quả dương tính với nCoV khi xét nghiệm PCR. Chỉ 1/97 người có kháng thể đặc hiệu với nCoV trong máu. Điều đó khiến bác sĩ Lisa rất khó hiểu.
Các bác sĩ tự hỏi liệu chilblains có phải do SARS-CoV-2 gây ra hay không. Trong hai năm trở lại đây, giới chuyên gia nghiên cứu hàng nghìn ca gặp "ngón chân Covid-19" trên toàn thế giới. Họ kiểm tra máu và sinh thiết da của những người này để tìm kiếm câu trả lời.
Nguyên nhân?
Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện sự hiện diện của những phân tử nCoV trong mẫu sinh thiết da của người bị "ngón chân Covid-19". Điều này cho thấy SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây ra những tổn thương này. Song, điều đó vẫn không thể thuyết phục nhiều chuyên gia.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2021 trên tạp chí British Journal of Dermatology cho thấy những F0 bị “ngón chân Covid-19” có liên quan tình trạng cơ thể tạo phản ứng miễn dịch quá mức khiến một số kháng thể nhắm nhầm mục tiêu, tự tấn công tế bào, mô của con người thay vì virus xâm nhập.
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu và da của 50 bệnh nhân, một số người có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi. So với những người khỏe mạnh, các F0 bị "ngón chân Covid-19" có lượng protein miễn dịch (tự kháng thể) cao trong máu, làm tổn thương sai những mô khỏe mạnh của chính họ. Chúng cũng mang hàm lượng cao các protein interferon loại I.
Các protein interferon loại I xuất hiện muộn trong cơ thể những người này. Interferon loại I vốn là tập hợp 17 protein quan trọng để bảo vệ tế bào và cơ thể khỏi virus. Sự vắng mặt của protein interferon loại I được cho là nguyên nhân khiến các bệnh nhân mắc Covid-19 dễ trở nặng hơn.
Ngoài hệ thống miễn dịch, các tế bào lót mạch máu cũng bị ảnh hưởng khi nCoV xâm nhập. Nhóm chuyên gia cho rằng điều này cũng gây ra hiện tượng tổn thương mao mạch ở ngón tay, chân người bệnh.
Theo TS Freeman, cách giải thích này có thể mang tới tín hiệu tích cực. "Cơ thể bạn đã làm nhiệm vụ chống lại virus khá tốt. Trên thực tế, nó có phản ứng miễn dịch khá thích hợp với việc sản sinh nhiều interferon. Tác dụng phụ của hiện tượng này là khiến ngón chân chuyển sang màu đỏ, tím", ông nói.
Một số nghiên cứu cho rằng "ngón chân Covid-19" xuất hiện là do lượng interferon loại I được sản sinh ra quá nhiều, gây phản ứng miễn dịch sai. Ảnh: Anne Weston/Francis Crick Institute. |
Lượng interferon được sản xuất mạnh mẽ có thể giúp người bệnh loại bỏ nhiễm trùng nCoV trước khi có kháng thể đặc hiệu với virus. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều bệnh nhân có xét nghiệm kháng thể âm tính. Ngoài ra, ở trẻ em và thanh niên, lượng interferon loại I sản sinh ra cao hơn. Chúng giảm dần theo tuổi tác. Điều đó lý giải nguyên nhân "ngón chân Covid-19" xuất hiện phổ biến ở những người trẻ hơn.
Năm 2021, một số người cũng bị "ngón chân Covid-19" sau khi tiêm vaccine nhưng rất hiếm. "Có vẻ một số bệnh nhân đang có phản ứng tương tự với interferon sau khi tiêm chủng, giống cách nó vẫn làm với chính virus", TS Freeman nhận định.
Nhưng chỉ riêng nồng độ interferon loại I tăng không thể giải thích hoàn toàn về làn sóng "ngón chân Covid-19". Ví dụ, bệnh nhân bị viêm gan do virus và ung thư được điều trị bằng interferon nhằm loại bỏ virus hoặc ngăn chặn, tiêu diệt sự phát triển của tế bào ung thư, song, interferon không gây ra tình trạng ở da như chilblains.
Một số chuyên gia cho rằng có thể "ngón chân Covid-19" không liên quan virus mà là hành vi của đại dịch. Theo nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale, mọi người không đi giày, tất nhiều khi ở nhà. Điều này có thể gây chilblains ở một số người. Dẫu vậy, bà cũng cho rằng giả thuyết này cần nhiều nghiên cứu hơn.
Cho đến khi các chuyên gia có thể truy tìm dấu vết SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân bị "ngón chân Covid-19", đây vẫn là bí ẩn chưa thể lý giải.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.