Nhiều trẻ thường bị nhọt, thậm chí tái phát nhiều lần. Ảnh: iStock. |
Nhọt thường xuất hiện trên da trẻ với hình dạng cục đỏ, mềm. Chúng là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (thường là Staphylococcus aureus) gây ra. Theo Kidshealth, hầu hết trẻ em vẫn khỏe mạnh khi có nhọt. Đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. Hệ miễn dịch của trẻ có thể tự loại bỏ vi khuẩn.
Nhọt thường xuất hiện ở mặt, cổ, nách, vai và mông (phía dưới). Chúng cũng có thể phát triển thành áp xe hoặc lây lan ra vùng khác khiến trẻ ốm nặng. Dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nặng bao gồm sốt, mẩn đỏ lan rộng, ngày càng đau. Trong trường hợp này, cha mẹ nên cho con gặp bác sĩ để được thăm khám.
Nguyên nhân gây nhọt ở trẻ
Bất cứ ai cũng có thể bị nhọt. Hầu hết trẻ em bị mụn nhọt đều khỏe mạnh.
Một số vấn đề có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị nhọt là bệnh tiểu đường, da bị tổn thương khiến vi khuẩn xâm nhập, bệnh chàm, hệ thống miễn dịch yếu, thiếu máu hoặc thiếu sắt.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể làm giảm khả năng cơ thể chống lại vi trùng (vi khuẩn). Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận thức được tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào mà con đang dùng.
Tình trạng nhọt rất dễ phát hiện. Cha mẹ có thể quan sát để xác định con bị nhọt khi thấy một cục cứng, đỏ, đau xuất hiện trên da trẻ, nó càng ngày càng lớn, gây đau nhức, hình thành mủ trắng hoặc vàng, có thể vỡ ra hoặc không.
Mụn nhọt ở trẻ thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Ảnh: Firstcry. |
Khi nào nên cho con gặp bác sĩ?
Đôi khi, nhọt có thể biến thành áp xe. Đây là một nhọt lớn, sâu. Nếu nghi ngờ nhọt của con đã trở thành áp xe, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Các trường hợp cần được nhân viên y tế thăm khám gồm:
- Nhọt không hình thành đầu, chóp hoặc không thuyên giảm trong vòng 2 ngày.
- Trẻ kêu than, cảm thấy rất đau đớn, khó chịu.
- Thân nhiệt trẻ tăng.
- Màu đỏ lan rộng ở vùng da xung quanh nhọt.
- Nhọt có kích thước bằng đồng xu hoặc lớn hơn (đường kính từ 1,7 cm trở lên).
- Nhọt ngày càng lớn hơn.
- Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều nhọt.
- Trẻ bị tiểu đường hoặc có vấn đề về miễn dịch.
Ngoài ra, trong trường hợp trẻ có nốt đỏ gần mặt, cha mẹ cần ngay lập tức cho con đi khám.
Chăm sóc trẻ bị nhọt tại nhà
Trong hầu hết trường hợp, cha mẹ có thể tự điều trị mụn nhọt cho con tại nhà, nhất là khi họ phát hiện sớm.
Chườm nhọt
Để giúp mụn nhọt nhanh chín và mủ thoát ra ngoài, cha mẹ nên thử chườm ấm. Cách làm đơn giản, phụ huynh chỉ cần làm ướt khăn mặt bằng nước ấm (không nóng) rồi đặt nó lên khu vực da có nhọt trong vài phút. Cách này có thể thực hiện 1-2 lần/ngày. Phụ huynh lưu ý luôn rửa tay trước và sau khi chạm vào nhọt.
Vệ sinh để ngăn nhọt lan rộng
Nhọt có thể lây lan rất dễ dàng. Nếu nhọt tự vỡ và chảy ra ngoài, người nhà cần dùng bông gòn sạch thấm dung dịch sát trùng, lau sạch mủ hoặc máu rồi rửa sạch, lau khô khu vực đó xong dùng băng gạc che vết hở lại.
Điều này giúp mụn nhọt không lan rộng đồng thời ngăn trẻ gãi nhọt. Người lớn cần rửa tay bằng xà phòng, lau thật khô trước và sau khi chạm vào nhọt.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tắm rửa toàn thân cho trẻ bằng nước xà phòng ấm hoặc dùng dung dịch sát trùng như Savlon hoặc Dettol (làm theo hướng dẫn trên chai để pha dung dịch). Con bạn sẽ cần khăn tắm, khăn mặt riêng. Cha mẹ phải giặt những thứ này cũng như quần áo trẻ mặc sát da thường xuyên trong nước nóng.
Không nặn mụn nhọt
Nặn mụn nhọt có thể khiến vi trùng lây lan ra vùng da xung quanh, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, việc này cũng làm đau trẻ.
Quan sát, theo dõi thường xuyên
Nếu nhọt khác xuất hiện hoặc nhọt trở to hơn hay đau hơn, bạn cần đưa trẻ đi khám.
Cho trẻ dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết
Nếu cần thiết, cha mẹ có thể cho trẻ uống paracetamol để giảm đau nhức. Phụ huynh phải làm theo các hướng dẫn về liều lượng trên chai, tránh gây nguy hiểm cho con nếu cho nhiều hơn liều khuyến cáo.
Cha mẹ không nên nặn nhọt của trẻ. Ảnh: Shutterstock. |
Điều trị khi nhọt trở nên tồi tệ
Trong trường hợp nhọt trở nên nghiêm trọng, gia đình có thể cho trẻ dùng kháng sinh. Cha mẹ nên dùng thuốc kháng sinh khi trẻ có nhiều nhọt hoặc chúng lớn, gây đau đớn. Thông thường, thuốc sẽ do bác sĩ kê đơn.
Nếu con cần dùng thuốc kháng sinh, phụ huynh hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng cho đến khi trẻ khỏi hẳn, ngay cả khi mụn nhọt đã biến mất.
Ngoài ra, nếu nhọt của trẻ trở thành áp xe, con có thể cần đến thủ thuật. Đôi khi, thuốc kháng sinh không có tác dụng hoàn toàn, mủ cần được phẫu thuật dẫn lưu khỏi nhọt. Đây được gọi là rạch và dẫn lưu.
Trẻ có thể cần gặp bác sĩ tại bệnh viện để thực hiện thủ thuật này - thường cần gây mê toàn thân vì gây đau. Bác sĩ sẽ cắt (rạch) ổ áp xe, loại bỏ mủ và băng vô trùng lên vết cắt để thấm hết mủ chảy ra. Con bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh qua đường truyền vào tĩnh mạch. Sau khi phẫu thuật, trẻ thường sẽ không cần phải ở lại bệnh viện.
Cha mẹ có thể tự thay băng cho con hoặc nhờ y tá thay hộ. Gia đình lưu ý luôn giữ băng khô.
Nguy cơ từ nhọt
Thông thường, nhọt không dẫn đến biến chứng. Dù vậy, cha mẹ nên kiểm tra xem con có bị nặng hơn do nhiễm trùng lây lan không. Các dấu hiệu bao gồm sốt, vùng đỏ lan rộng xung quanh nhọt, khiến trẻ đau đớn hơn. Trong trường hợp đó, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Dù không nghiêm trọng, đôi khi, trẻ có thể bị mụn nhọt tái phát, thậm chí lây sang các thành viên khác trong gia đình. Điều này thường do trẻ mang loại vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng cho bất kỳ vùng da bị tổn thương nào (vết cắt nhỏ và vết trầy xước).
Điều quan trọng là phải điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình bị nhiễm trùng da để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan.
Để loại bỏ vi khuẩn trên da, mọi người có thể tắm nước sát khuẩn pha loãng 2 lần/tuần. Cha mẹ nên tham khảo cách tắm cho trẻ bị chàm để ngăn mụn nhọt tái phát.
Ngoài ra, phụ huynh lưu ý giặt tất cả khăn tắm, bộ đồ giường của con trong nước nóng. Họ cũng nên dùng nước tắm sát trùng khi trẻ bị đứt tay hoặc có vết trầy xước.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phụ huynh cho con dùng kháng sinh thay thế trong thời gian dài, tăng tần suất tắm cho con bằng nước sát trùng pha loãng một lần/tuần hay bôi kem kháng sinh vào mũi trẻ - nơi thường chứa vi khuẩn.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.