Triệu chứng mắc Covid-19 phổ biến ở trẻ em là gì và khi nào bệnh của trẻ đang có xu hướng nặng lên?
Phương Tuấn - Hải Phòng
Bộ Y tế
Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5155/QĐ-BYT kèm theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Trong quy định mới, Bộ Y tế nêu rõ triệu chứng khởi phát Covid-19 của trẻ em là một hay nhiều dấu hiệu như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ. Tuy nhiên, trẻ thường không có triệu chứng.
Trong đó, triệu chứng lâm sàng thường gặp là sốt (63%), ho (34%), buồn nôn/nôn (20%), tiêu chảy (20%), khó thở (18%), triệu chứng mũi - họng (17%), phát ban (17%), mệt mỏi (16%), đau bụng (15%), triệu chứng giống Kawasaki (13%), không có triệu chứng (13%), triệu chứng thần kinh (12%), vấn đề ở kết mạc (11%) và họng đỏ (9%).
Các triệu chứng khác ít gặp hơn như tổn thương da niêm (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da…); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).
Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần.
Khoảng 2% trẻ có diễn biến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó, một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Các yếu tố tiên lượng nặng gồm trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (dưới 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.