Ngày càng có nhiều bằng chứng tổn thương thần kinh liên quan SARS-CoV-2. Theo các bác sĩ khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, biến chứng thần kinh của Covid-19 bao gồm tổn thương hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại vi như đột quỵ, viêm não, viêm tủy, viêm cơ, hội chứng Guillain Barré, hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục, thuyên tắc tĩnh mạch não.
Một số bệnh nhân có biểu hiện mất vị giác, khứu giác, suy giảm nhận thức và chú ý (brain fog- sương mù não), lo âu mới khởi phát, trầm cảm, rối loạn tâm thần, co giật và thậm chí có hành vi tự sát. Những biểu hiện này xuất hiện trước, trong và sau các triệu chứng hô hấp.
Các nghiên cứu ở Đức và Anh cho thấy triệu chứng thần kinh hậu Covid-19 gặp từ 20% đến 70% bệnh nhân, ngay cả ở người trẻ tuổi. Chúng kéo dài nhiều tháng sau khi các triệu chứng hô hấp được giải quyết.
Theo Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh - NICE 2020, triệu chứng lâm sàng của hội chứng thần kinh hậu Covid-19 bao gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Ù tai
- Mất vị giác và/hoặc khứu giác
- Rối loạn giấc ngủ
- Dị cảm
- Đau nhức cơ
- Suy giảm nhận thức: "Brain fog", giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung
- Các triệu chứng tâm thần: lo lắng, trầm cảm
Ngày càng có nhiều bằng chứng tổn thương thần kinh liên quan SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Pshsa. |
Theo các bác sĩ khoa Nội tim mạch, một số thăm dò nên được xem xét ở bệnh nhân hậu Covid-19 có các triệu chứng thần kinh, bao gồm:
- Xét nghiệm creatine phosphokinase cho bệnh nhân đau cơ và yếu dai dẳng.
- Các thăm dò về dẫn truyền thần kinh cho bệnh nhân có rối loạn cảm giác, vận động nghi ngờ bệnh lý thần kinh, bao gồm hội chứng Guillain Barre sau khi kiểm tra thần kinh kỹ lưỡng.
- Phân tích dịch não tủy: Chỉ được xem xét cho một số bệnh nhân có vấn đề về nhận thức, tâm thần kinh dai dẳng hoặc hành vi nghiêm trọng (để loại trừ các nguyên nhân khác, viêm màng não hoặc viêm não qua trung gian tự miễn sau Covid-19) hoặc nghi ngờ mắc bệnh thần kinh qua trung gian miễn dịch.
- Bệnh nhân bị sương mù não hoặc rối loạn chức năng thần kinh nhận thức nên được thực hiện đánh giá chức năng nhận thức cao hơn.
- Chụp MRI não có thể được chỉ định ở một số bệnh nhân rối loạn tâm thần kinh diễn tiến nặng hơn hoặc nghiêm trọng.
- Bệnh nhân nghi ngờ có liên quan bệnh tự miễn của hệ thần kinh nên xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn.
- Chức năng thần kinh tự chủ: Đo huyết áp và nhịp tim sau 5 phút ở tư thế nằm và sau 3 phút khi đứng. Hạ huyết áp thế tư thế được chẩn đoán nếu có giảm > 20 mmHg tâm thu và > 10 mmHg tâm trương sau khi đứng 3 phút.
- Điện não đồ: Thực hiện cho bệnh nhân nghi ngờ trạng thái động kinh.
- Đo đa ký giấc ngủ: Thực hiện cho những bệnh nhân bị rối loạn chức năng giấc ngủ nghiêm trọng, có thể chuyển tuyến để được chăm sóc chuyên sâu.
- Một vài xét nghiệm đặc hiệu khác: Xét nghiệm Anti-GFAP máu; xét nghiệm dịch não tủy: IL12; IL1, anti-neural ab, IgG index, NFL; chẩn đoán hình ảnh: PET-CT, sinh thiết/tử thiết.