Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trò lừa đảo của cô gái gán mác thần đồng 16 tuổi ở Trung Quốc

Cô gái 16 tuổi được quảng cáo là tự mở lớp đào tạo, giảng dạy kinh nghiệm thành thiên tài. Tuy nhiên, lớp học vừa bị đóng cửa, Cen và nhóm người liên quan cũng bị điều tra.

Xuất bản 3 cuốn sách, có thể viết 300 bài hát, sáng tác 2.000 bài thơ và 15.000 từ tiểu thuyết mỗi ngày, đó là những gì Cen tự giới thiệu về bản thân.

Mới 16 tuổi, cô gái đến từ Chiết Giang, Trung Quốc, khiến không ít người tò mò và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đằng sau những thổi phồng của truyền thông là hệ thống hoạt động đào tạo, bán khóa học trái phép, có dấu hiệu lừa đảo của gia đình Cen.

Những thành tích không tưởng

Theo Sina, bảng thành tích của Cen được truyền thông ra bên ngoài đều rất đáng ngưỡng mộ. Ngoài viết thơ đến xuất bản sách, Cen còn giành nhiều giải vô địch, á quân trong các cuộc thi. Khó có thể tin đây là thành tích của cô gái 16 tuổi.

Cụ thể, Cen có thể sáng tác một bài thơ trong 40 giây và không ngủ trong 24 giờ. Vua Càn Long viết 40.000 bài thơ khi còn sống. Với tốc độ của Cen, cô có thể hoàn thành số lượng này chỉ với... 20 ngày.

Cen còn được giới thiệu là bậc thầy quản lý thời gian, đồng thời là phóng viên của tạp chí China International News, dù chưa có chứng nhận chính thức.

Trong khi nhiều đứa trẻ khác lo lắng về việc học, hai năm trước, khi mới 14 tuổi, Cen đã bắt đầu sự nghiệp riêng khi đứng tên cổ đông tại 3 công ty gia đình.

Sina cho hay cô bé đứng lớp giảng dạy cho hàng nghìn người lớn tuổi về kỹ năng bán hàng, truyền cảm hứng hay cách khai phá trí thông minh thiên bẩm trong trẻ em.

than dong gia mao anh 1

Các chứng chỉ, bằng cấp của Cen. Ảnh: Sina.

Sự thật đằng sau mác thần đồng

The Paper điều tra và nhận thấy những lời quảng cáo về Cen trên mạng xã hội chỉ là sự thổi phồng. Thực tế, 3 cuốn sách mà Cen xuất bản cùng hàng nghìn bài thơ mà cô bé viết đều do gia đình tự in ấn, đem tặng người thân, bạn bè. Họ không xuất trình được giấy phép phát hành các ấn phẩm này hay thông tin về nhà xuất bản không rõ ràng.

Cha của Cen - Cen Gangcan - trả lời phỏng vấn rằng các bài giảng của con gái đều được chuyên gia tư vấn. Trong các video chia sẻ trên mạng xã hội, Cen cũng cho biết giáo viên tên Ji Jianjing góp phần thay đổi cuộc đời cô.

than dong gia mao anh 2

Thành tích của Cen được liệt kê trong các cuốn sách mà cô từng xuất bản. Ảnh: Sina.

Dữ liệu từ địa phương ghi nhận ông Ji là cổ đông của 3 công ty mà Cen và gia đình điều hành. Trong đó, Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Giao thông Thượng Hải là đơn vị kinh doanh các khóa học bán hàng và kỹ năng trở thành thiên tài.

China news tiết lộ mỗi học viên, thiếu niên có thể phải trả tới vài nghìn nhân dân tệ cho một khóa học.

Theo lời giới thiệu, sau khi theo học thầy Ji, Cen đã tự viết nhạc, sáng tác thơ. Cô bé là bằng chứng rõ ràng cho hiệu quả của khóa học kích hoạt tài năng thiên bẩm trong mỗi đứa trẻ.

Trong vai phụ huynh đến đăng ký học cho con, phóng viên The Paper nhận được lời quảng cáo đào tạo kỹ năng thuyết phục khách hàng với người lớn và cách học tập thông minh, trở thành thiên tài cho trẻ em.

Tuy nhiên, sau khi đóng tiền học, ngày 17/7 - ngày đào tạo đầu tiên theo lịch học đã quảng cáo - địa điểm tổ chức thông báo đóng cửa. Lý do được đưa ra là “bị ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Các cơ sở mở lớp khác tại Tùng Giang, Thượng Hải, cũng trong tình trạng tương tự. Văn phòng của Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Giao thông Thượng Hải vắng vẻ, không có nhân viên tới làm việc. Bên ngoài văn phòng dán tấm biển “mất điện” và bảo vệ trả lời rằng nhân viên công ty đi nghỉ mát.

Điều tra sâu hơn, phóng viên phát hiện ông Ji Jianjing đã không còn là cổ đông của công ty từ ngày 15/7 - thời điểm truyền thông Trung Quốc đặt nghi vấn về các khóa học mà Cen đứng lớp. Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp cũng đổi từ Fan Junhong thành Wang Lei.

Trên tài khoản mạng xã hội của Cen, Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Giao thông Thượng Hải tuyên bố Cen được mệnh danh là “nữ thần bán hàng châu Á”. Tuy nhiên, không ít bình luận trái chiều phía dưới bài viết giới thiệu. Nhiều người dùng mạng chỉ trích trình độ, chất lượng khóa học và ảnh hưởng tiêu cực của Cen với xã hội, cộng đồng.

Cen chỉ là một trong số những đứa trẻ sống trong mác thần đồng. Các phụ huynh Trung Quốc ám ảnh thành tích của con cái. Câu chuyện về cách giáo dục tại đất nước tỷ dân vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Giữa tháng 7, truyền thông Trung Quốc lật tẩy vụ "những đứa trẻ kỳ diệu" - nhóm học sinh được cha mẹ (vốn là các nhà nghiên cứu khoa học) giúp đỡ, làm thay cho công trình nghiên cứu.

Ủy ban cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã thu hồi giải ba được trao tặng cho một học sinh tiểu học ở tỉnh Vân Nam. Học sinh này được bố giúp đỡ phần lớn nghiên cứu.

Những sự việc trên khiến nhiều người lo ngại cho sự phát triển của thế hệ trẻ sống dưới áp lực từ phụ huynh. Không ít thiên tài, thần đồng mong muốn được sống là người bình thường như Ning Bo hay Ngụy Vĩnh Khang.

Hào quang và bi kịch phía sau lò đào tạo thần đồng tại Trung Quốc

ĐH Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc hoạt động theo mô hình giúp các thiếu niên đặc biệt phát huy tối đa tài năng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại cách giáo dục này phản tác dụng.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm