Sau vụ việc thầy giáo cắt dép học trò nghèo trường THPT Vị Thủy - phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vì chạy đua thành tích đồng phục, dư luận lo ngại sự vô cảm đang bắt đầu được dung dưỡng trong môi trường dạy làm người.
Chia sẻ những lời rất tâm tư, thầy Lương Phong Nhã, Hiệu trưởng nhà trường một lần nữa xin được gửi lời xin lỗi tới phụ huynh và học sinh trường mình.
Nhiều trẻ em miền núi phải học trong điều kiện thiếu thốn, chân trần đến lớp trong thời tiết khắc nghiệt. |
Thầy Nhã phân trần: "Sự việc xảy ra từ ngày 14/8, đến ngày 18/8 trong buổi đại hội hội phụ huynh học sinh tôi mới nhận được phản ánh. Khi nhận được thông tin, tôi cũng giật mình, hoang mang. Là hiệu trưởng lại để một thầy giáo của trường mình có hành động như vậy thì tôi là người có lỗi. Bản thân tôi đã phải đứng ra trước Hội đồng để nói lời xin lỗi các phụ huynh và xin được khắc phục hậu quả ngay", thầy Nhã nói.
Theo thầy Nhã, người có hành động trên là thầy Võ Văn Thường, giáo viên dạy thể dục. Sau khi sự việc xảy ra nhà trường cũng đã tiến hành họp hội đồng kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật kiểm điểm trước hội đồng đối với thầy Thường.
Nhà trường, cũng đã cử đại diện của trường cùng với thầy Thường tới từng gia đình học sinh bị cắt dép để xin lỗi đồng thời bồi thường số tiền 200.000 đồng cho mỗi học sinh bị cắt dép.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, thầy Nhã cho biết, mỗi trường đều có nội quy riêng phải có những nội quy đó mới đưa được các em vào nề nếp và giáo dục các em tốt hơn. Nhưng không phải là đuổi học trò, hay cắt dép của học trò, đó là hành động hoàn toàn không đúng.
"Tôi rất băn khoăn, ái ngại trước thông tin phản ánh học sinh đã rưng rưng nước mắt khi chứng kiến thầy giáo cắt đi đôi dép mà phụ huynh phải mất hai ngày làm thuê mới mua được. Nhất là hành động đó lại là của một nhà giáo".
"Theo quy định, giá mỗi bộ đồng phục của nhà trường là 175.000 đồng/bộ, nhưng với học sinh nghèo chúng tôi đã hỗ trợ cho 140.000 đồng/bộ. Vì điều kiện kinh tế của trường cũng còn nhiều hạn chế nên nhà trường chưa thể hỗ trợ 100% số tiền đồng phục cho học sinh được".
Không được xúc phạm học sinh nghèo
Ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, cũng có thái độ bức xúc. Ông Tươi cho biết, chỉ vì nóng lòng muốn học sinh có giày để tập thể dục mà thầy giáo Thường đã hành động một cách bốc đồng, không đúng mực. Lẽ ra, phải vận động học sinh, hỗ trợ, chia sẻ với các học sinh nghèo thì thầy lại lựa chọn biện pháp "cắt dép học sinh".
"Tất cả thầy tịch thu 14 đôi, thầy cắt 5 đôi. Sở không có chỉ đạo việc đó, nhưng thầy lại hành động như vậy là sai nguyên tắc cơ bản", ông Tươi cho biết. Việc làm của thầy giáo này bị ông Tươi cho rằng là hành động "quá khích", không thể chấp nhận được.
"Ai cũng muốn mặc đẹp để đến trường, ai cũng muốn có giày đi nhưng phải nhìn vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của từng em và phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện chứ không thể ép buộc. Không được xúc phạm học sinh nghèo", ông Tươi nhấn mạnh.
Theo ông Tươi, tại Hậu Giang, hiện nay sở chỉ quy định học sinh nên mặc áo trắng, chứ không có quy định quần xanh hay quần đen, vì điều kiện học sinh ở đây còn nghèo.
Đồng phục phải phù hợp với điều kiện kinh tế từng địa phương. Từ quy cách, màu sắc, số tiền phải được sự thống nhất của hội phụ huynh học sinh, không ai được phép bày ra để trục lợi từ việc đó.
"Đối với học sinh nghèo Hội phụ huynh sẽ trích lại 10-20% tiền quỹ để hỗ trợ cho học sinh may đồng phục. Số tiền đó, sẽ được gửi trực tiếp cho công đoàn và tính toán trên số bộ đồng phục cụ thể. Việc làm này sẽ chấm dứt hoàn toàn hiện tượng thương mại hóa, kiếm tiền trên lưng học sinh", ông Tươi cho biết.
Ông Tươi cho rằng, chỉ vì hành động bốc đồng này đã làm ảnh hưởng đến sự cố gắng, thành quả của cả ngành giáo dục. Chính vì vậy, sau khi xem xét Sở đã quyết định hình thức kỷ luật kiểm điểm đối với giáo viên này. Đồng thời cũng khiển trách với ban lãnh đạo của trường THPT Vị Thủy.
Rưng rưng nước mắt
Em Ngô Thị Quỳnh Như, lớp 10A9, rưng rưng nước mắt kể: Nhà em nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê. Đôi dép của em có giá 135.000 đồng, bằng gần 2 ngày làm thuê của mẹ. Vậy mà em mới đi học 2 ngày đã bị thầy giáo cắt bỏ. Hôm bị thầy cắt dép, em phải đi chân trần trên quãng đường hơn 2 km để về nhà.
Anh Ngô Văn Tòng và chị Trương Bạch Tạo (cha mẹ cháu Như) cho rằng hành vi của thầy giáo là không thể chấp nhận được. Theo chị Tạo, sau khi em Như bị cắt dép, chị phải đi mua nợ giày bata để con đi học theo nội quy nhà trường.
Hoàn cảnh cháu Lê Phú Cường (học cùng lớp với em Như) còn bi đát hơn vì là hộ đặc biệt khó khăn, nhà ở tạm trên phần đất mượn của người quen nên khả năng mua dép mới thay thế càng xa vời...
Theo hai em Như và Cường, lớp 10A9 có tổng số 40 học sinh nhưng đến hơn 50% học sinh bị thầy tịch thu, cắt dép. Các em cho biết đầu tuần, thầy chủ nhiệm thông báo nội quy, thời gian bắt buộc mang giày ba ta trắng đi học là ngày 26/8. Tuy nhiên mới đến ngày 21/8, thầy Võ Văn Thường, giáo viên - Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, xuống từng lớp kiểm tra và tịch thu, cắt dép vì cho rằng học sinh vi phạm nội quy nhà trường.