Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trọng bằng cấp, người trẻ Hàn mắc kẹt trong 'vòng xoáy' thi cử

Kỳ thi đại học khốc liệt không phải là "cuộc chiến" duy nhất mà người trẻ Hàn cần "chiến thắng" để có tương lai rộng mở. Ngược lại, áp lực học hành, thi cử càng gay gắt hơn.

“Ngày nào tôi cũng học không ngừng, ngồi vào bàn lúc 9h sáng và chỉ dừng lại vào 1h sáng hôm sau” – Lee Jin-hyeong, người dành hầu hết thời gian mỗi ngày tại các phòng học và thư viện, cho hay.

Ở tuổi 35, với tấm bằng đại học chuyên ngành khoa học máy tính trong tay, Lee vẫn chưa chính thức có công việc đầu tiên đúng nghĩa. Nuôi mộng đặt chân vào ngành cảnh sát, Lee đang miệt mài ôn luyện, chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu vào.

Giống như Lee, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, hàng triệu người trẻ ở xứ kim chi lại tiếp tục lao mình vào guồng quay học tập không dứt. Tất cả nhằm hướng đến tương lai rộng mở, nhiều cơ hội thăng tiến.

Zing.vn trích dịch bài viết trên tờ South China Morning Post, phản ánh câu chuyện về một xã hội Hàn Quốc trọng thành tích, danh hiệu khiến người trẻ nước này mắc kẹt trong “vòng xoáy” thi cử không hồi kết.

"Nhẵn mặt"với các bài kiểm tra từ cấp I

Kể từ khi bắt đầu đi học, Minji Kim cho biết cô đã thực hiện hơn 50 bài thi “quyết định cuộc đời” lớn nhỏ, từ thi đầu vào tại trường trung học cho đến kỳ thi đại học khốc liệt, cùng vô số lần thi lấy chứng chỉ, bằng cấp khác.

“Tôi đã nhẵn mặt với các bài kiểm tra từ khi mới học tiểu học. Với những bài thi quan trọng, tôi biết nó có khả năng định đoạt số phận mình. Vậy nên, tôi hiếm khi thảnh thơi vào cuối tuần, mọi tập trung đều dành cho việc học” – cô gái 29 tuổi bày tỏ.

Tính chất khốc liệt của kỳ thi đại học “Suneung” tại Hàn Quốc đã trở nên quá nổi tiếng. Việc các cô cậu học trò mới chỉ 13-14 tuổi nhốt mình đến 16 tiếng mỗi ngày tại các lò luyện thi trở thành cảnh tượng phổ biến và dễ hiểu với người dân xứ này.

ap luc thi cu anh 1
Tốt nghiệp đại học, người trẻ Hàn lại tiếp tục lao đầu vào học hành, thi cử. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, sau cánh cổng đại học, áp lực học hành càng gia tăng. Hơn 70% số sinh viên nước này tiếp tục theo học các chương trình học cao hơn sau khi tốt nghiệp, theo báo cáo của BBC.

Theo quan niệm của người Hàn, bằng cấp nói lên nhiều điều về năng lực của một người.

Từ những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cho đến những vị trí cao cấp tại các tập đoàn “đầu tàu” đất nước, các tri thức “cổ cồn trắng” tại Hàn đều phải trải qua nhiều kỳ thi nâng cao khác nhau. 

Tấm bằng đại học chưa bao giờ là đủ. Càng nhiều bằng cấp, chứng chỉ, ứng viên càng nâng tầm bản thân trong mắt nhà tuyển dụng.

Minji cho biết các vòng thi tuyển thường kéo dài nhiều ngày và buộc các thí sinh phải tạm hoãn các việc khác, tập trung cho cuộc thi.

“Một số bạn bè tôi không sống ở Seoul thường phải thuê chỗ ở mỗi cuối tuần để tiện đi thi. Họ không được biết bao giờ có kết quả, trong khi mọi chi phí đều phải tự bỏ ra”, Minji nói.

Còn với Lee Jin-hyeong, anh đã tham gia kỳ thi đầu vào của ngành cảnh sát tới 4 lần trong nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn để tiến tới vòng kiểm tra cao hơn.

“Hầu hết người trẻ trong giai đoạn 20-30 tuổi như tôi đều chăm chỉ ngồi học tại thư viện mỗi ngày vì giấc mộng thi đỗ vào cơ quan nhà nước. Phải có đến 80% số người trẻ đều trong tình trạng này” – Lee đánh giá.

Phần lớn những kỳ thi đầu vào chỉ diễn ra nhiều nhất 2 lần một năm. Những người có kết quả thi kém thường phải đợi 1 năm mới có cơ hội làm lại.

Bằng cấp đi đôi với địa vị

Ngay cả khi kiếm được một công việc, điều đó không đồng nghĩa với việc thi cử kết thúc.

“Nếu muốn thăng tiến tại chỗ làm, bạn buộc phải chứng minh khả năng bằng cách vượt qua những bài kiểm tra ở ngưỡng cao hơn” – Kim cho hay.

“Hàn Quốc có truyền thống lấy các kỳ thi tiêu chuẩn làm thước đo đánh giá năng lực”, Shin Gi-wook – giáo sư ngành Xã hội học tại Đại học Stanford (Mỹ), phát biểu.

ap luc thi cu anh 2
Những bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên đã trở nên quen thuộc với người Hàn ngay từ bậc tiểu học. Ảnh: Getty.

Theo ông Shin, người Hàn coi trọng sự đoàn kết và cảm thấy công bằng hơn nếu đánh giá thí sinh dựa trên các tiêu chí, số điểm có sẵn. Chức năng của các kỳ thi chuẩn hóa được coi là cách dễ và đơn giản nhất để phản ánh năng lực của từng người.

Mặt khác, xã hội Hàn Quốc cũng rất nhạy cảm về mặt tuổi tác. Các công ty đều quy định giới hạn số tuổi cho các vị trí công việc khác nhau.

“Những người không chứng minh được giá trị của mình trong khoảng thời gian dưới 30 tuổi sẽ càng gặp nhiều khó khăn nếu muốn phát triển công việc sau này” – giáo sư Shin đánh giá.

Giống như Lee, nhiều người trẻ tại xứ củ sâm không dám nghĩ đến chuyện hẹn hò, hôn nhân hay nuông chiều bản thân cho đến khi họ có công việc đầu tiên. Giai đoạn tìm việc ban đầu này có thể kéo dài đến 10 năm.

“Áp lực ngày một đè nặng sau mỗi lần thi cử không thành công. Càng dành nhiều thời gian để chuẩn bị, tôi càng cảm thấy hoang mang, lo lắng” – Lee thổ lộ.

“Chúng tôi không muốn bị xếp hạng như một miếng thịt bò”

Câu chuyện học tập và thi cử trở thành nỗi ám ảnh với người Hàn có nguyên do một phần từ tư tưởng Nho giáo vốn bén rễ sâu sắc vào văn hóa nước này, một phần do tác động của bối cảnh xã hội hiện đại.

“Người Hàn Quốc tin rằng nếu không đẩy mạnh sức mạnh của giáo dục lên mức cao nhất, đất nước không thể có vị thế vững mạnh. Giáo dục được coi là "vũ khí" quan trọng và là cốt lõi cho mọi động lực phấn đấu của người Hàn" - giáo sư Shin phân tích.

ap luc thi cu anh 3
Để thuận lợi phát triển công việc, người Hàn bắt buộc phải trải qua các kỳ thi đánh giá để chứng minh năng lực.Ảnh: SCMP

2/3 người dân Hàn trong độ tuổi từ 25-34 có bằng cấp đại học, tỷ lệ đứng đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong khi hầu hết người trẻ Hàn Quốc chấp nhận đi theo guồng quay thi cử đã trở thành truyền thống tại đất nước này, một số người lại dũng cảm chống lại. Tháng 11 năm ngoái, một nhóm học sinh trung học đã lên tiếng phản đối tính chất thiếu công bằng của kỳ thi đại học.

“Chúng tôi từ chối việc thi cử”, “Đại học không phải thứ duy nhất có giá trị”, “Chúng tôi không muốn bị chấm điểm và xếp hạng chất lượng như những miếng thịt bò” – nhóm học sinh hô vang bên ngoài tòa thị chính ở thủ đô Seoul.

“Những người trẻ này dành 25 đến 30 năm đầu đời chỉ để học và thi, cuối cùng lại chấp chới khi bước ra thế giới thực. Đó là khi họ nhận ra cuộc sống không phải bài kiểm tra trắc nghiệm có đáp án cho họ khoanh sẵn và cơn khủng hoảng sẽ bùng nổ” – giáo sư Shin cho hay.

John Lie - giáo sư xã hội học tại Đại học California (Mỹ) phân tích việc học cả ngày lẫn đêm như người trẻ tại Hàn Quốc gây hệ quả tồi tệ lên tinh thần, bất chấp việc chính phủ nước này tìm cách cải thiện mức độ hạnh phúc của thanh thiếu niên. 

Một số trường đại học tại Hàn Quốc cũng đang tìm cách đổi mới phương pháp tuyển sinh bằng cách kết hợp nhiều tiêu chí khác ngoài kết quả học tập song các thay đổi vẫn ở mức độ hời hợt.

Minji Kim, hiện làm việc cho một công ty của Anh, cho biết mặc dù hiện tại không phải đạt thêm bằng cấp, chứng chỉ nào, song cô vẫn trông đợi tiếp tục thi cử sau này. 

“Tôi không muốn phải làm thêm bất cứ bài kiểm tra nào. Nhưng đấy là nhiệm vụ bắt buộc nếu tôi vẫn muốn thăng tiến công việc” - Minji kết luận. 

Những 'công xưởng' luyện thi đại học khét tiếng châu Á

Các lò luyện thi Trung Quốc cấm học sinh sử dụng điện thoại, ăn vặt, hẹn hò. Còn ở Hàn Quốc, sĩ tử phải học 12 tiếng, ngủ ba tiếng mỗi ngày nếu muốn đỗ đại học.



https://www.scmp.com/week-asia/society/article/2173414/schools-never-out-why-south-koreans-are-trapped-lifetime-study

Trà My

South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm